Dự án khu du lịch hồ Núi Cốc vẫn gặp khó
Mặc dù đã triển khai được hơn 3 năm (từ năm 2016) nhưng đến nay, việc triển khai các dự án xây dựng thuộc Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên còn gặp khó.
Một góc Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên). Ảnh: Lan Anh/TTXVN
Theo ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, đối với dự án đầu tư công, sau các công đoạn lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi... hiện các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang thực hiện việc trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng hạ tầng du lịch Khu du lịch hồ Núi Cốc. Đây là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa.
Đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hiện nay dự án đường Bắc Sơn kéo dài đã ký kết thỏa thuận đầu tư, hợp đồng dự án trong năm 2018, tiến hành khởi công xây dựng song nhà thầu chưa tập trung lập hồ sơ, phê duyệt theo kế hoạch, một số vị trí chưa giải phóng được mặt bằng do gặp khó khăn về vốn.
Dự án đường trục nối ĐT.261 đến khu vực đền Gàn, hồ Núi Cốc tuy đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 2/2018 nhưng do khó khăn về quỹ đất đối ứng nên dự án chưa triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Tuyến đường ven hồ Núi Cốc, đoạn từ điểm cuối đường Bắc Sơn kéo dài đến Đoàn An điều dưỡng 16 hồ Núi Cốc được UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải là cơ quan nghiên cứu, lập đề xuất dự án song đến nay việc lập đề xuất dự án chưa thực hiện được do quy hoạch chi tiết tuyến đường chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa có cơ sở xác định hướng tuyến, quy mô đầu tư...
Đối với các dự án ngoài ngân sách do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thực hiện, chỉ có dự án cổng Tam quan (cổng số 1) được nhà đầu tư cam kết hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước 30/4/2019; dự án xây dựng Khu tâm linh hồ Núi Cốc (Đền Gàn) đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Riêng dự án khu dịch vụ đón tiếp, khu dịch vụ du lịch và khu làng văn hóa các dân tộc với quy mô quy hoạch 1.303 ha do dự án có quy mô diện tích đất lớn; trong đó, có đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cũng như việc chồng lấn với một số dự án đã được UBND tỉnh cấp phép trước đây trong khu vực Hồ Núi Cốc nên doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường mới đang trong quá trình nghiên cứu, rà soát vị trí ranh giới cụ thể và đề xuất, báo cáo cụ thể với UBND tỉnh trong thời gian tới...
Việc triển khai đầu tư xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc nằm trong tổng thể chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, bao gồm một số dự án và được huy động nhiều nguồn lực khác nhau để thực hiện. Trong dự án tổng thể đầu tư xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc chia thành 3 loại hình dự án gồm: dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng có các dự án thành phần: đường Bắc Sơn kéo dài, dự án đường trục nối ĐT. 261 đến khu vực Đền Gàn, Hồ Núi Cốc, huyện Đại Từ; dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách (dự án thành phần Khu du lịch hồ Núi Cốc) do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là chủ đầu tư dự án với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
Dự án đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách nhà nước là dự án Xây dựng hạ tầng du lịch Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa với tổng mức đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng, dự kiến ngân sách Trung ương hỗ trợ 80% tổng mức đầu tư, 20% vốn ngân sách tỉnh.
Do khó khăn về nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 và để đảm bảo tính khả thi của dự án tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất chủ trương kéo dài thời gian thực hiện sang giai đoạn sau năm 2020.
Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Theo cafeland.vn