Dài cổ chờ sổ hồng chung cư
– Không ít người bỏ tiền tỉ ra mua nhà, sau đó phải thấp thỏm chờ đợi chủ đầu tư làm giấy chủ quyền nhà, thường gọi là sổ hồng. Dọn vào ở đến 8 năm mà vẫn chưa có sổ là tình trạng của các cư dân đang sinh sống tại chung cư Phú Mỹ Thuận tại huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Sống trong bất an
Mới đây, hàng trăm cư dân đang sinh sống tại chung cư Phú Mỹ Thuận (đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè, TP.HCM) đã phản ánh đến CafeLand về những bất cập kéo dài nhiều năm tại dự án này. Theo các cư dân, dự án chung cư Phú Mỹ Thuận do Công ty cổ phần Phú Mỹ Thuận và Công ty Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư. Dự án gồm 4 block nhà cao từ 18 – 20 tầng với 578 căn hộ.
Dự án hoàn thành và bàn giao nhà cho cư dân từ năm 2010. Tuy nhiên, gần 8 năm qua, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao sổ hồng cho các cư dân, khiến họ bất an.
Ban quản trị chung cư đại diện cho hàng trăm hộ dân đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư bàn giao sổ hồng. Thậm chí, UBND TP.HCM cũng đã có chỉ đạo yêu cầu chủ đầu tư sớm giải quyết cho cư dân nhưng mọi chuyện đến nay vẫn không được thực hiện.
Một số cư dân cho biết, nguyên nhân họ chưa được cấp sổ hồng là do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.
Bên cạnh việc chậm bàn giao sổ hồng, chủ đầu tư dự án này còn bị các cư dân còn “tố” cố tình chậm bàn giao tiền phí bảo trì cho ban quản trị chung cư. Cụ thể, từ tháng 4/2012, ban quản trị nhiệm kỳ đầu của chung cư Phú Mỹ Thuận được thành lập. Theo quy định của pháp luật, sau khi có ban quản trị thì chủ đầu tư có nhiệm vụ bàn giao khoản kinh phí bảo trì cho ban quản trị quản lý. Tuy nhiên, chủ đầu tư Phú Mỹ Thuận bàn giao nhỏ giọt, đến ngày 31/3/2018 vẫn còn nợ hơn 9,4 tỉ đồng.
Đại diện ban quản trị chung cư Phú Mỹ Thuận cho biết, mặc dù chỉ mới đưa vào sử dụng khoảng 8 năm nhưng chất lượng chung cư này xuống cấp thấy rõ. Ban quản trị đang cần khoản tiền bảo trì để tu sửa thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, xử lý nước thải. Tuy nhiên, chủ đầu tư cho biết hiện chưa có tiền, khi nào có sẽ trả.
Thái độ “dửng dưng” của chủ đầu tư khiến cư dân vô cùng bức xúc. Chưa hết, một số cư dân còn phản ánh, chủ đầu tư đã xây dựng trạm điện sai thiết kế được phê duyệt.
“Cuộc chiến” chưa có hồi kết
Câu chuyện của cư dân tại chung cư Phú Mỹ Thuận cũng chỉ là điển hình của tình trạng “nội chiến” tại rất nhiều chung cư hiện nay trên cả nước.
Trong một báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, tình trạng tranh chấp tại các chung cư trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng. Toàn thành phố có 935 chung cư cao tầng thì đã có đến 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có 9 chung cư tranh chấp rất gay gắt, phức tạp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết các tranh chấp phổ biến do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu ban quản trị, chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư, chậm cấp sổ hồng...
Ngoài ra, những tranh chấp về quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư của các hộ dân nộp hàng tháng, về chất lượng xây dựng chung cư, thiết bị, công trình phòng cháy chữa cháy cũng diễn ra thường xuyên tại nhiều tòa nhà chung cư.
Đặc biệt gay gắt là, nhiều trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết, chưa làm giấy chứng nhận cho người mua nhà qua nhiều năm gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các cư dân.
Về phí bảo trì, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Việt Nam, cho rằng Luật Nhà ở 2014 đã quy định rõ, khi chưa có ban quản trị thì chủ đầu tư phải lập một tài khoản quản lý quỹ bảo trì của cư dân, phải công khai số tài khoản ngân hàng để cư dân biết để có thể nộp tiền và hay tự chuyển tiền vào tài khoản. Một khi chung cư đã có ban quản trị thì trách nhiệm của chủ đầu tư phải bàn giao lại tài khoản quỹ bảo trì cho ban quản trị quản lý.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư vẫn cố tình trì hoãn, thậm chí sử dụng khoản kinh phí này sai mục đích, đến khi cư dân đòi lại thì không thể trả.
Trước tình trạng tranh chấp tại các chung cư diễn biến phức tạp, Nghị định 139/2017/NĐ-CP ban hành ngày 27/11/2017 được xem là cán cân pháp lý để hạn chế các cuộc tranh chấp. Nghị định này quy định cụ thể mức xử phạt sai phạm trong quản lý và vận hành nhà chung cư.
Cụ thể, phạt từ 250 - 300 triệu đồng nếu chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung; phạt từ 100 - 150 triệu đồng đối với chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung...
Tuy nhiên, một chuyên gia bất động sản lại tỏ ra “bi quan” về hiệu ứng của nghị định này. Theo ông, trước đây những quy định pháp luật về xử lý tranh chấp chung cư đã có nhưng không được tuân thủ. Ví dụ, chuyện quản lý kinh phí bảo trì như thế nào đã được quy định rất rõ nhưng thực tế không mấy chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện. Do đó, bên cạnh chế tài xử phạt, việc tranh chấp tại các chung cư chỉ được xử lý khi các chủ đầu tư làm ăn uy tín và tự giác chấp hành pháp luật.
Trần Phong
Theo cafeland.vn