Chuyện chung cư không chỉ nóng khi cư dân tòa Victoria tập trung đông người, 775 cư dân ký đơn kiến nghị mà còn nóng ở nghị trường kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố mới đây khi hàng loạt câu hỏi chất vấn về vấn đề này được tới tấp đưa ra.
Bên ngoài không gian chung cư và nghị trường, bất chấp một tuần nóng kỷ lục đã đủ làm Hà Nội như bị “thiêu đốt”, các đối tượng chống đối lại “đứng trong bóng râm” để chực chờ sẵn sàng kích hoạt một “ngòi nổ” mới từ chuyện chung cư, tái định cư, đất đai hay bất cứ chuyện gì mang hơi thở quyền lợi và bất đồng, hòng gây rối an ninh trật tự và gây ra những bất ổn khác.
Thực tế không thể thoái thác là đã có quá nhiều tồn tại xung quanh vấn đề quản lý chung cư ở Hà Nội nhưng lại quá chậm trễ được giải quyết, khiến người dân bức xúc dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Đấy là tình trạng tỷ lệ bàn giao quỹ bảo trì quá thấp (chỉ được hơn 37%) hoặc bàn giao nhỏ giọt, kéo dài; nhiều chung cư chậm trễ thành lập ban quản trị hoặc hoạt động của ban quản trị có “vấn đề”; nhiều chung cư không có không gian sinh hoạt cộng đồng như lời hứa hẹn, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy… Tất cả cộng dồn lại theo mức độ sự việc, thời gian giải quyết và thái độ giải quyết, vô hình chung gây ức chế, bức xúc dồn nén cho người dân.
Dường như đã thành “quy trình”, khi có một vấn đề tồn tại kéo dài không được xử lý dứt điểm gây ra những hậu quả đáng tiếc hoặc không đáng có, người ta sẽ đi tìm nguyên nhân, giải pháp và quy trách nhiệm. Chuyện chung cư lần này cũng không nằm ngoài quy trình đó. Nguyên nhân được chỉ ra là do chủ đầu tư và các đơn vị vận hành chưa tốt, công tác quản lý của các cơ quan nhà nước ở cơ sở hiệu quả chưa cao, do văn hóa ứng xử, ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư một số nơi chưa ổn…
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã nhận trách nhiệm và cũng chỉ rõ trách nhiệm của các thành phần khác trong việc để xảy ra các tồn tại trong quản lý chung cư. Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng tỏ rõ sự quyết liệt khi khẳng định sẽ xem xét trách nhiệm của các sở ban ngành và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc xử lý chậm những vi phạm, tranh chấp kéo dài ở chung cư. Đồng thời các nhà quản lý cũng tuyên bố sẽ thực thi các biện pháp mạnh như cưỡng chế chủ đầu tư cố tình vi phạm, chây ì; xử lý nghiêm các chủ đầu tư và ban quản trị không thực hiện theo quy định quản lý nhà chung cư…
Như vậy, xung quanh việc lập lại trật tự quản lý chung cư, Hà Nội đã nhận thức rõ được “sức nóng” của vấn đề và các động thái cho thấy Thành phố quyết tâm xử lý dứt điểm những tồn tại trong quản lý chung cư. Tuy nhiên, có những tồn tại thuộc về “hệ thống” mà Hà Nội buộc phải xứ lý dứt điểm thì mới hòng mong triệt để vấn đề này. Đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức đầu tư xây dựng, quản lý nhà chung cư của Thành phố còn bất cập, nhất là về quản lý quy hoạch, quản lý nhà đầu tư; cơ chế phối hợp, giải quyết khi chủ đầu tư có sai phạm… Thành phố cũng còn nhiều lúng túng trong xây dựng cơ chế, chỉ đạo triển khai. Chính điều này gây ra mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân, gây khó khăn trong quản lý của các cấp.
Điều quan trọng hơn nữa lúc này là, Hà Nội cũng như như một số địa phương trong cả nước đã từng có bài học kinh nghiệm về việc nhiều nhóm đối tượng xấu luôn sẵn sàng chờ cơ hội để lôi kéo, kích động người dân; châm mồi thổi bùng “ngọn lửa” mâu thuẫn liên quan quyền lợi, đất đai, nhà cửa…; xuyên tạc, nâng tâm vấn đề, đẩy lên cao trào, vu cáo chính quyền ỳ trệ, tắc trách, “dồn dân đến chân tường”... Vụ Đồng Tâm là một ví dụ điển hình. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, Hà Nội không thể chỉ quyết liệt trong tuyên bố mà còn phải rất quyết liệt trong hành động, đẩy nhanh giải quyết dứt điểm các tồn tại quanh chuyện chung cư, đất đai, tạo niềm tin và sự yên tâm trong nhân dân. Có như vậy mới dập tắt được các đốm lửa nếu có ngay từ trong “trứng nước”, tránh được những vụ việc đáng tiếc đang manh nha tiềm ẩn gây mất trật tự xã hội, đảo lộn cuộc sống người dân…
Bên cạnh đó, người dân lại một lần nữa cần hết sức tỉnh táo và hết sức kiềm chế. Đừng biến những đòi hỏi quyền lợi hợp pháp của mình thành những cuộc đấu tranh bất hợp pháp. Đừng để kẻ xấu kích động, lôi kéo vào những hành động thiếu kiềm chế và thiếu hiểu biết, vô hình chung trở thành kẻ chống phá Nhà nước; để rồi phải nhận về những hậu quả đáng tiếc như các đối tượng vừa bị bắt, khởi tố trong các vụ xuống đường, gây rối, bạo động trái phép vừa qua.
Hà Nội cũng đã tuyên bố sẽ xem xét xử lý những cá nhân, tổ chức lợi dụng những tranh chấp trong chung cư để gây bất ổn tình hình trật tự ở địa phương, kích động lôi kéo người dân tụ tập đông người trái pháp luật. Đây là thông điệp cảnh tỉnh cho các đối tượng phản động cũng như đối với những người dân chưa thực sự tỉnh táo và chưa có nhận thức đầy đủ về các quy định của luật pháp.