Gia Lai: Cần xử lý tình trạng chiếm đất công, cản trở tái định cư
Lợi dụng việc xin trồng cây ngắn ngày trên đất công, một số hộ dân ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã chuyển nhượng đất trái phép để trục lợi. Tình trạng này không chỉ cản trở việc thực hiện quy hoạch, mà còn gây khó khăn cho công tác tái định cư, làm chậm tiến độ xây dựng cầu 110 trên đường Hồ Chí Minh.
Mua bán đất công bằng… giấy viết tay
Dự án xây dựng đơn nguyên cầu 110 trên đường Hồ Chí Minh (giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Lắk) có chiều dài hơn 817m với tổng mức đầu tư 24 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư. Theo hợp đồng thi công, đến ngày 30.9.2018 dự án phải hoàn thành, nhưng đến nay vẫn còn một hộ dân (ông Võ Ngọc Thành và bà Nguyễn Thị Đấu trú tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai) cản trở thi công.
Diện tích đất bà Xí tranh chấp có nguồn gốc là đất công do xã Ia Le quản lý
Trao đổi với PV Dân Việt sáng 3.2, bà Nguyễn Thị Đấu cho biết: “Gia đình tôi được UBND huyện Chư Pưh giao một lô đất tái định cư ở thôn Ia Bia, xã Ia Le nhưng chưa làm nhà được vì bà Đoàn Thị Xí (trú tại thôn Phú An, xã Ia Le - NV) ra ngăn cản. Tết này không có chỗ ở, gia đình phải che tạm túp lều trên đất cũ sát công trường cầu 110 để tá túc. Vì vậy tôi mới phản đối, không cho nhà thầu đổ nhựa đường dẫn lên cầu…”.
Bà Lương Gia Hà, một hộ khác bị thu hồi đất thuộc Dự án xây dựng đơn nguyên cầu 110, cũng được giao đất tái định cư tại thôn Ia Bia. Bà Hà mới đổ đất, dự kiến tháng 3 mới làm nhà, nhưng chưa biết có bị bà Xí ngăn cản hay không.
Về phía bà Đoàn Thị Xí thì cho rằng, diện tích này bà mua lại của ông Rơ Ma Tèo (trú thôn Ia Bia, xã Ia Le) bằng giấy viết tay, sau đó xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được vì vướng quy hoạch. Bà Xí đề nghị chính quyền thu hồi đất thì phải đền bù, tái định cư…
Làm việc với PV Dân Việt, ông Lê Quang Thái – Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết: “Theo quy định thì bà Đoàn Thị Xí không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được đền bù khi nhà nước thu hồi đất, vì bà Xí mua lại của ông Rơ Ma Tèo bằng giấy viết tay không có xác nhận của chính quyền địa phương, nguồn gốc đất là do ông Rơ Ma Tèo lấn chiếm trái phép. Tôi khẳng định đây là quỹ đất công, đã được quy hoạch, giao chính quyền địa phương quản lý để phục vụ tái định cư, xây dựng công trình công cộng”.
Đất có nguồn gốc lấn chiếm, xử lý thế nào?
Theo tìm hiểu của PV, năm 2007 chính quyền địa phương có chủ trương thành lập thôn mới Ia Bia trên cơ sở làng tái định cư Kênh Chông nhằm ổn định, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Gia Lai đã có quyết định thu hồi hơn 60ha đất rừng thuộc tiểu khu 1038A của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn (bao gồm diện tích đất bà Đoàn Thị Xí đang tranh chấp hiện nay), giao cho huyện quản lý và bố trí sử dụng. Ngay sau đó, toàn bộ diện tích này đã được UBND huyện quy hoạch là đất tái định cư thôn Ia Bia, xây dựng công cộng, đất giao thông…
Trên thực tế, UBND huyện đã tiến hành san ủi, giao đất cho 98 hộ tái định cư thôn Ia Bia để ổn định sinh hoạt, sản xuất với diện tích 24ha, không có sự tranh chấp nào. Còn lại 36ha được giao cho UBND xã Ia Le tiếp tục quản lý để phục vụ công tác quy hoạch của địa phương. Trong thời gian chưa sử dụng, có một số hộ đồng bào dân tộc tại chỗ xin trồng cây ngắn ngày, cam kết chỉ sử dụng tạm thời, khi nào nhà nước lấy thì sẽ trả lại.
Báo cáo 57/BC – UBND ngày 15.11.2017 của UBND xã Ia Le cũng thể hiện: “Chỉ có 1 hoặc 2 hộ lợi dụng vào chính sách của nhà nước, đã tự ý sáng nhượng trái phép cho người Kinh để trục lợi. Đặc biệt là hộ ông Rơ Ma Gâu, Rơ Ma Tèo sang nhượng cho bà Đoàn Thị Xí. Sau đó bà Xí ngang nhiên trồng cây, dựng trại, nhiều lần chính quyền địa phương mời đối thoại nhưng bà cố tình không chấp hành”.
Mới đây, ngày 29.1, UBND huyện Chư Pưh tiếp tục đối thoại với các hộ dân trên địa bàn xã Ia Le để xử lý vi phạm về đất đai, sớm tái định cư cho người dân bị thu hồi đất xây dựng cầu 110 nhưng bà Xí vẫn không đồng ý.
Để xử lý dứt điểm vụ việc, ông Lê Quang Thái cho biết: “Nguồn gốc 60ha rất rõ ràng, trước năm 2007 là đất rừng do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn quản lý, sau năm 2007 là đất công của xã Ia Le, có đầy đủ các quyết định thu hồi đất, giao đất cho địa phương, quy hoạch sử dụng đất. Mọi hành vi lấn chiếm, sang nhượng trên diện tích này đều trái với quy định của pháp luật”.
Cũng theo ông Thái, quan điểm của huyện là kiên quyết xử lý thu hồi, nhanh chóng bố trí tái định cư cho các hộ dân, đảm bảo tiến độ thi công cầu 110 cũng như thực hiện quy hoạch của địa phương. UBND huyện cũng sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ xã Ia Le do quản lý lỏng lẻo, để một số hộ dân lợi dụng mượn đất công trồng cây ngắn ngày rồi sang nhượng trái phép.
Đặng Trung Kiên (Dân Việt)
Theo cafeland.vn