Đà Nẵng sốt đất không tưởng: Hám lãi khủng dễ rước họa
Thị trường thay đổi chóng mặt, giá cả lúc thực lúc hư, tiền lãi bỏng tay khiến khách hàng đứng ngồi không yên, người dân ai cũng muốn lao vào đầu tư bất chấp rủi ro.
Theo ghi nhận của PV, hiện tại Đà Nẵng đang xảy ra tình trạng sốt đất đột biến. Tại Quảng Nam (khu vực Điện Nam – Điện Ngọc, TX Điện Bàn) cũng có hiện tượng tương tự. Thị trường bất động sản ở đây được nhiều chuyên gia đánh giá là đang rất phức tạp, nguy cơ dẫn đến một kết cục xấu là sốt ảo, vỡ trận khiến giới đầu tư lãnh đủ.
Đặc biệt, cơn sốt đất ở Đà Nẵng không chỉ xảy ra ở các khu vực “truyền thống” như nam Hòa Xuân, nam Đà Nẵng, trục Tây Bắc mà lan ra cả những vùng nửa phố nửa làng như Hòa Châu, Hòa Tiến… của huyện Hòa Vang.
Đất quê ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang bất ngờ tăng gấp 5,6 lần khiến UBND huyện phải ra văn bản cảnh báo người dân.
Giá tăng sốc nhất có lẽ phải kể đến khu vực xã Hòa Tiến. Tại vùng quê này, cò đất, giới đầu cơ len lỏi khắp từng con đường bê tông để hỏi mua đất. Hiện giá mỗi thửa đất 100 m2 đang có giá gần 1 tỉ đồng tùy theo khu vực như gần trường học, ủy ban…, gấp hơn 5 lần trước Tết Kỷ Hợi. Đối với các thửa đất 200 m2 giá bán đã lên đến hơn 1,6 tỉ đồng.
Người dân địa phương cho hay, đất đai ở Hòa Tiến được mua với giá cao đến mức phi lý! Ông H.V.N (Hòa Tiến) cho biết, một thửa đất 140m2 còn nguyên cây cối trước Tết Kỷ Hợi bán 140 triệu đồng thì nay đã được mua với giá trên 900 triệu đồng.
Giá đất quê tăng chóng mặt khiến người dân đứng ngồi không yên. Cò đất đã vào mua đất vườn của người dân tận các con đường bê tông nhỏ trong thôn, thậm chí nhiều người còn san lấp ao hồ để bán.
Ngoài ra theo ghi nhận, giá đất nền tại các dự án đô thị khu vực nam Đà Nẵng (Điện Nam, Điện Ngọc thuộc TX Điện Bàn) cũng tăng rất mạnh so với năm ngoái. Bình quân, giá đất tăng từ 300 đến hơn 1 tỉ đồng/lô tùy vào vị trí.
Rủi ro trước mắt
Ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh một công ty địa ốc ở Đà Nẵng cho rằng, giá đất Đà Nẵng, Điện Bàn (Quảng Nam) tăng phi mã và đã tiệm cận ngưỡng chịu đựng của khách hàng, đặc biệt với nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc cư dân có nhu cầu thực.
Đất đường Võ Nguyên Giáp ven biển Mỹ Khê được rao tới 340 triệu đồng/m2.
Điều đáng lo ngại là dù được cảnh báo về các chiêu trò thổi giá của cò đất, người dân vẫn lao vào ôm đất do tiền lãi quá khủng. Có nhiều ví dụ cho thấy nếu không tỉnh táo, khách hàng sẽ nếm trái đắng khi xuống tiền mua đất.
Đơn cử cũng tại huyện Hòa Vang, tháng 10/2018 giá đất xã Hòa Liên đột nhiên dựng đứng, tăng ba trăm triệu mỗi đêm. Hàng trăm người dân lũ lượt kéo về đây giành nhau từng lô đất tạo nên cảnh nhộn nhịp chưa từng có.
Chỉ sau 1 tuần lễ, các giao dịch thưa thớt rồi giảm hẳn. Nhiều người trót ôm đất không kịp nhảy ra đã lãnh trọn hậu quả khi các cò “cá mập” bỏ đi. Nguồn cơn sốt đất Hòa Liên được nhận định là do giới cò tung tin về sự di dời hai nhà máy thép để thổi giá đất.
Hiện tại, cò đất cũng đang vin vào chủ trương xây dựng trường đua ngựa của TP Đà Nẵng nhằm thổi giá đất ở Hòa Tiến, Hòa Khương với chiêu bài tương tự.
Đối với các sản phẩm đất nền nam Đà Nẵng – một trong những khu vực trọng điểm của cơn sốt đất, ông Nguyễn T.A, GĐ một sàn giao dịch bất động sản cho rằng khách hàng cũng đối diện nhiều rủi ro, thậm chí còn nặng nề hơn mua đất ở trong dân vì liên quan đến tiến độ dự án, tính pháp lý. Tuy vậy vì ham lợi nhuận, khách hàng vẫn xuống tiền đặt chỗ để rồi rước họa.
Đất nền Đà Nẵng, Quảng Nam được chuyên gia nhận định là phức tạp. Nhiều chủ đầu tư bán lúa non, chưa hoàn thiện thủ tục, pháp lý vẫn nhận đặt chỗ, huy động vốn.
Chánh thanh tra Sở Xây dựng Quảng Nam vừa có văn bản yêu cầu dừng các hoạt động chuyển quyền sử dụng đất với 3 dự án của Cty Bách Đạt An gồm Bách Đạt 1, 7B mở rộng và HEARA COMIPLEX RIVERSIDE (thuộc Khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc, TX Điện Bàn, Quảng Nam).
Các dự án này đều chưa đủ điều kiện để nghiệm thu, cấp sổ đỏ nhưng chủ đầu tư Bách Đạt đã ký hợp đồngvới nhà phân phối là Cty Hoàng Nhất Nam để thực hiện các giao dịch huy động vốn. Cuối năm ngoái, hàng trăm khách hàng đã bao vây công ty Bách Đạt An vì lý do này.
Đây chỉ là vụ việc điển hình cho thực trạng bất động sản nam Đà Nẵng. Tiến độ, tính pháp lý là điều đáng quan tâm nhất của mỗi dự án nhưng tại nhiều dự án ở Điện Nam – Điện Ngọc, đây là điều xa xỉ.
Hay dự án Khu đô thị số 6 vốn thuộc chủ đầu tư Chí Thành nay chuyển nhượng cho Homland Group với tên mới là Homland Pradise Villgae. Dự án này trước đây triển khai ì ạch, đắp chiếu cả chục năm khiến khách hàng điêu đứng. Dù đã chuyển qua nhà đầu tư mới nhưng nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo khách hàng thận trọng.
“Điều lo ngại là nhiều khách hàng biết rõ dự án tiềm ẩn rủi ro nhưng vẫn xuống tiền đặt chỗ vì hám lời”, ông T.A nhận định.
Cao Thái (Vietnamnet)
Theo cafeland.vn