Đại gia Vũ Văn Tiền “bắt tay” chuyên gia Lê Xuân Nghĩa làm… sân golf
- Doanh nghiệp do hai ông Vũ Văn Tiền và Lê Xuân Nghĩa đồng sáng lập đã được TP Hà Nội cho phép lập quy hoạch chi tiết xây dựng sân tập golf Vân Tảo. Đây là tin vui đối với chuyên gia Lê Xuân Nghĩa sau khi công ty NHP của ông vừa kết thúc năm 2018 với kết quả thua lỗ.
Công ty CP SAPA NPH Việt Nam mới đây đã được chỉ định là đơn vị tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu nhà vườn du lịch sinh thái và sân tập golf Vân Tảo, tỷ lệ 1/500 thuộc địa bàn xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, TP Hà Nội theo quy hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Tổng quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 64,6 ha, trong đó quy mô lập quy hoạch dự án khoảng 62,6 ha; quy mô nghiên cứu nằm ngoài ranh giới lập quy hoạch khoảng 2 ha.
Dự án bao gồm đất công trình công cộng, dịch vụ thương mại, văn phòng; đất nghỉ dưỡng (nhà vườn, biệt thự nghỉ dưỡng); đất cây xanh, mặt nước, thể dục thể thao (đất cây xanh, công viên, mặt nước; đất cây xanh, vui chơi giải trí và đất cây xanh, thể dục thể thao kết hợp sân tập golf); đất hạ tầng kỹ thuật và đất giao thông.
SAPA NHP Việt Nam được thành lập vào ngày 29/5/2015 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại Quốc lộ 5A, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nguyên phụ liệu, hóa chất ngành nhựa, thực phẩm; bán buôn bao bì, nhãn mác; bán buôn nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất gỗ.
Đáng chú ý, ông Vũ Văn Tiền - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và ông Lê Xuân Nghĩa - Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP là hai trong số những cổ đông sáng lập của SAPA NHP Việt Nam.
Cổ phiếu NHP trong phiên 26/2 đã bất ngờ tăng trần 16,67% sau 4 phiên liền đứng giá. Tuy nhiên thị giá của NHP khá thất vọng với mức rất thấp, chỉ 700 đồng/cổ phiếu, đây cũng là vùng giá thấp nhất của không chỉ mã cổ phiếu này mà cả đối với thị trường nói chung.
Công ty của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa vừa kết thúc năm 2018 với kết quả không mấy khả quan khi báo lỗ hơn 22 tỷ đồng, doanh thu sụt mạnh còn hơn 58 tỷ đồng từ mức gần 143 tỷ đồng của năm 2017.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên 26/2, chỉ số VN-Index ghi nhận mất 7,37 điểm tương ứng 0,74% còn 987,06 điểm trong khi HNX-Index lại hồi phục về vùng tham chiếu, tăng nhẹ 0,05% lên 107,66 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về các mã giảm với 327 mã giảm giá, 33 mã giảm sàn và 284 mã tăng, 57 mã tăng trần.
Thanh khoản thị trường đạt khá cao với con số 251,65 triệu cổ phiếu giao dịch trên HSX tương ứng 5.176,61 tỷ đồng và trên HNX là 36,91 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 547,54 tỷ đồng.
Thị trường bị tác động tiêu cực không chỉ bởi số lượng mã giảm mà còn do sự điều chỉnh tại những mã vốn hoá lớn mà cụ thể là VNM, VIC, GAS. Chỉ riêng VNM đã khiến VN-Index đánh mất tới 2,92 điểm. Chỉ số VN30-Index cũng sụt mạnh tới 9,96 điểm tương ứng 1,06%.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán BVSC, trong phiên 27/2, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực điều chỉnh khi các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn còn dư địa giảm điểm. Vn-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng hỗ trợ 970-980 điểm trong một vài phiên tới.
Diễn biến của thị trường dự kiến sẽ đan xen các nhịp hồi phục ngắn trong phiên, kèm theo đó vẫn là sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.
Mai Chi (Theo Dân Trí)
Theo cafeland.vn