“Đánh thức” những dự án “ngủ quên”
Công tác quản lý đất đai; trong đó có việc xử lý các dự án đầu tư chậm triển khai là nội dung quan trọng không chỉ của Thủ đô Hà Nội mà còn được nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện nghiêm việc thanh tra, kiểm tra, qua đó xử lý và thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai. Tuy nhiên, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, kết quả xử lý còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
*Dự án “ngủ quên” hàng chục năm
Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.
Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.
Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.
Quy định là vậy, nhưng trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn hàng trăm dự án “đắp chiếu” nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực và khó khăn cho công tác quản lý, quy hoạch. Về vấn đề này, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã có 2 đợt giám sát vào năm 2012 và năm 2015. Tuy nhiên, kết quả vẫn không có chuyển biến nào rõ rệt.
Trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn hàng trăm dự án “đắp chiếu” nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực và khó khăn cho công tác quản lý, quy hoạch. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tính từ thời điểm năm 2012 trở về trước, Hà Nội có khoảng 300 dự án “rùa bò” đã được rà soát. Từ năm 2012 đến hết năm 2017, thành phố điểm tên thêm 198 dự án vào danh mục chậm triển khai. Đáng chú ý, trong danh sách này, có những dự án đã “ngủ quên” hàng chục năm, không xác định được chủ đầu tư.
Hà Đông là một trong những quận có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Thủ đô nhờ vị trí thuận lợi. Sau hai lần mở rộng địa giới hành chính, quận hiện có 17 phường với tổng diện tích gần 5.000ha. Trên địa bàn quận đang có 7 dự án chậm tiến độ; trong đó, dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở Văn Quán được ký quyết định giao, cho thuê đất từ tháng 7/1997 nhưng đến nay dự án vẫn chưa có dấu hiệu chuyển động.
Tại quận Thanh Xuân, dự án tổ hợp văn phòng dịch vụ nhà ở thuộc phường Phương Liệt có quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 12/2008, dự án đã được bàn giao đất nhưng chủ đầu tư không triển khai thực hiện.
Hay như dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower thuộc phường Nhân Chính cũng được giao quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2011, đến nay vẫn bị liệt kê vào danh sách dự án “rùa bò”. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang tiến hành thanh tra hai dự án này.
Tình trạng chủ đầu tư nhiều năm “án binh bất động”, không triển khai dự án không chỉ xảy ra tại các quận nội thành, nơi có vị trí thuận lợi mà còn xảy ra ở các huyện ngoại thành.
Huyện Hoài Đức có 65 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhưng chỉ có 1 dự án triển khai đúng tiến độ, 31 dự án đã có quyết định thu hồi đất, giao đất cho chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng đến nay đều chậm triển khai, 33 đồ án quy hoạch chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất.
Bên cạnh đó, huyện Mê Linh có tới 50 dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm quy định của Luật Đất đai; trong đó có 47 dự án đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất 2.445ha…
*Quyết sách cho đối tượng cố tình “ôm” đất
UBND các quận, huyện cho rằng, phần lớn các dự án chậm tiến độ đều xuất phát từ nguyên nhân vướng giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện giải phóng mặt bằng hoặc tự ý chuyển nhượng dự án, thay đổi người đại diện, nợ nghĩa vụ tài chính…
Trong quá trình kiểm tra, giám sát, chủ đầu tư (nhất là chủ đầu tư các dự án có vi phạm) không phối hợp với chính quyền quận, huyện. Trong khi đó, việc xử lý thu hồi đất đối với các đơn vị sử dụng đất sai mục đích hoặc chậm triển khai còn chưa quyết liệt, thiếu tính răn đe nên hiệu quả kiểm tra, giám sát không cao.
Chẳng hạn như dự án mở rộng Vườn ươm Cổ Nhuế tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm trên diện tích 30 ha. Dự án có quyết định giao đất từ đầu năm 2005, HĐND thành phố đã tiến hành kiểm tra, sám sát từ năm 2012 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không liên hệ với UBND quận để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn xuất phát từ lí do khách quan. Theo ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, sau khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, nhiều dự án trên địa bàn huyện phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Từ đó, chính sách, đơn giá đất thay đổi khiến một số hộ dân chây ì không đồng ý nhận tiền và bàn giao đất để đòi hỏi chế độ cao hơn. Đây cũng là vấn đề xảy ra tại một số địa phương mới được sáp nhập về Hà Nội từ năm 2008 như Hà Đông, Hoài Đức...
Bà Cấn Thị Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, khi chính sách bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng thay đổi, một số nhóm đối tượng trên địa bàn quận chây ì, có đơn thư đòi hỏi quyền lợi không đúng quy định, không chấp hành quyết định thu hồi đất hoặc thỏa thuận nhiều lần không thành, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Chia sẻ khó khăn khi kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về đất với các tổ chức theo chức năng, thẩm quyền của UBND quận chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra, kiến nghị xử lý, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn nhận định, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về đất còn chưa đồng bộ từ thành phố tới các quận, huyện, phường, xã nên việc theo dõi, nắm bắt thông tin chưa kịp thời.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chênh lệch, không thống nhất về số liệu và danh mục dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai giữa các quận, huyện với các sở, ngành.
Công tác quản lý đất đai luôn là vấn đề khó. Thời gian qua, việc lãng phí đất đai ngày càng có diễn diễn biến phức tạp. Giải quyết tình trạng trên không phải là chuyện dễ dàng, cần có cơ sở chính sách và biện pháp đồng bộ, quyết liệt.
Tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Sở kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý cũng như những kiến nghị của địa phương.
Đồng thời, xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là hậu kiểm để kịp thời phát hiện sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả xử lý cán bộ.
HĐND thành phố cũng đề nghị các sở, ngành đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật đất đai và tập huấn, đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ cán bộ ngành quản lý đất đai trước yêu cầu trong tình hình mới; thường xuyên kiểm tra, tái kiểm tra các dự án, tránh trường hợp sau các kết luận thanh tra, quyết định xử phạt, doanh nghiệp vẫn không thực hiện.
HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành kiên quyết tham mưu cho thành phố thu hồi những dự án chậm triển khai, đặc biệt không giao dự án mới cho những chủ đầu tư đang tồn đọng dự án vi phạm Luật Đất đai.
Đồng thời, yêu cầu đơn vị chức năng hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, số hóa bản đồ toàn thành phố và cập nhật biến động hồ sơ địa chính. Đây được xem là quyết sách đối với những đối tượng cố tình “ôm” đất, nhằm hạn chế tình trạng dự án “ngủ quên”, tránh lãng phí nguồn lực đất đai và đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân./.
Mai Linh (TTXVN)
Theo cafeland.vn