Giá đất tăng bất thường: Phải "giảm nhiệt" tức thì
Sau nhiều lần tăng giá bất thường, đến nay cả 3 tỉnh dự kiến thành lập đặc khu kinh tế là Khánh Hòa (Bắc Vân Phong), Quảng Ninh (Vân Đồn), Kiên Giang (Phú Quốc) đều đã đưa ra yêu cầu tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất.
Kể từ đầu năm đến nay, giá đất ở các khu vực dự định xây dựng đặc khu kinh tế liên tục tăng, có nơi giá tăng đến hàng chục triệu đồng trên mỗi mét vuông. Tình trạng sốt đất diễn ra bất chấp Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc chưa được Quốc hội xem xét. Thậm chí như ở Khánh Hòa, quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Không riêng gì 3 đặc khu kinh tế trong tương lai, thời gian qua các tỉnh ven TP.HCM cho đến quận gần trung tâm thành phố, giá nhà đất đều tăng cao. Chẳng hạn, tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, giá đất ở phường Thủ Thiêm tăng gần 35%, phường An Lợi Đông có mức tăng xấp xỉ 23%. Tính đến cuối tháng 4, giá mỗi mét vuông đất ở phường An Lợi Đông khoảng 255 triệu đồng.
Phải chăng giới đầu nậu đóng vai trò chủ chốt trong việc đẩy giá đất cao ngất ngưỡng?
Với các đặc khu kinh tế tương lai, tình trạng giá đất biến động liên tục chỉ trong thời gian ngắn cho thấy đa phần người tham gia thị trường là để đầu cơ và giới cò đất, bởi nói như một chuyên gia bất động sản tại TP.HCM, các nhà đầu tư và những người có nhu cầu an cư không dễ gì rơi vào cảnh "điên loạn trong cơn sốt đất".
Song, ngoài sự tác động có "kịch bản" của giới đầu cơ, cơn sốt đất vừa qua, đặc biệt ở những khu vực có kết nối giao thông thuận lợi với TP.HCM cũng phần nào xuất phát từ tâm lý người mua.
Việc tiền gửi của người dân liên tiếp gặp sự cố tại một số ngân hàng và hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi khá thấp (75 triệu đồng cho tất cả các hạn mức gửi tiền) được xem là một trong những nguyên nhân khách hàng tìm nơi "trú ngụ" an toàn hơn cho khoản tiền của họ. Chứng khoán cũng là kênh đầu tư sinh lời nhưng chỉ dành cho những ai am hiểu.
Do vậy, bất động sản, mà cụ thể là đất nền trở thành lựa chọn khá tin cậy và phù hợp với tâm lý của đại bộ phận người Việt. Cầu nhiều, cung hạn chế đã dẫn đến tình trạng sốt ảo đất nền.
Như bao lần trước đó, cơn sốt đất chỉ lắng dịu khi có sự can thiệp bằng chính sách của cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn, với Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, trước tình hình "mạnh ai nấy phân lô”, xẻ nhỏ quy hoạch để đón sóng đầu cơ, các đơn vị quản lý ở địa phương phải siết việc tự ý phân lô, tách thửa.
Điều này cũng đồng thời diễn ra ở các khu vực vệ tinh TP.HCM. Điển hình, mới đây, tỉnh Đồng Nai đã cho rà soát lại toàn bộ thị trường, đặc biệt ở những khu vực có hiện tượng giá đất tăng nóng thời gian qua như TP. Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành. Trong khi đó, tỉnh Long An cũng tiến hành thanh kiểm tra tình hình triển khai dự án của một số doanh nghiệp có thế mạnh về đất nền trên địa bàn.
Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường giám sát và mạnh tay xử lý những trường hợp tung tin đồn, thông tin sai sự thật để trục lợi.
Nguyên Bảo (DNSG)
Theo cafeland.vn