Đất công “giá bèo” hâm nóng nghị trường Quốc hội
– Nhiều khu đất của doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa đã không được định giá đúng giá trị thực tế. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thất thu ngân sách và trục lợi cho các nhóm lợi ích.
Khu đất vàng số 8 - 12 Lê Duẫn (quận 1, TP.HCM) có giá thị trường khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng được giao cho doanh nghiệp chỉ hơn 700 tỷ đồng.
Sáng 28/5, Quốc hội làm việc với nội dung liên quan đến việc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận là việc định giá các khu đất thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa.
Ông Trần Văn Minh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh
Đại biểu Trần Văn Minh – đoàn Quảng Ninh cho biết, việc quản lý đất đai trước và sau khi cổ phần hóa hiện nay còn nhiều thiếu sót, không tính hoặc tính thiếu giá trị tiền sử dụng đất khi tính giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
“Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa ở những vị trí đất đắc địa có giá thị trường cao còn bất cập, thiếu minh bạch. Tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân liên quan trục lợi, tham nhũng gây thất thoát vốn tài sản của nhà nước”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, có hiện tượng nhiều cổ đông tham gia mua cổ phiếu, doanh nghiệp trái ngành nhưng vẫn cố thâu tóm các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa. Không loại trừ động cơ họ chờ để được hưởng lợi từ những mảnh đất vàng của doanh nghiệp đó.
Ông Minh đề nghị, nghiên cứu áp dụng các biện pháp định giá tài sản tiên tiến theo cơ chế thị trường bảo đảm tài sản vốn của nhà nước và giá trị của doanh nghiệp được định giá hợp lý công khai minh bạch. Giá cổ phần theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá. Việc định giá doanh nghiệp, định giá tài sản cần được giám sát chéo giữa các cơ quan đảm bảo tính độc lập và minh bạch.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Hà Nội, nhiều trường hợp đất công chuyển thành đất tư không thông qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp hoặc xác định giá đất khi cổ phần hóa không theo quy định của pháp luật đất đai mà theo bảng giá do ủy ban nhân dân các tỉnh quy định và điều này làm cho giá thấp hơn.
Ông Cường cho biết, mặc dù đấu giá là cách khả dĩ để đảm bảo các khu đất được định giá đúng tuy nhiên hiện nay công tác đấu giá, thẩm định giá còn nhiều vấn đề.
“Việc lựa chọn cơ quan đấu giá, cơ quan định giá thì đều có quy trình là phải lựa chọn một cách khách quan nhưng mà thường những cơ quan này được lựa chọn cũng tương đối trùng lặp. Những người tham gia đấu giá vào những vụ đấu giá tài sản nhà nước cũng lặp đi lặp lại. Có một nhóm người chuyên tham gia vào lĩnh vực này. Những cơ quan làm chức năng tư vấn, thẩm định giá, đấu thầu giá nhưng để ra sai sót chưa có một tổ chức nào bị xử lý”, ông Cường nêu quan điểm.
Theo Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn Lạng Sơn, hiện nay có một thực trạng tài sản nhà nước mua vào thì luôn bị đánh giá cao lên còn tài sản nhà nước bán ra luôn có định hướng bị đánh giá thấp đi.
Nữ đại biểu này đặt câu hỏi, "Nhiều Bộ ngành không muốn rời xa các doanh nghiệp vốn được coi là sân sau. Đây là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích khi một số cơ quan quản lý Nhà nước vừa “đá bóng, vừa thổi còi”.
Theo bà Leo, phải công khai minh bạch mọi việc mua bán tài sản nhà nước. Nếu được công khai trên thị trường, loại bỏ được các yếu tố lũng đoạn chi phối thì sẽ thể hiện được giá trị thực của tài sản nhà nước, tránh lãng phí, phát sinh tiêu cực.
Trần Phong
Theo cafeland.vn