Dân dùng nước nhiễm độc 5 năm liền: Doanh nghiệp coi nhờn “tối hậu thư”, huyện bó tay chờ thành phố giải quyết
Ngày 21-8 huyện Đan Phượng cùng Sở Xây dựng tuyên bố cho các chủ đầu tư 15 ngày để giải quyết cấp nước sạch cho dân, nhưng đến hôm nay là ngày cuối cùng của thời hạn đặt ra, các doanh nghiệp vẫn "án binh bất động".
Ròng rã 5 năm liền người dân Tân Tây Đô khiếu nại khắp nơi nhưng không có đơn vị nào đứng ra giải quyết được triệt để.
Dân khổ sở "yêu cầu giải quyết" rồi lại tiếp tục... yêu cầu giải quyết
Liên quan đến lùm xùm quanh việc hàng nghìn người dân ở Khu đô thị Tân Tây Đô - Đan Phượng - Hà Nội phải dùng nguồn nước sinh hoạt nhiễm nhiều tạp chất độc hại trong 5 năm liền; sau nhiều lần văn bản đi lại không có hiệu quả, ngày 21-8, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cuộc họp mời các bên: Lãnh đạo Huyện Đan Phượng, các chủ đầu tư (CĐT) của khu đô thị Tân Tây Đô, đơn vị đang cấp nước cho khu đô thị là Công ty Cổ phần Đầu tư và công nghệ môi trường Việt Nam và Công ty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội để giải quyết dứt điểm.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế: “Asen là một chất độc, độc gấp 4 lần thủy ngân. Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và liên minh châu Âu (EU) công nhận là các chất gây ung thư nhóm 1”.
Xét nghiệm của cư dân Tân Tây Đô cho thấy nước sinh hoạt ở khu vực này bị nhiễm Asen gấp 3 lần tiêu chuẩn. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế: “Asen là một chất độc, độc gấp 4 lần thủy ngân. Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và liên minh châu Âu (EU) công nhận là các chất gây ung thư nhóm 1”.
Asen là một á kim có màu xám bạc, rất độc khi ở dạng hợp chất. Trong tự nhiên, Asen nằm ở lớp trầm tích của vỏ trái đất do vậy nó thường có mặt trong các tầng nước ngầm và nước bề mặt.
Ông Hoàng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã ra "tối hậu thư", yêu cầu các chủ đầu tư là CTCP Xây dựng và Thương mại Tuấn Quỳnh, Công ty TNHH Xuân Phương và CTCP Hải Phát phải liên hệ với công ty nước sạch Tây Hà Nội, tìm giải pháp để người dân có nước sạch trong vòng 15 ngày.
Tuy nhiên, theo ghi nhận đến thời điểm hiện tại tình hình nước sạch tại khu đô thị Tân Tây Đô vẫn chưa hề có gì thay đổi, không có bất cứ dấu hiệu nào thấy các doanh nghiệp kể trên đã thực hiện chỉ đạo của Sở xây dựng Hà Nội và UBND huyện Đan Phượng.
Bà Lê Thị Thu, đại diện Ban quản trị tòa nhà CT2A-B cho biết: "Hiện tại dân cư đang rất bức xúc. Theo như thời gian công bố trong cuộc họp ngày 21/8 là 15 ngày sẽ là hạn giải quyết. Tuy nhiên, đến giờ thời hạn lùi lại là chậm nhất ngày 10-9. Sau ngày 10-9 nếu chưa giải quyết cho người dân thì chúng tôi sẽ tiếp tục... yêu cầu giải quyết".
Quá bức xúc, tối 5-9, người dân sinh sống trong ba tòa nhà thuộc chủ đầu tư Xuân Phương đã chuẩn bị in băng rôn treo để yêu cầu chủ đầu tư cấp nước. Trước đó, cư dân thuộc 3 tòa nhà của chủ đầu tư Hải Phát cũng đã treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư này cấp nước sạch.
Băng rôn cư dân chuẩn bị yêu cầu chủ đầu tư cấp nước sạch.
Chính quyền huyện thừa nhận bất lực, chờ thành phố ra tay
Cũng tại cuộc họp hôm 21-8, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng khẳng định, việc để người dân dùng nước bẩn trong suốt thời gian qua là trách nhiệm của CĐT và CĐT phải có trách nhiệm đến cùng với người dân.
Đồng thời, lãnh đạo sở và huyện cũng khẳng định, nếu sau 15 ngày, người dân vẫn không có nước sạch sử dụng, Sở cũng như chính quyền địa phương sẽ mạnh tay xử lý trách nhiệm của CĐT, có những biện pháp cứng rắn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hoàng cho hay "Huyện rất nhiều lần có ý kiến với chủ đầu tư nhưng các đơn vị này vẫn "dẫm chân tại chỗ". Hai bên (chủ đầu tư và công ty nước Tây Hà Nội) vẫn dùng dằng. Tôi đã báo cáo với lãnh đạo thành phố và sở. Huyện cũng mong thành phố xem xét giải quyết", ông Hoàng chia sẻ.
PV liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nội và chủ đầu tư để nắm bắt động thái của các đơn vị này nhưng chưa nhận được câu trả lời.
"Chủ đầu tư bán nhà thu tiền vào túi thì phải có trách nhiệm cấp nước sạch cho dân ở đó theo đúng hợp đồng, điều này là không thể thoái thác. Nếu không thể thống nhất được thì đưa nhau ra tòa để phân xử là cách tốt nhất. Người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện nếu họ cảm thấy cách xử lý không thỏa đáng".
GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường
Phạm Dung - Phan Anh (Lao Động)
Theo cafeland.vn