Cư dân chung cư Phú Thạnh, 8 năm chưa thấy sổ hồng
- Hơn 800 hộ dân với khoảng 3.000 nhân khẩu sống tại 5 block chung cư Phú Thạnh (53 Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) đang rất bức xúc vì đã dọn vào sinh sống gần 8 năm nay nhưng vẫn chưa thấy chủ đầu tư là Công ty cổ phần xây dựng 585 bàn giao giấy chủ quyền nhà (sổ hồng).
Mòn mỏi với sổ hồng
Một cư dân tên Bình cho biết, cô mua lại 1 căn hộ từ người bạn tại chung cư Phú Thạnh, theo như cam kết trong hợp đồng, cô đã đã thanh toán 95% giá trị căn hộ cùng với 2% phí bảo trì cho nhà đầu tư. Tháng 5/2011 cô dọn vào sinh sống cho tới nay.
Chung cư Phú Thạnh, quận Tân Phú
Nhưng đã 7 năm qua, cô Bình vẫn chưa nhận được sổ hồng từ chủ đầu tư như đã cam kết trong hợp đồng. Nhiều lần cô kiến nghị lên chủ đầu tư nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn. “Tôi đã nhiều lần gặp chủ đầu tư để đòi sổ hồng và thực hiện đóng nốt 5% số tiền còn lại, nhưng phía Công ty cổ phần xây dựng 585 liên tục hẹn, hết quý 1 rồi lại quý 2, quý 3… Cứ như thế, năm này qua năm khác, đến nay tôi vẫn chưa nhận được sổ hồng”.
Tương tự, ông Lịch có mua 3 căn hộ ở hai block (A, E) từ năm 2011, và cũng đã thực hiện đầy đủ những cam kết trong hợp đồng (thanh toán 95% số tiền và 2% phí bảo trì). Ngoài ra, ông còn đóng thêm 900.000 đồng cho bộ phận đo đạc để làm sổ hồng và theo như ông Lịch trình bày thì số tiền này không có trong hợp đồng mua căn hộ. Thế nhưng cho đến nay ông vẫn chưa nhận được sổ hồng.
“Tôi đã nhiều lần hỏi chủ đầu tư, họ hứa sẽ cấp cho tôi trong thời gian tới, nhưng đợi mãi chẳng thấy đâu. Tôi trực tiếp lên hỏi phường, quận thì nhận được trả lời rằng việc cấp sổ hồng cho các hộ dân ở chung cư Phú Thạnh chưa thể xử lý được do còn vướng mắc một số thủ tục”, ông Lịch cho biết.
Việc chậm trễ bàn giao sổ hồng của Công ty cổ phần xây dựng 585 không chỉ gây bức xúc cho cư dân mà còn làm ảnh hưởng đến tâm lý làm ăn, giao dịch chuyển nhượng căn hộ. Các chủ căn hộ khi giao dịch mua bán nhà buộc phải qua sàn cả chủ đầu tư và mất thêm một khoản phí lớn.
Ông Đinh Hồng Sơn, cư dân chung cư Phú Thạnh, cho biết tuy nhà ông đang ở nhưng thật ra chưa phải là của ông. Vì về mặt pháp lý, chưa có một giấy tờ nào chứng thực đây là nhà của ông.
Mặt khác, việc không có sổ hồng đã làm mất đi cơ hội làm ăn của chủ hộ. Cụ thể, họ muốn dùng sổ hồng để thế chấp ngân hàng lấy vốn làm ăn kinh doanh, trang trải cuộc sống, nhưng gần chục năm nay họ không thể làm được.
Hơn thế nữa, việc chậm trễ này đã khiến cho thời hạn bảo trì tòa nhà mất giá trị, trong hợp đồng mua bán có ghi, thời hạn bảo hành là 5 năm, nhưng tính đến nay thì đã hết hạn mà tòa nhà vẫn chưa được bảo trì. Hiện một số hạng mục đã bắt đầu xuống cấp, đá ốp tường bên ngoài tòa nhà đã bong và rơi, gây nguy hiểm cho người dân.
Bất cập hơn, việc giao dịch mua bán nhà bị chủ đầu tư ép. Chị Xuân ở block A cho biết, những hộ dân ở đây muốn mua bán căn hộ thì phải qua sàn giao dịch của chủ đầu tư. Chính vì việc chưa có sổ hồng nên khi giao dịch mua bán nhà phải chịu mức phí rất cao (1,5%), tính ra mỗi hộ phải mất cho chủ đầu tư vài chục triệu đồng, cộng thêm 900.000 đồng tiền phí làm giấy tờ.
Biển báo gạch ốp tường rơi gây nguy hiểm cho người dân được dán khắp hành lang.
“Nếu có sổ hồng thì chỉ cần mang đi photo công chứng, rồi trao đổi mua bán nhà rất thuận tiện, nhưng chủ đầu tư vẫn chây ỳ cố tình gây thiệt hại cho các hộ dân ở đây. Trên thực tế, nhiều hộ dân ở đây muốn mua bán căn hộ, nhưng vì tự nhiên mất số tiền quá lớn cho chủ đầu tư, thậm chí là lỗ vốn nên họ không thể bán được”, chị Xuân bức xúc cho biết.
Có người đã bán hết nhà đất ở quê, dồn tiền để mua căn hộ ở đây. Nhiều hộ dân ở đây đã quá mệt mỏi với việc đi đòi sổ hồng trong những năm qua. Họ đã gõ cửa khắp các cơ quan, nhưng đến nay họ vẫn ngóng chờ trong vô vọng.
Ông Lịch năm nay đã hơn 70 tuổi, muốn làm thừa kế căn hộ cho con trai mình nhưng do chưa có sổ hồng nên không thể làm được. Việc đòi sổ hồng kéo dài đễn nỗi chị Xuân phải thốt lên, “tôi mua nhà từ năm 33 tuổi, đến nay đã 41 tuổi mà vẫn chưa thấy sổ hồng đâu”.
Kéo dài thời gian
Năm 2007, ông Thân Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty 585 đã ký hợp đồng mua bán căn hộ với cư dân Phú Thạnh. Khi nhận căn hộ, các cư dân phải thanh toán 95% căn hộ và đóng 2% phí bảo trì chung cư. Sau 1 năm, kể từ thời gian bàn giao căn hộ, Công ty 585 sẽ bàn giao sổ hồng. Nhưng qua nhiều lần hứa, tới nay cư dân vẫn chờ trong vô vọng.
Ngày 30/3/2016, Công ty 585 đã ra văn bản số 51/KDDA-2016 với nội dung: phí bảo trì 2% của chung cư Phú Thạnh đã được sử dụng vào mục đích khác; giấy chứng nhận QSDĐ số 00230/2a QSDĐ/7064/UB của chung cư Phú Thạnh đã bị Công ty 585 thế chấp tại Ngân hàng Việt Á. Do vậy, Công ty 585 không bàn giao phí bảo trì chung cư và không hoàn tất thủ tục để UBND quận Tân Phú cấp giấy chứng QSDĐ cho cư dân. Trên thực tế, Công ty 585 đã đem thế chấp giấy chứng nhận QSDĐ số 00230 cho Ngân hàng Việt Á lấy 200 tỉ đồng để đầu tư xây dựng chung cư này. Ngân hàng Việt Á cũng đã bán khoản nợ xấu này cho VAMC từ tháng 3/2016.
Trong văn bản có nêu, số tiền từ 2% phí bảo trì tương đương hơn 10 tỉ đồng đã được dùng vào việc chi trả tiền vật tư. Số tiền Công ty 585 còn thu của cư dân 5% tương đương hơn 53 tỉ đồng sau khi hoàn tất giấy chứng QSDĐ, công ty cam kết sẽ trả lại số tiền 2% cho cư dân sau khi thu đủ 5% số tiền giấy chứng nhận QSDĐ.
Như vậy, việc Công ty 585 hứa sẽ bàn giao sổ hồng cho các hộ dân là thiếu cơ sở, vì thực tế công ty này đã cầm cố tài sản, vẫn chưa giải quyết xong các khoản nợ với ngân hàng. Những lời hứa thực chất chỉ là làm yên lòng các hộ dân, nhằm kéo dài thời gian.
Một cư dân tên Hồng cho biết, tại các cuộc họp, vấn đề này đều được cư dân đề cập đến chính quyền. HĐND quận Tân Phú cũng đã có trả lời, hiện nay đã có 367 sổ hồng nằm ở quận, tuy nhiên ngân hàng đang giữ lại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay tại chung cư Phú Thạnh chưa tìm được một Ban quản trị chung cư đúng nghĩa, còn nhiều xung đột, đấu đá nội bộ, lợi ích nhóm diễn ra rất phức tạp. Trong số 7 người của Ban quản trị thì mặc định có 1 người của chủ đầu tư, 6 người còn lại là các hộ dân đến từ 3 block B,C,D. Block A,E không có đại diện trong Ban quản trị, điều này trái với Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng.
Điều đáng nói là thành viên trong Ban quản trị không đứng ra bảo vệ lợi ích của cư dân mà lại đứng về phía chủ đầu tư. Một cư dân cho biết những người trong Ban quản trị không được thông qua số đông cư dân mà do chủ đầu tư cơ cấu lập nên. Và nếu có ai trong số đó chống lại lợi ích của nhà đầu tư thì sẽ bị “trảm”.
Hành lang được Ban quản trị bố trí làm bãi đậu xe.
Bên cạnh vấn đề sổ hồng và phí bảo trì, chung cư Phú Thạnh còn nhiều lùm xùm khác như việc Ban quản trị tự ý sử dụng hành lang đi lại hai bên chung cư để làm bãi đậu xe có thu tiền mà không hề thông báo với cư dân, tự ý thay hệ thống camera của tòa nhà mà không thông qua toàn thể cư dân…
Những vấn đề cấp sổ hồng tại chung cư Phú Thạnh đã tồn đọng kéo dài suốt nhiều năm qua, khiến cho đời sống của các hộ dân ở đây thấp thỏm lo âu. Nhiều người cho rằng, chủ đầu tư, chính quyền cùng các cơ quan quản lý nhà nước nên có sự phối hợp để giải quyết ổn thỏa những mong mỏi bấy lâu nay của các hộ dân chung cư An Phú. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Kim Cường
Theo cafeland.vn