Vùng Tây Bắc (thuộc huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) trong thời qua được biết đến với tốc độ đô thị hóa ở nông thôn nhanh đến mức “chóng mặt”. Chỉ riêng xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) tính từ năm 2004 đến nay đã đón 38 dự án, trong đó có 1.349 hộ thuộc diện di dời hẳn, nhường đất nông nghiệp. Tuy nhiên, bao bất cập, phức tạp và bức xúc của người dân cũng từ đó nảy sinh…
Hòa Liên trở thành “rốn lũ” do ảnh hưởng dự án Kênh thoát lũ Hòa Liên
Đại công trường “ngổn ngang” dự án
Từ trung tâm UBND xã Hòa Liên, ngược theo đường ĐT601 về phía Bắc, hàng trăm hộ dân thôn Quan Nam 1, Quan Nam 2 và Vân Dương 1 đang khốn khổ, bởi chỉ cần 1 cơn mưa, cả vùng chìm ngập trong nước. Nguyên nhân do Dự án Tuyến kênh thoát lũ tổng thể khu vực xã Hòa Liên hết chậm tiến độ, nay lại có nguy cơ “treo” kéo dài.
Ông Ngô Minh Hùng (Quan Nam 1) đứng nhìn công trình chậm tiến độ 2 năm mà không khỏi ngao ngán. Theo ông, người dân nhiều lần kiến nghị, thành phố hứa đến tháng 6/2018 sẽ hoàn thành. Nay đã tháng 5 rồi, nhưng hàng chục máy móc, thiết bị vẫn nằm yên giữa công trình ngổn ngang. Cứ tình trạng này, mùa mưa sắp tới, bà con tiếp tục “lội” trong nước để sinh hoạt.
Đáng nói, ngoài “gánh” hậu quả của Dự án Tuyến kênh thoát lũ tổng thể khu vực xã Hòa Liên, nơi đây còn nằm trong dự án Khu dân cư Hòa Liên 4, giai đoạn 3-4, từ năm 2012 đã triển khai công tác kiểm định, nhưng 6 năm qua, dự án này vẫn “án binh bất động”. Hiện nay cả khu dân cư thấp trũng như một cái ao, thấp hơn so với các khu dân cư xung quanh tới hơn 1 mét, vì vậy hễ cứ mưa là ngập.
Cách đó không xa, hàng chục hộ dân thôn Quan Nam 5, nằm sát mép dự án kênh thoát lũ Hòa Liên, đã hơn 3 năm nay, hoàn toàn không còn đường giao thông; việc đi lại chỉ bằng có cách lội qua ruộng và các bãi sình lầy để ra vào khu dân cư. Oái ăm nhất nằm ở thôn Quan Nam 6 với khoảng 70 hộ. Khu dân cư này lại sát bờ kè dự án Kênh thoát lũ Hòa Liên được xây dựng vững chắc tiếp giáp với Khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú. Vì thế, cứ tới mùa mưa, khu dân cự Quan Nam 6 mặc nhiên trở thành “bờ kè” bên kia của Kênh thoát lũ Hòa Liên.
Nhìn nhận ở góc độ địa phương, ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên đánh giá, trên thực tế, Hòa Liên đang như một “đại công trường” ngổn ngang các dự án, công tác khớp nối quy hoạch chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tính từ năm 2004 đến nay, xã Hòa Liên đã đón 38 dự án. 13 thôn của xã, thôn nào cũng bị ảnh hưởng các dự án, trong đó có 1.349 hộ thuộc diện di dời hẳn. Chỉ riêng đất sản xuất nông nghiệp đã thu hồi 320 ha, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Hiện, có 14 dự án đang triển khai, 6 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, 4 dự án trọng điểm của thành phố gồm: Kênh thoát lũ Hòa Liên, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan), dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Còn lại là các dự án chậm triển khai.
Phối hợp với các cấp chưa chặt chẽ!
Theo ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Dự án Tuyến kênh thoát lũ tổng thể khu vực xã Hòa Liên được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt ngày 13/2/2014 với tổng mức đầu tư hơn 114 tỷ đồng, triển khai theo hình thức Hợp đồng Xây dựng- Chuyển giao (BT). Ngày 27/3/3015, Hợp đồng được ký kết giữa Sở Xây dựng TP Đà Nẵng với Công ty Cổ phần Trung Nam; Phương thức thanh toán bằng tiền chuyển quyền sử dụng đất khu đất phía Tây dự án Golden Hill mở rộng giai đoạn 1. Tháng 7/2017, huyện đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, thế nhưng do khâu thiết kế tuyến kênh của dự án này không tốt nên 2 lần phát sinh số hộ cần giải tỏa di dời. Hiện, chủ đầu tư và thành phố vừa thiết kế vừa thi công cho nên mới phát sinh chuyện.
Trong khi đó, Cty CP Trung Nam cho biết, mãi đến năm 2015, Trung Nam mới được chọn là nhà đầu tư. Trước đó, năm 2011, 2012, Viện Quy hoạch Xây dựng thuộc Sở Xây dựng khảo sát, lập dự án đầu tư, thiết kế cơ sở. Năm 2014, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt dự án và đến ngày 27/3/2015, Hợp đồng BT mới được ký kết. Chi phí dự án không có gói giải phóng mặt bằng.
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thừa nhận, để xảy ra tình trạng này do việc phối hợp giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương và các cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND thành phố chưa chặt chẽ. Hiện nay, một số hạng mục được giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện. Tuy nhiên, vướng mắc chính vẫn ở công tác giải phóng mặt bằng. Vì thế, Dự án này không thể hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng khẳng định, Dự án Kênh thoát lũ tổng thể Hòa Liên đầu tư theo hình thức BT có nhiều sai phạm dẫn đến chậm trễ, sụt lún các khu dân cư. UBND thành phố đã chỉ đạo Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện dự án, đồng thời sớm công bố những sai phạm này.
Nói thêm về các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ, ở góc nhìn địa phương, ông Mạnh cho rằng, nguyên nhân thường nằm ở công tác giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù chậm. Trong đó, việc Hòa Liên không có chỗ thuê nhà nên khó khăn trong công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng; cơ sở hạ tầng nhiều khu tái định cư chưa đảm bảo…; nhiều kiến nghị của người dân chậm giải quyết…; nhiều hộ dân bị thu hồi hết đất nông nghiệp, gặp khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề để ổn định cuộc sống…; ô nhiễm môi trường trong quá trình thực hiện các dự án ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Theo ông Mạnh, đầu năm 2018 này, chính quyền địa phương đã kiến nghị với thành phố, nên xem xét các các dự án chậm triển khai, nếu không cần thiết có thể hủy bỏ để nhân dân có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế cho gia đình, cũng như khớp nối quy hoạch thành phố.
Vũ Vân Anh (Pháp luật VN)
Theo cafeland.vn