Dân lo sập nhà vì chung cư cao tầng
Những sự cố này nếu không được xử lý khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của ngôi nhà dẫn đến những hậu quả đáng tiếc
Thời gian gần đây, tại TP Hà Nội, hàng loạt nhà dân bị lún nứt từ việc thi công xây dựng các khu chung cư cao 25-30 tầng sát cạnh các khu dân cư cũ, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của người dân.
Khu chung cư cao tầng số 349 Vũ Tông Phan
Những sự cố này nếu không được sớm xử lý khắc phục sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của ngôi nhà dẫn đến những hậu quả đáng tiếc đối với người và tài sản trong các hộ gia đình đang sinh sống. Thế nhưng việc thỏa thuận đền bù thiệt hại từ phía người dân, chủ đầu tư thiếu thống nhất dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Cụ thể, tại công trình xây dựng khu chung cư cao tầng số 349 Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội (dự án Riverside Garden) do Công ty Cổ phần đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam – VIDEC là chủ đầu tư. Mặc dù chủ đầu tư trước khi thi công đã có báo cáo khảo sát, kiểm định và đánh giá hiện trạng công trình xây dựng.
Tuy nhiên, trong qúa trình thi công, các hoạt động này gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn cho khu dân cư tiếp giáp, đặc biệt 18 nhà dân tại ngách 29/16 Khương Hạ có hiện tượng lún nứt và các công trình ngầm như bể phốt, đường ống dẫn nước và bể chứa nước… Có hộ gia đình lo sợ sự mất an toàn đã phải đóng cửa nhà đi lánh nạn nơi khác.
Sau nhiều cuộc họp diễn ra giữa đại diện chủ đầu tư và các hộ dân với sự chủ trì của lãnh đạo phường Khương Đình yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm sửa chữa tất cả các hư hỏng của các hộ gia đình và phải có kiểm định đánh giá ảnh hưởng lâu dài tới các hộ dân.
Tuy nhiên, theo người dân, chủ đầu tư không thực hiện đúng yêu cầu kết luận cuộc họp mà chỉ tiến hành khảo sát ghi nhận một vài hiện trạng và chỉ chít chát một số vết nứt tường và trần nhà mà không đo đạc cụ thể, xác định mức độ sụt lún, nghiêng và hư hỏng nhà của các hộ gia đình để có giải pháp khắc phục.
Những vết tường nứt nhà dân tại ngõ 29/16 Khương Hạ.
Các hộ dân bị ảnh hưởng cho rằng, giải pháp chủ đầu tư đưa ra là không đảm bảo an toàn về lâu dài. Cùng với đó, việc hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện dự án cũng không được đồng thuận.
Theo ông Nguyễn Văn Hạnh chủ nhà số 43, ngách 29/16 Khương Hạ, chủ đầu tư cố tình trì hoãn kéo dài việc thoả thuận bồi thường với các hộ thiệt hại. Cụ thể, theo ông Hạnh, trên cơ sở phân tích những hư hại từ địa chất, nền móng nhà dẫn tới ngôi nhà bị lún lệch, nghiêng theo 2 phương rất mất an toàn, buộc phải tháo dỡ xây dựng lại nên chi phí ít nhất là khoảng 720 triệu đồng.
Ông Hạnh cũng cho rằng, kết quả đo đạc của Incosaf - đơn vị kiểm định về độ lún, nghiêng của các căn hộ liền kề là thiếu minh bạch và không đáng tin cậy. “Chúng tôi yêu cầu công ty phải bàn giao cho chúng tôi các điểm mốc dẫn để chúng tôi thuê đơn vị khác đo đạc kiểm định lại. Tuy nhiên, chủ đầu tư trì hoãn không bàn giao theo yêu cầu của người dân bị thiệt hại”, ông Hạnh nói.
Trong khi đó, về phía chủ đầu tư VIDEC lại cho rằng, trong tổng số 18 hộ dân bị ảnh hưởng thì cơ bản các hộ đã đồng ý thoả thuận đền bù. Tuy nhiên, còn một số hộ lại đòi mức bồi thường quá cao so với sự cố thiệt hại của căn nhà, thậm chí thiếu tin tưởng vào kết quả đánh giá giám sát của đơn vị giám sát do chủ đầu tư thuê nhưng lại không muốn bỏ kinh phí để thuê đơn vị kiểm định khác dẫn đến việc thoả thoả thuận kéo dài, gây ra sự căng thẳng không đáng.
Đại diện chủ đầu tư Videc cho biết, đối với các công trình xây dựng đều được mua gói bảo hiểm nên việc chi trả do bảo hiểm làm theo quy định pháp luật, còn phía chủ đầu tư có chăng phải chi trả hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, về phía người dân nhiều khi không hiểu thiện chí của nhà đầu tư.
Trần nhà một hộ dân ở ngách 29/16 Khương Hạ đang được chủ đầu tư khắc phục xử lý.
Tương tự, hơn 40 nhà các hộ dân tại ngõ 2 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai trong tình trạng bị nứt nẻ, có dấu hiệu lún nghiêng, đồng thời gây ồn ào ảnh hưởng đến sức khỏe và giấc ngủ của người dân do tác động từ công trình xây dựng dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại Eco Lake View, ở số 32 phố Đại Từ.
Dự án có quy mô diện tích 38.609 m2; trong đó, gồm 2 tòa 32 tầng, 1 tòa thương mại dịch vụ và để xe cao 9 tầng và 3 tầng hầm dự án dự kiến bàn giao cho khách vào quý IV/2018. Người dân cho biết nhà càng lên cao thì những vết nứt càng trở nên nghiêm trọng. Thế nhưng 2 năm qua, qua cả chục lần thương thảo thiệt hại nhà dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Liên quan đến việc giải quyết thoả thuận đền bù giữa chủ đầu tư và các nhà dân bị thiệt hại, bà Bùi Thị Kim Khuê - Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim cho biết, có 43 hộ dân bị ảnh hưởng từ công trình này. Chủ đầu tư tiến hành xây dựng cũng đã mua bảo hiểm và khảo sát đánh giá đối với các hộ liền kề.
Quá trình xây dựng, các hộ dân thống nhất với chủ đầu tư dự án hết chịu tải lúc đó mới đánh giá tác động và thiệt hại bồi thường đến nay 2 toà 32 tầng cơ bản đã đi vào hoàn thiện nhưng vẫn có sự lún sụt. Đến thời điểm này, 26/43 trường hợp đã được bảo hiểm tính toán đền bù hỗ trợ (1 trường hợp không cần đền bù). Theo quan điểm của Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục tìm kiếm thoả thuận với các hộ dân còn lại.
“Trường hợp các bên không thống nhất được UBND phường sẽ thực hiện theo điều 12 Quyết định số 29 của UBND TP ngày 9/10/2013. Theo đó, khi các bên không đạt được thoả thuận sẽ chuyển sang toà án giải quyết. Tuy nhiên, về phía người dân không muốn thuê một đơn vị kiểm định khác, không muốn kiện ra toà mà muốn tiếp tục thương lượng”, bà Khuê nói.
Về phía chủ đầu tư ngoài việc chi trả của cơ quan bảo hiểm theo quy định của pháp luật cũng có thiện chí hỗ trợ, cụ thể với 26 hộ dân sau đánh giá của kiểm định chi trả hơn 400 triệu đồng nhưng chủ đầu tư đã trả cho các hộ dân này gần 700 triệu đồng.
Nứt nền ở một nhà dân ngõ 2 Đại Từ.
Việc các hộ dân đòi hỏi mức đền bù không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân giải quyết kéo dài, trong khi mức thiệt hại đánh giá của đơn vị kiểm định vẫn trong mức độ an toàn không phải di chuyển.
Cụ thể, có những hộ đã xây dựng hết đất mốc giới dự án đánh phải đánh trên tường. Về nguyên tắc dự án phải có tường bao, sau này có khoảng 1000 hộ dân về ở. Theo quy định pháp luật, phần tường bao và sân vườn sẽ là tài sản chung của các hộ dân chung cư.
Thế nhưng nhân dân ở đây muốn kiến nghị chủ đầu tư không xây dựng tường bao mà chỉ trồng cây xanh để tận dụng đường cứu hoả của khu chung cư khi không may có hoả hoạn. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư khó có thể đáp ứng bởi chính dân cư của chung cư sẽ kiện chủ đầu tư nếu vi phạm./.
Đ. Hưng (VOV)
Theo cafeland.vn