Di tích tư nhân: Để dân tự quản
Nhiều địa phương mạnh dạn để gia chủ quản lý, kinh doanh di tích tư nhân và sẵn sàng hỗ trợ tiền để bảo tồn, tôn tạo
Cho đến nay, việc quản lý di tích dinh thự "vua Mèo" ở Hà Giang vẫn chưa có quyết định cuối cùng dù vụ việc đã lùm xùm một thời gian dài. Trong khi đó, nhiều địa phương khác giao hẳn cho tư nhân quản lý di tích là gia sản riêng của mình.
Không bán vé hoặc chỉ thu tượng trưng
Thừa Thiên - Huế là địa phương được biết đến với nhiều di sản của các gia đình, dòng họ lâu đời. Ngoài các nhà cổ ở làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền thì số lượng lớn tập trung tại TP Huế và được hình thành từ thời triều Nguyễn.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) TP Huế, TP có khoảng 42 phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa triều Nguyễn và 40 nhà vườn đặc trưng. Trong đó, phủ Tuy Lý Vương được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991, phủ thờ Diên Khánh Vương (đều ở phường Vỹ Dạ) được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2012, nhà vườn Lạc Tịnh Viên (phường Vĩnh Ninh) là nhà vườn truyền thống Huế đặc trưng duy nhất cho đến nay được xếp hạng di tích cấp tỉnh từ năm 2007.
Đường Phú Mộng, phường Kim Long, TP Huế được xem là tuyến đường có nhiều nhà vườn và thu hút khá đông du khách. Du khách đến tham quan được gia chủ tiếp đón niềm nở, không bán vé hoặc giá vé rất thấp, chỉ đủ chi phí trà, nước.
Nhà cổ Hội An do tư nhân quản lý thu hút đông đảo du khách tham quan Ảnh: Trần Thường
Nhằm phát huy giá trị di sản, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho thực hiện Đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế". Theo Phòng VH-TT TP Huế, 8 nhà vườn, 1 phủ đệ đã được hỗ trợ kinh phí trùng tu, sửa chữa và đang hoàn tất thủ tục để hỗ trợ trùng tu 3 nhà vườn trong năm 2018. Chính sách này giúp các nhà vườn, phủ đệ không bị xuống cấp, qua đó phát huy giá trị di sản, thu hút khách tham quan.
Bà Phạm Quỳnh Dao, Trưởng Phòng VH-TT TP Huế, khẳng định các nhà vườn, phủ đệ khi tham gia đề án này được hưởng chính sách đặc biệt. Ngoài kinh phí trùng tu, các nhà vườn, phủ đệ còn được hỗ trợ chi phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế trùng tu, vay lãi suất thấp...
"Các phủ đệ đều do các hệ phái, cá nhân của dòng họ Nguyễn Phước sở hữu, sử dụng và quản lý. Nhà nước quản lý những di tích này như các công trình dân dụng và không có quyền can thiệp vào quá trình sử dụng, cải tạo, xây dựng..." - bà Dao nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc triển khai trùng tu các di tích gặp khó khăn về kinh phí đối ứng, bởi tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ hỗ trợ được 700 triệu đồng/nhà. Vì vậy, nhiều phủ đệ đến nay chưa được trùng tu, bị xuống cấp, lấn chiếm. Di tích phủ thờ Diên Khánh Vương sau khi được công nhận đến nay vẫn chưa được đầu tư nâng cấp. Xung quanh khu di tích này đã bị lấn chiếm, xây dựng nhà ở. Kinh phí trùng tu di tích này khá cao, khoảng 2 tỉ đồng.
Toàn quyền kinh doanh
TP Hội An, tỉnh Quảng Nam có hàng trăm nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân nằm trong khu phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Nhiều năm qua, TP Hội An có cách quản lý phù hợp để không làm phát sinh mâu thuẫn lợi ích giữa tư nhân và nhà nước.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, TP này hiện có hơn 1.350 di tích, riêng khu phố cổ đã hơn 1.100 di tích gồm nhà ở, hội quán, miếu, đình, nhà thờ, chùa. Hơn 80% trong số này thuộc sở hữu tư nhân. Việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của các di tích được thực hiện theo tiêu chí "3 nhà": Nhà nước, nhà chuyên môn, chủ nhà - chủ di tích.
Ông Sơn cho biết dù nhà nước quản lý về mặt hành chính nhưng các chủ di tích toàn quyền quyết định việc kinh doanh hoặc chuyển nhượng cho chủ sở hữu khác với điều kiện không ảnh hưởng tiêu cực đến di tích. "Kể cả các nhà cổ phục vụ du khách tham quan như Tấn Ký, Phùng Hưng thì cũng chỉ đưa họ vào ô vé, quảng bá; còn việc tổ chức tham quan là do chủ di tích tự thực hiện" - ông Sơn nói.
Tại Hội An, di tích duy nhất có hơi hướng hợp tác giữa nhà nước với tư nhân là nhà lưu niệm Cao Hồng Lãnh (tên gọi khác nhà cổ Đức An). Tuy vậy, nhà nước cũng chỉ đứng ra tổ chức hỗ trợ tư liệu, nghiệp vụ trưng bày để nơi đây vừa là nhà gia tộc vừa là nhà lưu niệm chứ không trực tiếp quản lý, khai thác.
"Đối với những di tích tổ chức bán vé tham quan, việc tu bổ là chuyện nhỏ vì tiền bán vé mỗi năm đến vài tỉ đồng. Chỉ một số nhà cổ có đồng chủ sở hữu, khi cha mẹ chết đi, các con được thừa kế ở nước ngoài, nhà xuống cấp không ai sửa chữa thì nhà nước bỏ tiền tu bổ, sau đó cho thuê. Khi thu hồi đủ tiền tu sửa thì bàn giao lại cho gia chủ" - ông Sơn nêu rõ.
Không cần quốc hữu hóa Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết pháp luật đã quy định rõ di sản là không cần quốc hữu hóa. Thế nhưng, không quốc hữu hóa thì quản lý thế nào, việc tôn tạo, sử dụng ra sao thì giữa tư nhân và nhà nước cần phải có sự phối hợp chặt chẽ. Theo luật sư Thanh, nhà nước sẽ chịu trách nhiệm quản lý, tạo ra hành lang pháp lý, khuôn khổ để tư nhân hoạt động và nhà nước nên để cho chủ sở hữu di tích trực tiếp quản lý. Nếu chủ sở hữu đó đề xuất, yêu cầu gì về góc độ tổ chức khai thác thì nhà nước xem xét hỗ trợ để cùng phát triển. Tư nhân khi khai thác sử dụng phải tôn trọng và thực hiện theo đúng Luật Di sản đã quy định; không được tự mình tôn tạo, sửa chữa hay làm những điều trái với luật. H.Thanh GS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Quá nhiều ràng buộc Có một thực tế là nhiều ngôi nhà, địa điểm thờ tự có tính lịch sử, giá trị rất cao nhưng không được xếp hạng. Câu trả lời đơn giản là người dân không muốn đưa vào xếp hạng di tích, bởi bị ràng buộc quá nhiều bởi Luật Di sản. Có những nhà thờ họ rất có giá trị nhưng khi đưa vào xếp hạng, trở thành di tích lịch sử lại khiến con cháu, người trong họ gặp nhiều khó khăn khi trùng tu, sửa chữa. Nhà thờ họ Nguyễn Khả Trạc là một ví dụ điển hình. Trước khi có quyết định trùng tu vào năm 2016, suốt gần 20 năm, nhà thờ họ này luôn trong tình trạng xuống cấp, ngập lụt. Nhiều năm liền, dòng tộc Nguyễn Khả nhiều lần gặp chính quyền địa phương xin nâng nền nhà di tích lên nhưng đều không được chấp thuận. Rất nhiều công trình có từ thế kỷ XVI-XVII bị phá đi, làm cái mới to hơn để đáp ứng nhu cầu người dân nhưng nhà nước không thể áp đặt là di tích văn hóa. Nguyên do là vì người dân không đăng ký, bởi họ biết đăng ký sẽ bị ràng buộc. Nhà nước chưa có tiền cho việc trùng tu tất cả di tích, vì thế cần phải suy nghĩ giải pháp nào đó cho phù hợp. Cần phải tạo ra sự dân chủ, tạo ra những cuộc đối thoại giữa chủ sở hữu di sản với cơ quan chính quyền. Khi đối thoại phải linh hoạt, nếu không thì cả hai bên sẽ không giải quyết được vấn đề, dẫn đến mâu thuẫn giữa chủ thể văn hóa và bảo tồn di tích bị đẩy lên cao. Từ trường hợp nhà thờ họ Nguyễn Khả Trạc, nếu không làm tốt, các chủ sở hữu di sản sẽ không đăng ký xếp hạng di tích, vì đăng ký hay không là quyền của chủ thể văn hóa. Theo tôi, các cơ quan quản lý cần thay đổi cách tư duy về việc quản lý các di tích thuộc về sở hữu của một cộng đồng như dòng họ. Cần tôn trọng vai trò của người chủ sở hữu là dòng họ. Nhiều quy định hiện nay quá cứng nhắc, không phù hợp với sự thay đổi của xã hội, không khuyến khích được cộng đồng tự nguyện tham gia bảo tồn và phát huy di tích của mình. Nhà nhiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền: Người dân phải hưởng lợi Ở các nước phương Tây, nhà nước thuyết phục chủ sở hữu di sản ký cam kết dựa trên Luật Bảo tồn di sản với nguyên tắc bảo tồn càng nhiều càng tốt. Khi đã ký cam kết thì nhà nước có trách nhiệm đầu tư. Nếu hỏng ở đâu thì nhà nước và tư nhân phải chung tiền tôn tạo. Khi ấy, chủ sở hữu di sản vẫn sở hữu di sản của mình, trong khi lại được hưởng lợi từ khách du lịch, được nhà nước đưa di sản vào danh sách các điểm đến của du khách... Người ta ý thức được bảo vệ di tích không chỉ cho gia đình, dòng họ mà còn cho cả quốc gia. Khi người dân được hưởng lợi từ di tích thì họ sẵn sàng chung tay với nhà nước. Muốn như vậy, phải có chế tài chặt chẽ chứ không thể chỉ nói suông. H.L.Anh ghi |
Quang Nhật - Trần Thường (NLĐ)
Theo cafeland.vn