Gia đình cựu Bí thư Quảng Nam nói gì về việc mua lô đất vàng?
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nêu các sai phạm sau khi tiến hành kiểm toán một số khu đất sau quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Ngày 18-5, ông Lê Quí Hưng (Kiểm toán trưởng KTNN khu vực 3 tại Đà Nẵng) cho biết, đã công khai báo cáo kiểm toán và theo quy trình tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm thực hiện các kiến nghị.
“Sau một năm ban hành thì chúng tôi mới kiểm tra lại xem tỉnh thực hiện đến đâu”, ông Hưng cho biết.
Bán 1.261 m2 đất vàng không đấu giá
Theo tìm hiểu, trong báo cáo KTNN đã đề cập trực tiếp đến hai lô “đất vàng” với diện tịch 1.261 m2 được bán sai quy định. Chủ nhân khu đất trên là của gia đình bà Nguyễn Thị Ánh (bà Ánh là vợ ông Vũ Ngọc Hoàng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam).
Cụ thể, tháng 4-2013, UBND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đã giao hai lô đất ở đô thị A51 và A52 có diện tích 1.261 m2 có thu tiền sử dụng đất và không thông qua đấu giá cho Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Kỳ Hà – Chu Lai Quảng Nam (Công ty Kỳ Hà-Chu Lai).
Khu đất gồm hai lô A51 và A52 có diện tích 1.261 m2 của gia đình ông Vũ Ngọc Hoàng (cựu Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam). Ảnh: Thanh Nhật
Ngày 25-4-2016, Công ty này lập hợp đồng chuyển nhượng cho bà Ánh và được phòng công chứng xác thực. Giá trị chuyển nhượng hai lô đất trên theo hóa đơn GTGT và Hợp đồng chuyển nhượng là trên 4,1 tỉ đồng.
Theo kết luận của KTNN thì chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam ngày 6-3-2013 và thông báo số 123 của UBND TP Tam Kỳ về việc bố trí đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty Kỳ Hà-Chu Lai là không đúng quy định pháp luật đất đai.
Cụ thể: giao đất không thông qua đấu giá là chưa đúng quy định tại điều 58 Luật đất đai 2003; việc giao đất cho công ty này với mục đích đất ở đô thị là chưa đúng quy định tại Điều 84, Luật đất đai 2003 (đối với tổ chức kinh tế không được giao đất ở với thời hạn lâu dài) và quy định tại điểm 3, Điều 67 Luật đất đai 2003 (thời hạn giao đất cho tổ chức kinh tế để xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh là 50 năm); cho gia hạn tiền sử dụng đất không đúng đối tượng và không đúng thẩm quyền; việc cho gia hạn không đúng quy định và việc công ty không nộp tiền đúng hạn dẫn đến tại thời điểm xác định giá trị CPHDN mới nộp 1,4 tỉ đồng, số tiền còn lại là trên 2,7 tỉ đồng chưa nộp đủ tiền sử dụng đất nên không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị DN.
Kết luận KTNN cũng nêu rõ, việc thẩm tra phương án sử dụng đất sau CPH Công ty Kỳ Hà-Chu Lai theo đó lô A51 và 52 (chưa hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước) phải lập thủ tục thuê đất trả tiền một lần nhưng công ty không thực hiện đúng phương án sử dụng đất do ngày 19-5-2016 có văn bản trình UBND tỉnh Quảng Nam cho phép chuyển nhượng hai lô đất và đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương.
Tuy nhiên, trước đó, ngày 25-4-2016, hai lô đất này đã được chuyển nhượng cho bà Ánh (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi chưa được UBND TP Tam Kỳ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Đặc biệt, trình tự thủ tục giao đất bằng công văn và thông báo (không ban hành quyết định giao đất) không đúng quy định.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Ánh khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quy định tại Điều 188, Luật đất đai 2013 (phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được văn phòng công chứng Phú Linh chứng nhận ngày 25-4-2016 chỉ căn cứ vào một số công văn mà không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, về giá trị chuyển nhượng hai lô đất có diện tích 1.261m2 nói trên cho bà Ánh thấp hơn giá đất quy định, tương ứng 703,55 triệu đồng.
Với các sai phạm trên, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức thanh tra, kiểm tra làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh, các cá nhân và tập thể liên quan đối với sai phạm.
Gia đình cựu Bí thư Quảng Nam nói gì?
Trao đổi với PLO trong chiều 18-5, ông Vũ Ngọc Hoàng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam), xác nhận vợ ông là bà Nguyễn Thị Ánh đã đứng tên mua khu đất nêu trên.
Khu đất hiện tại đã được gia đình ông Hoàng xây dựng nhà ở. Ảnh: Thanh Nhật.
Chúng tôi đặt câu hỏi: “Khi công ty Kỳ Hà-Chu Lai chuyển nhượng cho vợ ông hai lô đất trên không đúng quy định ông có biết không?”.
Ông Hoàng cho hay: “Mình chỉ biết là mua của công ty. Khi mình mua, nó là công ty tư nhân, còn trước đó chuyện mua bán của công ty thì không biết cụ thể gì cả. Họ muốn bán thì phải xin phép nhà nước. Vì trước đó họ định mua làm văn phòng, bây giờ họ bán lại cho tư nhân làm nhà thì việc đó họ phải xin phép nhà nước. Mình chỉ biết đến đó thôi”, ông Hoàng nói.
“Nhưng khi bán cho vợ anh thì chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sao lại có thể mua được?”- PV tiếp tục hỏi.
Ông Hoàng giải thích: “Theo mình biết cụ thể là thế này. Thủ tục chính thức để mua được là khi họ làm đủ các thứ rồi họ mới bán được. Còn việc ký hợp đồng trước là vì một lý do đơn giản là họ còn nợ tiền nhà nước, chưa có tiền trả đủ cho nhà nước thế cho nên bà xã mình cho họ mượn tiền để đi trả. Mượn tiền thì yêu cầu phải ký hợp đồng trước. Còn chuyện làm thủ tục sẽ làm sau. Vì phải ký hợp đồng với nhau tôi mới cho mượn tiền, chứ tự nhiên tui cho mượn mai mốt xử lý không xong là không được. Ban đầu nó có một hợp đồng là như thế”.
Ông Hoàng cũng đã nối máy cho chúng tôi gặp vợ là bà Nguyễn Thị Ánh. Bà Ánh thông tin, bà được một người bạn chỉ nhiều lô đất ở TP Tam Kỳ. Sau khi thấy khu đất này đẹp nên vợ chồng chọn mua. Nhưng khi tìm hiểu thì biết được công ty Kỳ Hà – Chu Lai mới trả 1/3 tiền cho nhà nước.
“Muốn bán, người ta phải lấy sổ đỏ nhưng lại không có tiền. Chị muốn mua phải đưa tiền cho họ trả tiền cho nhà nước để lấy lại sổ đỏ chuyển sang cho chị”, bà Ánh nói.
Bà Ánh cho hay, chuyện đúng sai bà không biết và cho rằng cơ quan nhà nước sẽ rõ hơn chuyện này.
“Chị cho họ mượn đúng số tiền còn thiếu (khoảng 2,7 tỉ) để họ nộp tiền cho nhà nước lấy sổ đỏ để bán. Sau khi họ có sổ đỏ, chị tiếp tục chuyển tiếp 1,4 tỉ đồng đúng giá trị khu đất. Lúc đó, chị sẵn sàng chịu nộp tiền phạt do chậm trễ của công ty đối với nhà nước và tiền làm thủ tục sang tên”, bà Ánh nói.
Bà Ánh nói không biết khu đất rẻ hơn giá thời điểm bán, chỉ biết họ bán không lấy lời. “Chỉ biết họ mua của nhà nước bao nhiêu bán lại bấy nhiêu thôi. Vì các cổ đông của công ty là người quen nên đồng ý bán với giá đó”, bà Ánh cho hay.
Thanh Nhật - Lê Phi (Pháp luật TPHCM)
Theo cafeland.vn