Đầu tư tiền tỷ xây công trình nước sạch để… bỏ hoang!
Hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tỉnh Đắk Nông đã ngưng hoạt động ngay sau khi được đầu tư xây dựng tiền tỷ, còn người dân sống cạnh đó đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Công trình cấp nước sạch ở xã Nâm N’Đir (huyện Krông Nô) không sử dụng được vì nước nhiễm asen
77% đã ngừng hoạt động
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Đắk Nông, toàn tỉnh có 242 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng hàng trăm tỷ đồng để cung cấp nước sạch cho trên 25.350 hộ dân. Nhưng hiện chỉ còn 56 công trình đang hoạt động hiệu quả (chiếm 23%), còn 186 công trình đã ngừng hoạt động (chiếm 77%)
Năm 2005, bon N’Jiêng, xã Đắk Nia (thị xã Gia Nghĩa) được Nhà nước đầu tư 700 triệu đồng để xây dựng một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung phục vụ nước sạch cho 98 gia đình. Tuy nhiên, niềm vui của người dân chẳng kéo dài bao lâu vì từ năm 2007 đến nay các công trình liên tiếp bị hư hỏng, không thể sử dụng. Năm 2006, bon Bu Prâng, xã Đắk N’Đrung (huyện Đắk Song) cũng được Nhà nước đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nhằm giúp cho 50 hộ dân trong bon. Nhưng công trình này cũng chỉ hoạt động được khoảng một năm đầu, sau đó bị hư hỏng thường xuyên, người dân phải tự góp tiền để sửa chữa. Hiện công trình cũng đang bị bỏ hoang, các thiết bị đã hoen gỉ, mục nát gần hết.
Ông Y G’rưng (ở bon Bu Prâng) bức xúc nói: “Công trình nước hư hỏng nhiều năm nay không được sửa chữa, người dân phải quay lại sử dụng nước suối như trước đây. Chúng tôi biết nước suối không hợp vệ sinh, nhiễm phèn, có thể bị ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn phải dùng, vì không còn nguồn nước nào khác”.
Ông Lê Viết Thuận - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Các công trình cấp nước của tỉnh được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau và do nhiều đơn vị làm chủ đầu tư, trong đó có nhiều đơn vị không hề có chuyên môn nên việc xây dựng không bảo đảm chất lượng. Đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến nhiều công trình nhanh chóng bỏ hoang sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Tỉnh đã nhiều lần họp đánh giá tổng thể, bàn giải pháp khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm thực trạng này”.
Đầu tư xây dựng tiền tỷ để… bỏ hoang!
Theo kết luận số 29 ngày 5/1/2019 của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt của tỉnh đầu tư xây dựng lãng phí tiền tỷ khi xây dựng sai thiết kế và không đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Các công trình cấp nước ở các thôn Thuận Hòa, Thuận Tân, Thuận Thành (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) được xây dựng từ năm 2011 - 2014 với tổng kinh phí hơn 9,9 tỷ đồng đã ngừng hoạt động sau một thời gian ngắn sử dụng. Còn trạm cấp nước sinh hoạt bon Bu N đơr A và B (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức) được đầu tư xây dựng năm 2009 với kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng đã không hoạt động khi bàn giao về cho xã quản lý. Công trình cấp nước bon M’pol (xã Đắk Mol, huyện Đắk Song) xây dựng năm 2012, có tổng mức đầu tư 1 tỷ đồng và công suất thiết kế phục vụ cho 24 hộ dân. Ngay sau khi hoàn thành, các công trình này bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Thanh tra tỉnh Đắk Nông còn phát hiện nhiều sai phạm trong việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tại các huyện Đắk Mil, Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa. Nhiều công trình cấp nước ở xã Đức Xuyên, xã Nâm N’Đir (huyện Krông Nô) xây dựng sai thiết kế, sử dụng không hiệu quả đã gây lãng phí ngân sách Nhà nước hơn 17 tỷ đồng. Còn công trình cấp nước khu tái định cư B, phường Nghĩa Đức (thị xã Gia Nghĩa) được xây dựng năm 2011 với kinh phí hơn 16,3 tỷ đồng, khi bàn giao vào tháng 12/2015 thì Cty CP cấp nước và đô thị tỉnh Đắk Nông đã không tiếp nhận. Theo một lãnh đạo Cty CP cấp nước và đô thị tỉnh Đắk Nông, công trình này xây dựng sai quy cách, không thể sử dụng được nên Cty không thể tiếp nhận .
Trước những sai phạm nói trên, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã đề nghị tỉnh xử lý kỷ luật các chủ đầu tư như: Chủ tịch UBND huyện Đắk Song (giai đoạn 2012 - 2018), Chủ tịch UBND huyện Krông Nô (2010 - 2015), Giám đốc và phó giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông tỉnh (2010 - 2012), Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh (2010-2012), Giám đốc và phó giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng NN&PTNT (2016 - 2018), Giám đốc Sở TM&MT tỉnh (2012 - 2015), Giám đốc và phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh (2012-2015)…
Công Hoan (Tiền Phong)
Theo cafeland.vn