Hàng loạt quy định còn bất cập trong Luật Đầu tư công đang được đề xuất sửa đổi, mà một trong số đó là bãi bỏ quy định về việc kéo dài thời gian giải ngân vốn kế hoạch sang năm sau.
Chấm dứt “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra lấy ý kiến công luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Những vướng mắc, khó khăn trong thực thi Luật sẽ được đề xuất sửa đổi, bổ sung, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đầu tư công...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bãi bỏ quy định về kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư sang năm sau
Một trong những nội dung quan trọng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi là bãi bỏ điểm b, khoản 1, Điều 76. Hiện tại, theo quy định của Luật Đầu tư công, “thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài sang năm sau”. Quy định này được xây dựng trên cơ sở tính chất đặc thù của các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong một số trường hợp - do nguyên nhân khách quan như vướng mắc trong giải phóng mặt bằng - không thể giải ngân được, vẫn có thể kéo dài sang năm sau để tiếp tục giải ngân.
“Tuy nhiên, quy định này cũng tạo ra tâm lý các chủ đầu tư không tập trung thực hiện kế hoạch ngay trong năm, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư. Vì vậy, Luật Đầu tư công bắt đầu triển khai từ năm 2015, nhưng năm 2016 và năm 2017, tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công chậm, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Đây là thực tế đã diễn ra từ lâu, nhưng chỉ thực sự nổi lên như một “điểm nghẽn” của nền kinh tế, khi năm 2017, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng giải ngân vốn đầu tư công quá chậm trễ. Đến nỗi, Thủ tướng Chính phủ rất sốt ruột trước tình trạng “có tiền mà không giải ngân được”. Chính Thủ tướng đã nhiều lần lên tiếng về thực trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” - tất nhiên, không phải chỉ trong lĩnh vực đầu tư.
Đầu năm, còn nhẩn nha, giải ngân vốn đầu tư công bao giờ cũng chậm. Cuối năm, tiền đầu tư được dồn ra, vừa vất vả, vừa gây áp lực lên lạm phát. Chưa kể, báo cáo rà soát 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công cho biết, theo quy định của Luật cũng như Nghị định số 77/2015/NĐ-CP (Điều 46), quy trình cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân gặp nhiều vướng mắc ở khâu đối chiếu, thống nhất số liệu giải ngân thực tế giữa bộ, ngành, địa phương với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, gây chậm trễ cho việc thông báo danh mục và số vốn kéo dài cho các bộ, ngành và địa phương.
Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất việc bãi bỏ quy định về kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư sang năm sau.
Chính phủ sẽ quyết định và có những điều kiện cụ thể đối với các dự án được gia hạn thực hiện và giải ngân. Đồng thời, đề xuất sửa đổi Điều 46 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP theo hướng tăng sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, giảm các thủ tục báo cáo, rà soát... Mục đích chính của việc sửa đổi này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là “đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Gỡ rối thủ tục để đẩy nhanh giải ngân
Hàng loạt vướng mắc khác trong triển khai các dự án đầu tư công cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát và đề xuất sửa đổi chính sách pháp luật cho phù hợp. Chẳng hạn như chuyện phân loại dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, hay chuyện phân loại dự án nhóm A. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là một trong những vấn đề mà khá nhiều địa phương gặp phải, gây khó khăn trong triển khai dự án.
Theo quy định của Luật Đầu tư công, dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt, dự án tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh và dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ quốc phòng, an ninh có tính chất bảo mật quốc gia là dự án nhóm A không phân biệt tổng mức đầu tư. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, nhưng chỉ vì ở các địa phương có nhiều di sản thế giới, cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Chưa kể, còn phải tuân thủ một loạt quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, vì là dự án nhóm A nên phải trình các cơ quan chuyên môn thuộc các bộ, ngành để thẩm định. Thủ tục vì thế thêm rườm rà, qua quá nhiều cấp ngành, mất nhiều thời gian để chuẩn bị và thực hiện. “Sửa đổi quy định này là hợp lý và cần thiết. Mục tiêu là làm sao cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải.
Tương tự, các quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương cũng dự kiến được sửa đổi theo hướng “đẩy mạnh phân cấp”. Hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương của các cấp khác nhau có trình tự lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư khác nhau, qua nhiều bước và nhiều cấp. Nhưng nay, khi sửa đổi Luật Đầu tư công, quan điểm thống nhất là “cấp nào quản lý dự án, cấp đó quyết định chủ trương đầu tư”...
Còn rất nhiều nội dung khác, như liên quan đến điều chỉnh dự án, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân các cấp, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công..., hay các nội dung còn chưa thống nhất với các luật chuyên ngành khác cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi. Tất cả nhằm tạo thuận lợi nhất và hiệu quả nhất trong triển khai và quản lý các dự án đầu tư công, đảm bảo công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí, dàn trải...
Báo đầu tư
Theo cafeland.vn