Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa: Ì ạch triển khai, dân mòn mỏi chờ
Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa được kỳ vọng sẽ thổi luồng gió mới cho thị trường bất động sản Bình Quới - Thanh Đa. Tuy nhiên, hơn 10 năm triển khai, dự án vẫn đang còn thi công ì ạch do vướng mặt bằng.
Được bao quanh bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa, bán đảo Thanh Đa đang là tâm điểm hướng đến của nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Dự án trọng điểm
Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng của bán đảo Thanh Đa, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, đất đai của người dân, ngày 5/6/2006, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư và tách dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa thành 7 tiểu dự án, do Khu quản lý đường thủy nội địa (thuộc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, các dự án này được chia thành hai nhóm: Chống sạt lở kênh Thanh Đa và chống sạt lở trên sông Sài Gòn. Theo đó, trên kênh Thanh Đa có 4 tiểu dự án bao gồm dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa - Đoạn 1.1 - 1.4. Tổng giá trị xây lắp của các dự án này khoảng 110 tỷ đồng. Các dự án trên kênh Thanh Đa đã thi công xong và đưa vào khai thác.
Riêng các dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa trên sông Sài Gòn có quy mô đầu tư lớn hơn. Cụ thể, dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 (sông Sài Gòn - Khu vực Khách sạn Sài Gòn Domine) với tổng mức đầu tư hơn 280 tỷ đồng; dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 3 (Bình Quới, Cây Bàng, Rạch Chùa) đầu tư hơn 420 tỷ đồng; dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 4 (sông Sài Gòn - Khu biệt thự Lý Hoàng đến Nhà thờ La San Mai Thôn) có tổng mức đầu tư 281 tỷ đồng.
Đây là dự án trọng điểm, nhiều người kỳ vọng khi hoàn thành sẽ thổi một luồng gió mới cho sự phát triển của thị trường bất động sản Bình Qưới - Thanh Đa.
Khi hoàn thành, dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa không chỉ là giải pháp căn cơ để chống sạt lở, mà dự án này cũng từng được xem là tâm điểm hút các nhà đầu tư bất động sản. Bởi hiện nay, những dự án có view sông đang là xu hướng mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn và cũng rất hấp dẫn người tiêu dùng.
Hơn nữa, dự án sẽ thúc đẩy phát triển quy hoạch đô thị tại bán đảo tiềm năng bậc nhất TP.HCM và thổi luồng gió mới vào các dự án “treo” nhiều năm tại khu vực này. Do vậy, tiến độ xây dựng các dự án chống sạt lở luôn là thông tin “nóng” khi mà TP.HCM đã công bố danh sách 10 nhà đầu tư muốn tham gia đấu thầu siêu dự án đô thị “tỷ USD” Bình Quới - Thanh Đa.
Tuy nhiên, hơn 10 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư, dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa vẫn ì ạch triển khai, một số khu vực đã dừng thi công từ sau Tết Kỷ Hợi vừa qua.
Ì ạch... vì vướng mặt bằng
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện chỉ có dự án chống sạt lở (đoạn 1) kênh Thanh Đa đã hoàn thành. Các đoạn 2, 3, 4 với nhiều gói thầu lớn đang thi công cầm chừng, thậm chí một số điểm phải “treo cẩu” vì không có mặt bằng.
Cụ thể, đối với dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 2, sông Sài Gòn - khu vực Khách sạn Sài Gòn Domine), gói thầu thảm đá dưới nước khởi công vào tháng 8/2014, sau 1 năm thi công đã hoàn thành 95%, nhưng phải ngưng do vướng mặt bằng. Gói thầu xây lắp thân kè và đỉnh kè khởi công tháng 6/2018 mới đạt 26%, cũng ngưng do vướng mặt bằng.
Đối với dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 3, từ Bình Quới, Cây Bàng, Rạch Chùa) gồm gói thầu số 8, 9, 10 và 11. Gói thầu số 10 xây dựng gần 800 m bờ kè đã hoàn thành, 3 gói thầu còn lại vẫn đang mời thầu và thi công cầm chừng.
Riêng dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 4, sông Sài Gòn - khu vực biệt thự Lý Hoàng đến nhà thờ La San Mai Thôn), sau 1 năm thi công đạt khối lượng 93% và từ đó ngưng cho đến nay. Còn lại, gói thầu xây lắp thân kè và đỉnh kè khởi công vào quý III/2018, đến nay khối lượng thi công chỉ đạt 12%.
Nhiều điểm thi công của dự án phải dừng để chờ mặt bằng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Đoàn Anh Vinh, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Anh Vinh, đơn vị đang đảm nhiệm thi công nhiều gói thầu lớn của dự án cho biết, việc thi công hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn do nhà thầu mới nhận được 30% mặt bằng, còn lại chủ đầu tư chưa giải quyết xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
“Giao mặt bằng đến đâu chúng tôi thi công đến đó. Nhưng với tiến độ bồi thường và bàn giao mặt bằng như hiện nay, chúng tôi lo không đảm bảo tiến độ cam kết theo hợp đồng”, ông Vinh lo lắng.
Về phía chủ đầu tư, ông Phan Công Bằng, Giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM cho biết, các nhà thầu, trong đó có nhà thầu Anh Vinh đang nỗ lực đưa thiết bị, vật tư tập kết trên công trường để đẩy nhanh tiến độ thi công khép kín bờ bao chống sạt lở bán đảo Thanh Đa. Song, công tác bồi thường quá chậm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Cũng theo ông Bằng, hiện UBND quận Bình Thạnh đã ban hành quyết định phê duyệt chính sách bồi thường, quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, quyết định bồi thường đối với các cơ quan, tổ chức và hộ gia đình thuộc phạm vi dự án. “Trước mắt, ban bồi thường quận Bình Thạnh sẽ vận động bàn giao mặt bằng 871/2.772 m cho triển khai trước khi hoàn tất công tác bồi thường”, ông Bằng nói.
Dân mòn mỏi chờ
Những vướng mắc chưa thể khắc phục khiến dự án ì ạch, trong khi nỗi lo thường trực về những vụ sạt lở gây thiệt hại nặng khiến người dân không khỏi bất an. Trò chuyện với phóng viên, ông Sinh, một hộ dân sống tại phường 27 (Bình Thạnh), vẫn còn ám ảnh những vụ sạt lở kinh hoàng trước đây khiến cho gia đình ông không khỏi lo lắng.
“Mấy năm trước, quán Hoàng Ty 1 bị sạt lở khiến 2 người chết, rồi 2 năm sau cũng sạt lở cuốn trôi 3 căn nhà cùng hàng ngàn mét vuông đất. Mùa mưa sắp trở lại, chúng tôi rất lo lắng khi tính mạng và tài sản sẽ bị cuốn trôi theo dòng nước không biết lúc nào”, ông Sinh lo lắng.
Không chỉ riêng ông Sinh, mà hàng trăm hộ dân sống ven sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa cũng đang rất nóng lòng chờ dự án hoàn thành để không còn ngày đêm sợ hãi mỗi khi mùa mưa đến. Bên cạnh những nỗi lo thường trực, không ít người dân tỏ ra bức xúc bởi ì ạch 10 năm vẫn không hoàn thiện, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và kinh doanh của nhiều hộ gia đình.
“Đây là dự án trọng điểm của Thành phố, nhưng theo quan sát của tôi, nhiều khu vực đã thi công nhiều năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, trong khi triều cường, sạt lở xảy ra hàng năm nuốt chửng không biết bao nhiêu ngôi nhà”, anh Thanh, một người dân sống tại phường 27 nói.
Chị Hà, chủ một quán cafe nằm trên đường Thanh Đa, khu vực đối diện với đoạn đoạn 2 (sông Sài Gòn - Khu vực khách sạn Sài Gòn Domine) cũng rất bất xúc vì dự án chậm tiến độ làm ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của quán.
“Khu vực này đã quây tôn để làm dự án mấy năm nay, nhưng cứ ì ạch từ năm nay sang năm khác vẫn chưa hoàn thành. Khách đến quán là nhờ có view sông, nhưng kéo dài mãi thế này khiến lượng khách đến quán cũng thưa dần”, chị Hà nói.
Trọng Tín (Đầu tư BĐS)
Theo cafeland.vn