Đề xuất xây tường rào ở "điểm nóng" đổ phế thải đê Bạch Đằng
Trước phản ánh của báo chí liên quan đến tình trạng đổ đất, phế thải lấn chiếm khu vực bờ vở sông Hồng, UBND phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã phối hợp với cơ quan chức năng liên quan kiểm tra xử phạt nặng hành vi này, đồng thời đề xuất xây dựng tường rào chống đổ trộm phế thải.
Trao đổi với PV, ông Vũ Huy Khiêm, Phó chủ tịch UBND phường Bạch Đằng cho biết, khu vực bờ vở sông Hồng đều có những điểm đổ trộm, lấn chiếm từ nhiều năm trước. Về vấn đề này UBND phường đã có những biện pháp răn đe, xử lý, phối hợp với tổ dân phố dân phòng, công an phường canh gác các điểm nóng và xử lý kịp thời.
Nhằm nâng cao ý thức của người dân, UBND đã tổ chức buổi ký cam kết với 117 hộ dân với nội dung không được lấn chiếm, đổ phế thải, xây dựng trái phép và hộ dân nào phát hiện thì thông báo cho công an phường, UBND phường để kịp xử lý. Với tình trạng như hiện nay, UBND phường mong muốn các cơ quan chức năng có liên quan hỗ trợ, cảnh sát môi trường và công an quận có điều tra và xử lý những đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đơn cử như trường hợp phía sau nhà số 829 Bạch Đằng, phường Bạch Đằng đã đổ phế thải lấn chiếm bờ vở sông Hồng. Ngày 25/5/2018, Hạt quản lý đê số 2 – Chi cục đê điều và PCLB Hà Nội đã lập biên bản số 02/BB-VPĐĐ về việc vi phạm pháp luật về đê điều.
Trong biên bản ghi rõ, tại km 68 + 300 tuyến đê Hữu Hồng cách chân đê phía sông 230 m, tại khu vực bờ vở sông phía sau nhà 829 Bạch Đằng có đổ phế thải kích thước: dài 20m, rộng 2,5m, sâu 7m (350 m3). Hành vi trên đã vi phạm quy định tại Khoản 7, Điều 7 Luật Đê điều.
Một khu vực bị đổ phế thải lấn chiếm lòng sông tại phường Bạch Đằng..
Ngày 13/6/2018, Hạt quản lý đê số 2 – Chi cục đê điều và PCLB Hà Nội tiếp tục lập biên bản làm việc về việc phối hợp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều đối với trường hợp vi phạm phía sau nhà 829 Bạch Đằng.
Trong đó, đã ghi nhận khối lượng và tiến độ mà UBND phường Bạch Đằng đã làm sau khi xử lý sai phạm. Biên bản ghi rõ, kết quả kiểm tra cho thấy UBND phường Bạch Đằng đã tiến hành bốc xúc, thanh thải 300 m3/350 m3 và 650 m3 chất thải tồn tại trước năm 2018.
Xây tường rào tại “điểm nóng” ngăn đổ phế thải
Mới đây, UBND phường Bạch Đằng đã có báo cáo 62 về việc xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ để triển khai việc chống đổ phế thải tại bờ vở sông Hồng, đồng thời công khai số điện thoại của lãnh đạo UBND phường Bạch Đằng như số Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường và Trưởng công an phường tới các cán bộ cơ sở để thông tin tới mọi người dân khi có việc đổ trộm phế thải thì báo cáo để kịp thời xử lý.
UBND phường Bạch Đằng đã tiến hành lập biên bản đối với những trường hợp đổ trộm phế thải, phạt tiền và yêu cầu viết cam kết không tái phạm. Đồng thời, có văn bản yêu cầu Công an phường thường xuyên theo dõi, răn đe và kiên quyết xử lý nếu các hộ dân cố tình vi phạm. Hiện nay, công an phường đã lập hồ sơ đối với các trường hợp vi phạm để quản lý.
Mặt khác, để có biện pháp hữu hiệu hơn trong việc đối phó với nạn đổ trộm phế thải, lấn chiếm khu vực bờ vở sông Hồng, UBND phường đã đề xuất UBND quận Hai Bà Trưng xây dựng các bức tường rào tại các “điểm nóng” đổ trộm đất, phế thải và được chấp thuận.
Song song với việc xây dựng những phương án nhằm ngăn chặn nạn đổ trộm lấn chiếm khu vực bờ vở sông Hồng, ngày 8/6/2018, UBND phường đã tổ chức hội nghị tuyên truyền về chống đổ phế thải và tổ chức ký cam kết đối với 117 hộ dân sinh sống tại khu vực bờ vở sông Hồng với nội dung không đổ phế thải, lấn chiếm, xây dựng trái phép trên khu vực bờ vở sông Hồng; thông báo ngay cho UBND phường, công an phường khi phát hiện đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm.
Trước đó, báo Tiền phong nhận được phản ánh của một số người dân tại đường đê Bạch Đằng (đoạn thuộc Sông Hồng, địa bàn phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), xảy ra hàng loạt các sai phạm như: Đổ đất tràn lan lấn chiếm đê và hành lang thoát lũ trên sông Hồng; xây dựng trái phép nhà cao tầng trên đê; lập bãi giữ xe không phép…vv. Khi mùa mưa bão đang rình rập, việc chiếm đê và lấn sông vô tội vạ khiến lòng sông ngày càng bị thu hẹp, dễ xảy ra sự cố về đê. |
Trần Hoàng (Tiền Phong)
Theo cafeland.vn