Đủ cơ sở để thu hồi khu đất vàng ở Lê Duẩn
Luật yêu cầu phải đấu thầu, đấu giá đất; dự án cũng từng có nhà đầu tư khác quan tâm, xin đầu tư nhưng cuối cùng lại được giao, “bán” chỉ định theo giá cơ quan chuyên môn xác định.
Thanh tra Chính phủ đã đề xuất thu hồi để đấu giá khu đất vàng số 8-12 Lê Duẩn, quận 1 (TP.HCM). Hiện vụ việc đang chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định. Về pháp lý, hoàn toàn đủ cơ sở thu hồi khu đất, hủy việc chỉ định do vi phạm hàng loạt quy định.
Không đấu giá là sai
Nguyên giám đốc một công ty vốn sở hữu nhà nước tại TP.HCM cho biết theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Quyết định (QĐ) 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước, “việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) của cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước được thực hiện thông qua hình thức đấu giá theo quy định về bán đấu giá”.
Khu đất số 8-12 Lê Duẩn đã được UBND TP.HCM xác lập sở hữu nhà nước từ năm 1994. Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM được giao nhiệm vụ quản lý, cho bốn công ty thuộc Bộ Công Thương thuê để làm trụ sở. “Không còn gì chối cãi đây là khu đất công thuộc sở hữu nhà nước. Lavenue là công ty cổ phần, vốn tư nhân. Muốn giao cho các công ty tư nhân thì phải đấu giá” - ông bình luận.
Ông cho biết đến năm 2008, Thủ tướng ban hành QĐ 140/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của QĐ 09. Theo đó, điểm c khoản 4 Điều 1 có nói về việc giải quyết bán, chuyển nhượng cho “tổ chức, cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng QSDĐ đối với cơ sở nhà, đất đang thuê của tổ chức có chức năng cho thuê nhà, đất (như Công ty Quản lý kinh doanh nhà)”. Tuy nhiên, Lavenue là pháp nhân mới thành lập, không thuộc đối tượng này.
Theo vị cựu giám đốc công ty nhà nước nói trên, với những căn cứ về pháp lý và thực tế tình hình đầu tư như trên, không có lý do nào để Lavenue được chỉ định và giao đất để thực hiện dự án tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn.
Thanh tra TP và Thanh tra Chính phủ trước đây cũng đã từng cho rằng: UBND TP đã có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá QSDĐ tại khu đất trên, việc giao đất, thực chất là bán chỉ định và cho thuê là không đúng quy định. Và mới đây, Thanh tra Chính phủ cũng tái khẳng định điều này.
Một góc khu đất vàng ở Lê Duẩn được dùng làm bãi giữ xe. Ảnh: Hoàng Giang
Chỉ định là trái pháp luật
Ngoài việc không đấu thầu, việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn có những bất thường và sai phạm nên càng không có lý do để tiếp tục chủ trương này.
Được biết quan điểm ban đầu của TP.HCM thể hiện tại Thông báo 826 ngày 20-11-2007 của UBND TP (do Chủ tịch Lê Hoàng Quân ký) là phải “tổ chức đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn, không áp dụng hình thức liên doanh liên kết”.
Yêu cầu này phù hợp với QĐ 09 của Thủ tướng. Thế nhưng một thời gian sau, UBND TP (thông qua văn bản do phó chủ tịch lúc đó, ông Nguyễn Thành Tài ký) lại giao Công ty Cổ phần Lavenue thực hiện (không qua đấu thầu) trong khi chưa thông qua bước thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm của các đơn vị góp vốn (đối với bốn công ty thuộc Bộ Công Thương và đối với Công ty Hoa Tháng Năm sau này).
Thậm chí TP còn không kiểm soát được việc bốn công ty thuộc Bộ Công Thương đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp có được, gọi là “giá trị khai thác” (chiếm 50% vốn của Công ty Lavenue) cho Công ty Kinh Đô ngay trước khi liên doanh được thành lập.
Cần nhắc lại trước đó, theo Văn bản 933 ngày 30-12-2009 của Văn phòng UBND TP đã thể hiện ý kiến của Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Tài yêu cầu các sở, ngành liên quan phải “thẩm định năng lực các đơn vị tham gia góp vốn, tham mưu biện pháp chế tài và miễn quyền tham gia đối với đơn vị bán pháp nhân tham gia dự án cho đơn vị khác trình UBND TP”.
Ý kiến chỉ đạo này đã không được thực hiện dẫn đến bốn công ty trên dễ dàng thực hiện trót lọt việc chuyển nhượng quyền đầu tư cho Kinh Đô và Công ty Kinh Đô được thế chỗ tại giấy phép đăng ký doanh nghiệp của Công ty Lavenue.
Thanh tra Chính phủ cho rằng với việc không đấu thầu dự án, chỉ định nhà đầu tư không đúng quy định, UBND TP.HCM, các sở, ngành và bốn công ty trên “có dấu hiệu làm trái các quy định của Nhà nước, cần xử lý nghiêm túc”. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo TP thu hồi toàn bộ khu đất trên để bán đấu giá theo quy định. Đồng thời xem xét hoàn trả các chi phí hợp lý cho Công ty Lavenue.
Bộ Công Thương đề nghị cho bốn công ty con đã cổ phần hóa tham gia Theo thông tin chúng tôi có được, trong một văn bản ban hành năm 2008 của Bộ Công Thương, bốn công ty thuộc Bộ Công Thương đã thực hiện cổ phần hóa nên bộ này không còn là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại công ty cổ phần này. Thế nhưng được biết chính vì theo đề nghị của Bộ Công Thương và sau nhiều lần thay đổi chủ trương đến tháng 10-2010, từ chủ trương đúng đắn ban đầu là đấu thầu dự án, TP đã đồng ý việc lập công ty cổ phần để thực hiện dự án trên với sự tham gia của bốn công ty này (chiếm 50% dự án). Tại thời điểm năm 2009, ngoài các công ty trên, Công ty Sunwah Vietnam Real Estate Limited Ltd cũng có văn bản gửi UBND TP đề nghị tham gia. Theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2005, khi có hai nhà đầu tư trở lên thì phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Về việc UBND TP cho rằng thu hồi khu đất khó khăn do Lavenue đã đầu tư hơn 700 tỉ đồng (nộp tiền sử dụng đất và tiền thuê đất), Thanh tra Chính phủ khẳng định việc bán đấu giá khu đất trên dự kiến sẽ thu trên 2.000 tỉ đồng, có thể tính toán hoàn trả các chi phí hợp lý cho Lavenue. Hiện dự án chưa thực hiện, còn làm bãi giữ xe nên thuận lợi để thu hồi mặt bằng. Việc thu hồi, đấu giá sẽ “tăng thu ngân sách, đảm bảo kỷ cương phép nước” - Thanh tra Chính phủ kết luận. |
Cẩm Tú (Pháp luật TP HCM)
Theo cafeland.vn