Đối mặt với thách thức mặt bằng
Có mặt bằng để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn là mối quan tâm hàng đầu của DN...
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty sản xuất, chế biến và kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bức xúc, lúc mới thành lập, DN vỏn vẹn có 4 công nhân làm việc trong căn nhà cấp 4 ở khu dân cư với diện tích 125m2. Đến năm 2018, DN tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương, thu nhập ổn định.
DN Đà Nẵng đang đối mặt với việc khó khăn về mặt bằng mở rộng sản xuất
Tuy nhiên, càng phát triển, quy mô sản xuất ngày càng cần phải mở rộng. Thế nhưng diện tích đất để mở rộng xưởng sản xuất không có, buộc DN phải đi thuê vài căn nhà cấp 4 rải rác trong các khu dân cư để làm nơi sản xuất. Những nhà xưởng đó chật hẹp, giao thông khó khăn, nên công nhân luôn nơm nớp lo sợ về cháy nổ…
Ông Sơn cho rằng, nếu có mặt bằng sản xuất rộng chắc chắn trong 2-3 năm tới, DN sẽ tạo công ăn việc làm cho trên 300 lao động và đóng góp ngân sách cho địa phương sẽ lớn hơn. Để đảm bảo cho việc mở rộng sản xuất, thời gian qua, DN đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền TP. Đà Nẵng được thuê 2ha đất tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trường hợp này chỉ là một trong số hàng trăm câu chuyện về thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh của DN tại TP. Đà Nẵng hiện nay.
Cũng như vậy, hiện vướng mắc lớn nhất của các Khu công nghiệp (KCN) tại Đà Nẵng là thiếu hụt quỹ đất, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, khoảng cách ly với khu dân cư chưa phù hợp. Ngoài ra, thị trường Đà Nẵng và miền Trung có quy mô tương đối nhỏ, sức tiêu thụ không lớn; các thiết chế văn hoá trong các KCN chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân…
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, thành phố cần xem xét lại vấn đề khai thác quỹ đất tại KCN Liên Chiểu. Bởi hiện tỷ lệ khai thác đất tại đây rất thấp, mối quan hệ giữa các DN và Ban quản lý KCN Liên Chiểu vẫn còn có bất cập.
Còn ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu chia sẻ, DN khó tiếp cận được quỹ đất để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh theo chiến lược phát triển trong từng giai đoạn. Vậy nên, để DN gắn kết hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh - tế xã hội, thì TP. Đà Nẵng cần có biện pháp hỗ trợ cho DN nội để tăng sức cạnh tranh.
Tương tự, ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường cho hay, vì có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất để đáp ứng thị trường, nhiều năm qua, DN đã nhiều lần kiến nghị thông qua Hội doanh nghiệp, trực tiếp kiến nghị với lãnh đạo thành phố tạo điều kiện cho DN về thuê đất để đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, song đến nay vẫn chưa được đáp ứng.
Để giải quyết vấn đề này, những năm qua, Đà Nẵng có chủ trương và nỗ lực xây dựng thêm các KCN để đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Song thành phố cũng đang gặp nhiều khó khăn vì quỹ đất không còn nhiều.
Theo ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, trong thời gian tới, thành phố sẽ rà soát tổng thể các vấn đề đất đai, công nghệ, sản xuất, để bảo đảm hiệu quả sử dụng đất cao nhất tại các KCN trên địa bàn.
Còn Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư KCN Hòa Cầm Ngô Giang Nam cho biết, công tác đền bù giải tỏa dự án KCN Hòa Cầm giai đoạn 1 hoàn tất 90%, song 10% còn lại vẫn gặp vướng mắc khiến thời gian hoàn thành kéo dài, làm tăng chi phí đầu tư của dự án, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và công tác thu hút đầu tư vào KCN. Ngoài ra, đối với phần diện tích đất đã giải phóng mặt bằng bổ sung vào tháng 2/2017, DN mong muốn thành phố sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo pháp lý cho các DN đã đăng ký đầu tư vào phần diện tích đất này.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng cho rằng, chủ trương của TP. Đà Nẵng là luôn lấy DN, nhất là các DN tư nhân, làm động lực cho tăng trưởng. Thời gian qua, tốc độ phát triển của DN trên địa bàn đang diễn ra nhanh, mạnh và đa dạng. Đóng góp của DN cho GRDP của thành phố rất cao.
Vậy nên, các DN cần chủ động từng bước khắc phục những khó khăn trước mắt, không chỉ mở rộng đầu tư tại địa bàn mà còn tìm cách nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh. Đồng thời, cần tăng cường liên kết, hợp tác giữa các đơn vị.
Chí Thiện (TBNH)
Theo cafeland.vn