Đồng Nai: Thu hút đầu tư trong nước tăng đột biến
Dù xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhưng thu hút đầu tư trong nước của Đồng Nai trong 5 tháng đầu năm vẫn đạt gần 15,4 ngàn tỷ đồng, tăng trên 29% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn đầu tư trong nước chủ yếu tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản, thủy điện.
Nhà máy Thủy điện Trị An hiện có công suất 400MW nhưng khi dự án mở rộng hoàn thành nâng công suất lên 600MW. Ảnh: K.Minh
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, 5 tháng đầu năm nay, Đồng Nai cấp mới được 57 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký trên 13,9 ngàn tỷ đồng và 4 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn bổ sung gần 1,45 ngàn tỷ đồng. Đến đầu tháng 6-2020, số dự án đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực là 984 dự án với số vốn gần 267,8 ngàn tỷ đồng.
Bất động sản “hút” vốn
Với các lợi thế về hạ tầng giao thông và cảng hàng không quôc tế Long Thành, Đồng Nai thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước rót vốn vào lĩnh vực bất động sản. Địa bàn thu hút được nhiều đầu tư trong nước vào bất động sản là H.Nhơn Trạch, H.Long Thành. Đây cũng là khu vực có đất nền, nhà ở đang nóng nhất khu vực Đông Nam bộ và được nhiều doanh nghiệp trong nước chú ý đến. Đồng Nai cũng quy hoạch sử dụng đất hơn 300 khu dân cư, tập trung ở các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và TP.Biên Hòa.
Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà cho biết: “Các dự án đầu tư trong nước có số vốn lớn được cấp phép phần lớn là dự án bất động sản nằm ở khu vực các huyện Nhơn Trạch, Long Thành. Trong đó, có một số dự án vốn đăng ký lên đến cả ngàn tỷ đồng. Các dự án trên đã giúp cho thu hút đầu tư trong nước của tỉnh tăng cao”.
Dự án khu dân cư có vốn đầu tư hơn 3 ngàn tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư phát triển Thuận Lợi (Bình Dương).
Đơn cử là các dự án: Khu dân cư tại H.Nhơn Trạch do liên danh giữa 3 công ty ở Hà Nội là Công ty TNHH Đầu tư địa ốc xanh, Công ty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới và Công ty CP Đầu tư PMT Land Việt Nam thực hiện với tổng vốn đăng ký khoảng 2,5 ngàn tỷ đồng. Dự án Khu dân cư tại xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) do Công ty TNHH Thiết kế và xây dựng Phúc Tiến (TP.Biên Hòa) làm chủ đầu tư với vốn đăng ký khoảng 1,1 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư phát triển Thuận Lợi (Bình Dương) thuộc Tập đoàn Kim Oanh đầu tư hơn 3 ngàn tỷ đồng làm Khu dân cư xã Bình Sơn (H.Long Thành); Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An (Bình Dương) của Tập đoàn Đất Xanh đang triển khai dự án Khu đô thị xã Lộc An (H.Long Thành) với số tiền trên 1 ngàn tỷ đồng.
Ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh cũng cho hay: “Tập đoàn đang triển khai 4 dự án lớn về bất động sản, trong đó có 1 dự án ở H.Long Thành. Đây là dự án lớn đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm vì khả năng sinh lời cao”.
Theo đánh giá của một số chuyên gia về lĩnh vực bất động sản thì trong thời gian tới nguồn vốn đầu tư trong nước, nước ngoài đổ vào Đồng Nai ở lĩnh vực bất động sản, thương mại, dịch vụ sẽ nhiều hơn để đón đầu các dự án lớn về giao thông.
Hơn 3,7 ngàn tỷ đồng làm thủy điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được UBND tỉnh cấp phép đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng tại xã Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu). Dự án có diện tích hơn 24ha và vốn đăng ký hơn 3,7 ngàn tỷ đồng. Đây là dự án đầu tư trong nước có vốn lớn nhất từ đầu năm đến nay tại Đồng Nai.
Theo ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An, Nhà máy Thủy điện Trị An (thuộc Công ty Thủy điện Trị An) được xây dựng từ năm 1984 trên địa bàn H.Vĩnh Cửu có 4 tổ máy với tổng công suất 400 MW. Đây là công trình thủy điện nằm ở bậc thang thấp nhất trên hệ thống sông Đồng Nai, giúp điều tiết nguồn nước, đẩy mặn cho vùng hạ du và đóng góp quan trọng cho lưới điện quốc gia. Qua quá trình nghiên cứu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã quyết định đầu tư thêm 2 tổ máy để khai thác hết tiềm năng nguồn nước của hồ Trị An. Dự án Thủy điện Trị An mở rộng đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Dự kiến năm 2025, dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng sẽ hoàn thành và giao cho Công ty Thủy điện Trị An quản lý khai thác. Khi đó, tổng công suất của Nhà máy Thủy điện Trị An sẽ là 600MW, tăng 200MW so với hiện nay”- ông Nhẫn nói.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng sẽ tận dụng được hết nguồn nước xả thừa của hồ Trị An, bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia khi bị hao hụt và đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, sinh hoạt khu vực. Khi Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng là dự án quan trọng nên tỉnh sẽ hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa vào khai thác.
Khánh Minh (Báo Đồng Nai)
Theo cafeland.vn