Công ty Mland nói gì khi bị khách hàng tố chiếm đoạt tiền cọc
- Như đã đưa tin, sau khi nhận được đơn tố cáo của khách hàng, chúng tôi đã nhiều lần cố gắng liên hệ với cả hai bên để có thể nắm được thông tin khách quan nhất.
Theo như đơn tố cáo, tháng 5/2017 khách hàng này đã tham khảo dự án Landmark Service Apartmen, một trong những dự án mà Công ty Cổ phần Mland Việt nam đang phân phối. Công ty này đã giao dịch và nhận cọc của ông H số tiền 300 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư hoàn lại cọc thì ông H không nhận lại được số tiền trên.
Phản hồi của Công ty Cổ phần Mland Việt Nam
Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Nguyễn Thị Thanh, Phó giám đốc công ty cổ phần Mland Việt Nam.
Chào bà, cảm ơn bà đã nhận lời trao đổi với chúng tôi. Bà vui lòng cho biết sự việc khách hàng tố Công ty cổ phần Mland Việt Nam chiếm đoạt tiền đặt cọc bà cảm thấy như thế nào?
Bà Thanh: "Khi thấy tin khách hàng tố công ty tôi xuất hiện trên mặt báo, bản thân tôi vô cùng bất ngờ và bức xúc vì không hiểu những thông tin này từ đâu ra?!"
Theo như được biết thì công ty MLand có nhận cọc số tiền 300 triệu và đã có phiếu thu cụ thể như thế nào thưa bà?
Bà Thanh: Đó đơn thuần là giao dịch giữa ông H và nhân viên giao dịch của MLand nên không thể nói là công ty chúng tôi đã nhận tiền của ông ấy. Bản thân tôi cũng không biết ông ấy là ai và tôi khẳng định không nhận tiền từ ông ấy.
Vậy thì về việc khách xác nhận có phiếu thu thì sao, thưa bà?
Bà Thanh: Thực ra ở bất kỳ công ty nào, khi có khách hàng giao dịch thì nhân viên sẽ được cấp phiếu thu và sẽ phải hoàn lại cho công ty phiếu thu cộng với tiền đã nhận cọc của khách. Tuy nhiên, ở trường hợp này, nhân viên tên C sau khi yêu cầu phía công ty cấp phiếu thu để thực hiện giao dịch thì đã báo lại với công ty là đã làm mất phiếu thu vì trời mưa ướt và khách hàng huỷ không giao dịch nữa.
Cộng tác viên của công ty và vị khách đã có thỏa thuận hợp tác bên ngoài, công ty có biết những thỏa thuận này hay không?
Bà Thanh: Thật sự chúng tôi không hề biết về những thỏa thuận của vị khách này và cộng tác viên của chúng tôi. Và đấy cũng là chuyện riêng của hai người nên chúng tôi không can thiệp.
Công ty có biết về sự ông H làm đơn trước đó không?
Bà Thanh: Bản thân công ty tôi có nhận được đơn tố cáo của ông H. Vào 28/03 công ty tôi có liên hệ với ông H thì ông ấy từ chối gặp mặt và hẹn sẽ liên hệ lại sau? Và cho đến khi tôi đọc được tin tố cáo của ông H trên báo thì mới vỡ lẽ. Không chỉ riêng tôi mà cả công ty vô cùng bức xúc. Tôi cam đoan cho tới giờ phút này công ty tôi chưa nhận đồng nào từ ông H cả. Sau sự việc này, uy tín của công ty chúng tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, và cuộc sống của bản thân tôi cũng bị xáo trộn không ít.
Về phía nhân viên giao dịch có đứng ra chịu trách nhiệm không?
Bà Thanh: Nhân viên này trước đó đã xin nghỉ việc. Chúng tôi đã liên lạc hơn 3 lần để mời lên giải quyết nhưng không nhận được sự hợp tác.
Vậy hướng giải quyết của phía công ty như thế nào thưa Bà?
Bà Thanh: Bạn nghĩ công ty chúng tôi thành lập trên 10 năm thì có vì 300 triệu mà đánh đổi uy tín không? Nhận ra được tính chất nghiêm trọng của sự việc, công ty chúng tôi đã gửi đơn lên công an quận Tân Bình, công an quận Bình Thạnh và có mời ông H cùng lên làm việc để sự việc sớm được sáng tỏ nhưng ông H cáo bận. Công ty chúng tôi luôn sẵn lòng hợp tác với các bên liên quan để đưa mọi việc ra sáng tỏ, đây cũng là một bài học đắt giá dành cho chúng tôi.
Cảm ơn bà về cuộc trao đổi.
Sự việc đang trong quá trình điều tra, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật khi có thông tin mới nhất.
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, thành viên Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận định, phiếu thu, hóa đơn, chứng từ nếu có đóng dấu của công ty thì có đầy đủ pháp lý để chứng minh giao dịch giữa khách hàng với một công ty. Đó cũng là bằng chứng nếu có tranh chấp dân sự. |
Khách hàng tố Mland chiếm giữ thay vì hoàn tiền đặt cọc
Gia Kỳ
Theo cafeland.vn