Dự án giao đất cho doanh nghiệp, chết lâm sàng sau lễ động thổ
Không ít dự án sau lễ khởi công, động thổ hoành tráng rơi ngay vào tình trạng “chết lâm sàng” hoặc rơi vào tình trạng èo uột, không hiệu quả.
Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư vào huyện Kon Plông, một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum, chính quyền và ngành chức năng địa phương đã trải thảm đỏ, tạo thuận lợi tối đa, trong đó có việc chuyển đổi hàng trăm ha đất rừng sản xuất giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, bên cạnh một vài dự án đầu tư hiệu quả, phát huy được tiềm năng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng thì cũng có không ít dự án sau lễ khởi công, động thổ hoành tráng rơi ngay vào tình trạng “chết lâm sàng” hoặc là tồn tại một cách èo uột.
Tan hoang đất và rừng sau chuyển đổi giao dự án cho doanh nghiệp.
Đại dự án quy mô gần 200ha trồng cây Mắc ca của Công ty TNHH Đăng Vinh, được UBND tỉnh Kon Tum ra Quyết định chấp thuận nhà đầu tư vào tháng 8/ 2015. Dự án có vị trí khá đắc địa ngay cạnh quốc lộ 24, đoạn thuộc xã Đăk Long, huyện Kon Plông.
Thời điểm phóng viên có mặt tại dự án không gặp một bóng người. Từ quốc lộ 24 nhìn vào ngay sau mốc lộ giới là một phần quả đồi bị san ủi nham nhở. Tiến sâu vào phía trong, dấu vết sự tồn tại của dự án là hai căn nhà gỗ, mái lợp tôn hoang lạnh, cửa không khóa với vài bao xi măng đã cứng lại vì bị ngấm nước mưa.
Trên các sườn đồi, Công ty cho máy móc ủi thành đường, rồi trồng cây với cách không thể cẩu thả hơn và không có dấu hiệu cây trồng được chăm sóc. Quan sát cho thấy trên một số quả đồi gần đường quốc lộ có hai loại cây đã được trồng, đó là cây Mắc ca giống OC và bưởi da xanh ruột hồng.
Trao đổi với ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông về dự án này, được biết:“Dự án này thuộc tỉnh quản lý. Trên địa bàn huyện cũng phối hợp với các sở, ngành và nắm thông tin thường xuyên.
Tiến độ triển khai dự án rất chậm. Huyện cũng đã có văn bản đôn đốc và báo cáo lên tỉnh và các sở, ngành. Hiện nay dự án này cũng đang có thủ tục điều chỉnh lại dự án. Họ điều chỉnh một phần qua trồng dạng cây khác".
Đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đã được san ủi rồi bỏ hoang.
Để mời gọi được doanh nghiệp đầu tư vào dự án với tổng vốn 48 tỷ đồng, tháng 1/2017, UBND tỉnh Kon Tum cho thu hồi, chuyển mục đích sử dụng trên 200ha đất lâm nghiệp (đất rừng sản xuất) tại tiểu khu 481, xã Đăk Long, huyện Kon Plông.
Vào thời điểm trên, đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Kon Plông đã phải hối hả đốn hạ những cây thông 20 năm tuổi, bán vội trên 4.000m3 gỗ để giao mặt bằng cho doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án.
Sự cầu thị trong thu hút đầu tư của chính quyền địa phương còn được thể hiện ở khía cạnh áp dụng chính sách và ưu tiên trong giải quyết thủ tục đầu tư một cách thông thoáng.
Công ty TNHH Đăng Vinh đã không tốn một đồng để có dự án gần 200ha đất từ tỉnh Kon Tum với thời hạn thuê đất 50 năm. Mỗi năm Công ty này phải trả tiền thuê đất gần 86 triệu đồng, song sớm nhất cũng phải đến năm 2032 doanh nghiệp mới bắt đầu phải nộp số tiền này.
Ông Lữ Quốc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Kon Tum, cho biết: “Tiền thuê đất này thì tính ra như vậy thôi chứ họ lại đang được miễn. Trước mắt bây giờ họ đang được miễn trong thời gian xây dựng cơ bản cho đến tháng 12/ 2021.
Thời kỳ đầu tư xây dựng cơ bản xong rồi họ sẽ tiếp tục họ làm hồ sơ để miễn theo vùng địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Ít nhất họ cũng sẽ được miễn 11 năm nữa”.
Ngược lại với những ưu đãi, kỳ vọng về một dự án: “Góp phần định hướng phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Kon Tum; giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động; tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương”…
Cuối tháng 5/2018, liên ngành chức năng của tỉnh Kon Tum, gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Kon Plông qua kiểm tra việc triển khai dự án của chủ đầu tư khẳng định: các hạng mục để thực hiện dự án còn chậm; Công ty chưa thực hiện ký quỹ đầu tư để đảm bảo thực hiện dự án đầu tư.
Thực tế cũng cho thấy, dù chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm nhà điều hành, nhà ở công nhân, kho bãi chứa vật tư phân bón, song Công ty Đăng Vinh đã tự ý cho san ủi khoảng 2ha đất rồi để hoang. Cùng với đó trong quá trình san ủi, đất theo nước mưa tràn xuống khiến một công trình thủy lợi của xã Đăk Long bị bồi lấp gần như hoàn toàn.
Không ngoài những gì tiên liệu, kịch bản đầu tiên đã được Công ty TNHH Đăng Vinh mở màn, đó là việc xin giãn tiến độ đầu tư, xin điều chỉnh một phần dự án sang trồng cây khác với rất nhiều lý do, như: địa hình đồi núi dốc khó khăn trong trồng trọt, chăm sóc; đào hố bằng máy đẩy chi phí cao so với dự toán ban đầu; tiến độ bị ảnh hưởng do công nhân tại chỗ dễ bỏ việc.v.v. Những dấu hiệu trên cho thấy, đại dự án trồng gần 200ha Mắc ca giờ đã hết giai đoạn mặn nồng.
Ông Nguyễn Tấn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum, cho biết: “Về góc độ của Sở, tôi thực hiện chủ trương của UBND tỉnh và hết sức là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.
Còn nếu giao đất nhưng họ không làm mà bỏ cũng là điều chúng tôi hết sức quan tâm, lo lắng đặc biệt là liên quan tới rừng”.
Trong những năm vừa qua tại địa bàn huyện Kon Plông, một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum, chính quyền địa phương đã tiến hành chuyển đổi hàng trăm ha đất rừng sản xuất giao cho doanh nghiệp thực hiện các dự án.
Bên cạnh một vài dự án đầu tư hiệu quả, phát huy được tiềm năng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng thì cũng có không ít dự án ngay sau lễ khởi công, động thổ hoành tráng rơi ngay vào tình trạng “chết lâm sàng” hoặc là tồn tại một cách èo uột.
Từ thực tế trên cho thấy, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Kon Tum cần thận trọng với những dự án tiếp theo bởi nếu không sẽ xảy ra rất nhiều hệ lụy./.
Khoa Điềm/ VOV - Tây Nguyên
Theo cafeland.vn