Dự án sân xe đạp lòng chảo Rạch Chiếc: Mỏi mòn chờ quy hoạch
Việc thủ đô Hà Nội chỉ mất hơn 3 năm để biến dự án xây dựng đường đua xe Thể thức 1 từ ý tưởng thành hiện thực khiến người hâm mộ tại TP HCM thực sự chạnh lòng với một dự án đường đua vẫn còn nằm trên giấy sau gần 10 năm
Năm 2011, Công ty Vietnam Sports Platform (VSP) cùng với Tổ chức Phát triển thể thao Hàn Quốc (KSPO) đã sắp xếp và tiếp đón đoàn đại biểu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam đến thăm, làm việc với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, tham quan nhiều công trình thể thao tại thủ đô Seoul, trong đó có các điểm đua thuyền, đua xe đạp sân lòng chảo.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM Nguyễn Hùng cho biết Hàn Quốc và Nhật Bản là những nơi phát triển mạnh loại hình đua xe đạp sân lòng chảo do nguồn thu rất cao khi kết hợp tổ chức thi đấu và đặt cược. Chỉ tính riêng 3 trường đua tại Seoul đã đem lại khoản doanh thu xấp xỉ 4 tỉ USD/năm, được cấp lại một phần làm chi phí tập luyện, ăn ở tập trung, lương thưởng cho các vận động viên.
Bản đồ phối cảnh Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc Ảnh: VSP
Nhận thấy việc lựa chọn một nhà đầu tư có kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật và năng lực tài chính là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một công trình tầm vóc quốc tế, năm 2015, UBND TP HCM có văn bản chấp thuận chủ trương triển khai dự án sân đua xe đạp lòng chảo của VSP trong Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc (quận 2). UBND TP giao các sở, ngành liên quan khẩn trương làm việc về quy trình giấy phép đầu tư và đền bù giải phóng mặt bằng của dự án.
Năm 2016, UBND TP HCM lại có văn bản chấp thuận chủ trương triển khai dự án; yêu cầu các sở, ngành liên quan tiến hành điều chỉnh quy hoạch tổng thể 1/2.000 theo phương án thiết kế dự án của VSP. Tháng 4-2017, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP thông báo với VSP việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phải thông qua quy trình đấu thầu.
Quy trình sơ tuyển phục vụ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được bắt đầu vào tháng 4-2018. Qua quá trình thẩm định, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã trình báo cáo lên UBND TP HCM, nêu rõ VSP đủ điểm tiêu chuẩn sơ tuyển, trong khi một nhà thầu khác không đáp ứng các tiêu chí đề ra, phải rút lui, không tiếp tục tham dự đấu thầu.
Vậy mà đã gần 1 năm trôi qua, phía VSP cho biết vẫn mỏi mòn chờ kết luận chính thức của UBND TP về việc công bố kết quả đấu thầu, chưa kể quy trình đấu thầu bị hoãn để chờ quy hoạch 1/2.000. Điều đáng nói là nhà đầu tư Hàn Quốc không thể biết khi nào quy hoạch này mới được phê duyệt.
Dự án sân xe đạp lòng chảo, đường đua xe máy kết hợp với sân bóng đá ngoài trời tại Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc hứa hẹn mang lại lợi ích to lớn cho thể thao
TP HCM và cả nước. Là công trình thể thao đầu tiên đáp ứng tiêu chuẩn Olympic với sức chứa 20.000 khán giả, dự án bao gồm đường đua xe đạp lòng chảo với chiều dài 250 m, đồng thời còn có thể phục vụ nhiều bộ môn thể thao trong nhà khác như cầu lông, quyền Anh, khiêu vũ thể thao, đấu kiếm, võ thuật, quần vợt, bóng chuyền, cử tạ…
Quá trình xây dựng dự án dự kiến đem lại công ăn việc làm cho 1.000 lao động địa phương. Khi đưa vào sử dụng, dự án cũng sẽ mang lại thu nhập thường xuyên cho ít nhất 500 lao động Việt Nam, tính riêng khâu vận hành công trình.
Ngoài việc tổ chức đặt cược thể thao là vấn đề lớn nhưng sau này được gỡ bỏ phần nào với Nghị định 06/2017/NĐ-CP của Chính phủ (về hợp thức hóa kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế), một nỗi lo khác cũng hiện hữu kể từ khi dự án ra đời. Đó là TP HCM chưa tìm ra nguồn kinh phí cho việc đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình thể thao tại Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc.
Theo quy hoạch từ tháng 2-1994, Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc bao gồm các công trình thể thao đạt tiêu chuẩn Olympic như sân vận động 50.000 chỗ dành cho bóng đá và điền kinh, sân thi đấu tổng hợp trong nhà, hồ bơi... cùng với công viên và nhiều khu chức năng phục vụ nhu cầu giải trí của người dân TP HCM. Sau 21 năm, tất cả hiện vẫn dừng ở mức quy hoạch. Từ diện tích dự kiến ban đầu 466 ha, dự án giờ "teo tóp" đáng kể, chỉ còn 180,731 ha.
Dự án này từng hai lần được dư luận đề cập rất nhiều khi Việt Nam nhận đăng cai ASIAD 2018 và TP HCM đề xuất đăng cai SEA Games 2021, bởi nơi đây hứa hẹn sẽ là một trong những địa điểm tổ chức thi đấu lý tưởng cho nhiều bộ môn. Tuy nhiên, khi cả 2 đề nghị trên bất thành, Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc giờ chẳng còn được mấy ai nhắc đến.
Đông Linh (Người lao động)
Theo cafeland.vn