Đất Quốc Cường Gia Lai mua giá rẻ bèo có phải là đất công?
- Trả lời báo chí mới đây, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết muốn ra tòa giải quyết khi bị yêu cầu hủy hợp đồng mua 32,4ha đất tại xã Phước Kiển.
Không chỉ vậy, mới đây Công ty này còn có văn bản phản hồi các thông tin báo chí gửi đến các cơ quan ban ngành, cổ đông công ty xung quanh việc khu đất Phước Kiển nói trên. Theo đó, Quốc Cường Gia Lai khẳng định việc mua bán đất là khách quan, hợp lý và đất này không phải là đất công.
Có phải là đất công hay không?
Theo văn bản của Quốc Cường Gia Lai (QCG) khẳng định quyền sử dụng đất nông nghiệp với diện tích 32,4 ha mà Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho công ty không phải là đất công và việc chuyển nhượng này cũng không phải thông qua đấu giá theo quy định.
QCGL giải thích các thửa đất này không phải do Nhà nước giao đất cho Công ty Tân Thuận quản lý, không phải đất trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, không phải là đối tượng đất thuộc sở hữu Nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý sử dụng. Các thửa đất mà Tân Thuận chuyển nhượng cho QCG là đất nông nghiệp hình thành từ nguồn tiền hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Các thửa đất là hàng hóa của doanh nghiệp bất động sản.
Giải thích của QCG trên không phải là không có lý. Theo Luật quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội ban hành ngày 21/6/2017 và có hiệu lực ngày 1/1/2018 thì tài sản công tại doanh nghiệp được xác định gồm 2 nhóm. Thứ nhất, là tài sản công được hình thành vốn nhà nước trực tiếp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Thứ hai, tài sản công Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý nhưng không tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp (như các vùng thông báo bay giao Tổng công ty quản lý bay,…) được điều chỉnh bởi Luật này và pháp luật có liên quan.
Như vậy, mặc dù Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận là công ty 100% vốn của chủ sở hữu là Văn phòng Thành Ủy Tp. HCM thì không phải mọi đất đai doanh nghiệp này sở hữu gọi là đất công. Tân Thuận là một trong các đối tượng bị chi phối bởi Luật quản lý, sử dụng tài sản công tuy nhiên chỉ có những đất đai được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất hoặc những tài sản hình thành từ vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp mới được xem là đất công, tài sản công.
Những uẩn khúc khó hiểu
Mặc dù không được xem là đất công nhưng việc mua bán này vẫn có quá nhiều điều “uẩn khúc”. Cụ thể, Văn phòng Thành ủy Tp.HCM cho biết việc ký kết này không báo cáo cho tập thể Thường trực và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy theo Quy chế quản lý tài sản của Thành ủy. Việc ký kết hợp đồng này không đúng theo Quyết định số 1087-QĐ/TU, ngày 31/3/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH một thành viên thuộc Đảng bộ Thành phố. Những uất khúc trên cho thấy “con voi” đất đai có giá trị hàng nghìn tỷ đồng đã chui lọt lỗ kim.
Trả lời báo chí bà Loan cho rằng bà không quan tâm việc trình Thành ủy như thế nào. Bà Loan cũng khẳng định ai cũng biết luật và “không có ai nhắm mắt để làm bậy”. Ngoài ra, tại Văn bản số 204/CBTT của Quốc Cương Gia Lai tiếp tục khẳng việc mua bán này là hợp pháp vì đã có công văn số 512-TB/VPTU ngày 02/06/2017 chấp thuận chủ trương của Văn phòng Thành Ủy cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho QCG.
Không chỉ có vậy cũng theo QCG, ngày 11/12/2017 Công ty đã nhận được công văn số 738/CV-TT từ công ty Tân Thuận về việc tạm dừng thực hiện Hợp đồng cho đến khi có chỉ đạo của Thường trực Thành ủy. Tiếp theo đó, ngày 23/12/2017, có buổi làm việc giữa Văn phòng Thành ủy, công ty Tân Thuận, công ty QCGL liên quan đến Hợp đồng chuyển nhượng. Sau buổi làm việc này ngày 09/02/2018 hai bên ký Phụ lục hợp đồng số 03 điều chỉnh giá trị hợp đồng từ 419 tỷ đồng lên 574,4 tỷ (chưa VAT).
Như vậy, việc mua bán quyền sử dụng đất giữa QCGL và Tân Thuận là một quá trình kéo dài thông qua nhiều cấp bàn bạc, phê duyệt chứ không phải là một quyết định “bồng bột”, “ngẫu hứng” tại một thời điểm hay bởi một ai đó. Tuy nhiên, dù mãnh đất này là đất nông nghiệp mới chỉ đền bù giải tỏa được 32,5ha trong số 50ha đất dự án đã được phê duyệt thì mức giá chuyển nhượng cuối cùng chỉ có 1,77 triệu đồng/m2 cũng là một mức giá vô cùng khó hiểu. Được biết, mức giá trung bình đền bù giải phóng mặt bằng hiện thời đất xung quanh khu vực này cũng đã lên tới hàng chục triệu đồng/m2. Đất “thành phẩm” ở đây cũng có giá từ 20-40 triệu/m2.
Một điều khó hiểu nữa là mặc dù Công ty Tân Thuận dù chỉ có vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng nhưng vẫn được giao nhiều dự án có tổng đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tức là khi được giao dự án để đầu tư Công ty này không đủ điều kiện là có 20% vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án. Tân Thuận đã bán nhiều dự án sau khi được giao để giải phóng mặt bằng.
Sau khi những thông tin về việc mua bán đất đai với Tân Thuận tại Phước Kiển được công bố nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu QCG cổ phiếu này đã có 4 phiên giảm sàn liên tiếp và hiện đang được giao dịch với giá 10.100 đồng/cổ phiếu. So với mức đỉnh đạt được trong năm 2017, giá cổ phiếu QCG đã giảm gần 70%. Năm 2017, là một năm QCG hoạt động khá hiệu quả với mức lợi nhuận sau thuế lên đến 405 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận khả quan của QCG có được chủ yếu do thanh lý toàn bộ khoản đầu tư vào Công ty TNHH Sparkel Values và khoản đầu tư vào Công ty CP Bất động sản Hiệp Phú. Điều đáng chú ý là mặc dù Sparkel Values là công ty mà QCG mới mua trong năm 2017 nhưng bán lại thu được lợi nhuận rất lớn. Dự án Phước Kiển của QCG được xem là đã bán cho Sunny Island nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục chuyển nhượng và thông tin giá trị việc chuyển nhượng dự án chiếm phần lớn giá trị của QCG vẫn chưa được công bố. |
Hoàng Nam
Theo cafeland.vn