Công trình trọng điểm liên cơ quan của Hà Nội lãng phí hàng chục tỷ đồng
Lãnh đạo Ban quản lý dự án khẳng định quá trình làm dự án đã để xảy ra sơ suất từ đơn vị thiết kế, đơn vị thẩm tra...phải khắc phục sự cố, chậm tiến độ
Dự án Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội- Khu liên cơ Võ Chí Công, vị trí tại khu X2, phường Xuân La, quận Tây Hồ là công trình trọng điểm của UBND TP Hà Nội được xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
Dự án Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội- Khu liên cơ Võ Chí Công.
Dự án là công trình trọng điểm của TP Hà Nội, phục vụ công tác nghiên cứu phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ đồng thời bố trí là nơi làm việc của 8 Sở, ngành. Tuy nhiên, việc thi công dự án đã có một số hạng mục không đạt tiêu chuẩn phải khắc phục sự cố gây lãng phí ngân sách hàng chục tỷ đồng.
Quy mô đầu tư xây dựng dự án gồm: 3 khối công trình cao 27, 16 và 7 tầng, tổng diện tích 7.270 m2. Tổng diện tích sàn xây dựng 48.569m2. Tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh là hơn 1.022 tỷ đồng xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
Dự kiến, tiến độ thực hiện dự án điều chỉnh khối nhà 16 và 17 tầng trong quý III năm 2018 các sở ngành sẽ về đây làm việc. Khối nhà 7 tầng bổ sung và hoàn thiện dự án tháng 6/2019.
Liên quan việc hoàn thành tiến độ dự án chậm so với kế hoạch, ngày 5/6/2018, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng chỉ đạo yêu cầu công trình buộc phải tạm dừng thi công để rà soát, kiểm tra toàn bộ quá trình thiết kế, thi công các hạng mục công trình, trong đó nhấn mạnh việc những hạng mục nào chưa làm đảm bảo phải làm lại.
Cụ thể, lãnh đạo Thành phố yêu cầu đặc biệt lưu ý gói thầu 19 thi công xây lắp công trình; gói thầu 22 thi công lắp đặt vách kính mặt ngoài nhà; gói thầu 23 về mua sắm và lắp đặt hệ thống PCCC, gói thầu 24 về mua sắm lắp đặt hệ thống điện nhẹ.
Hạng mục kính vách ngoài tòa nhà đảm bảo an toàn theo quy chuẩn 05:2008/BXD và theo yêu cầu của Cục Giám định; Kết cấu công trình kiểm tra đảm bảo các yêu cầu về an toàn tòa nhà theo quy định đối với mục đích sử dụng làm văn phòng.
UBND thành phố cũng giao Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra, rà soát toàn bộ các nội dung thực hiện tại giai đoạn là chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án’ xác định trách nhiệm của cá nhân liên quan, phối hợp xử lý đối với nội dung thiết kế, thi công các hạng mục vách kính ngoài nhà, kết cấu công trình.
Đối với trường hợp nhà thầu không đáp ứng yêu cầu thì thay đơn vị khác.
Công trình đang tạm dừng một số hạng mục để kiểm tra rà soát.
Ông Lương Minh Phong - Phó Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố Hà Nội thừa nhận, tiến độ hoàn thành Dự án Trung tâm giao dịch khu công nghiệp thường xuyên Hà Nội- Khu liên cơ Võ Chí Công đến thời điểm hiện tại bị chậm tiến độ.
Do đơn vị mới tiếp nhận lại dự án tháng 2/2017 từ chủ đầu tư trước là Sở Khoa học- Công nghệ Hà Nội, khi tiếp nhận chưa định lượng được hết khối lượng công việc không lường hết được những khó khăn vướng mắc của dự án.
Khi bổ sung cho các Sở về đây thì gần như làm dự án mới, phải thỏa thuận các Sở về nguồn vốn, quy hoạch kiến trúc về mặt bằng, PCCC… Đến tháng 4/2018, UBND TP mới có Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án .
Quá trình hoàn thiện bổ sung hồ sơ điều chỉnh, khi đang xin ý kiến các cơ quan liên quan gửi sang Sở Xây dựng thẩm định thấy có nhiều thay đổi Sở yêu cầu cung cấp lại các hồ sơ PCCC, điều chỉnh mặt bằng quy hoạch kiến trúc… Xác định mức chịu tải kết cấu công trình
Hiện Ban QLDA đang đôn đốc hồ sơ của đơn vị thiết kế, bản vẽ thi công cùng dự toán để gửi đơn vị thẩm tra và hiện Sở Xây dựng đang tiến hành thẩm tra các hạng mục này. Hiện nay, 1 số hạng mục dừng lại để chờ tư vấn thiết kế nên chậm lại có trách nhiệm của Ban trong việc đôn đốc.
Trước đó, tại văn bản 368 Cục Giám định nhà Nhà nước về công trình xây dựng – Bộ Xây dựng đánh giá một số sàn tầng hầm, khối đế, kết cầu dầm của công trình có dấu hiệu xuống cấp khi chưa đưa vào sử dụng. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Lương Minh Phong cho biết, tại thời điểm 6/2016, chủ đầu tư là Sở KH- CN đã đưa giải pháp xử lý như: tăng chiều cao dầm và 1 số giải pháp khác xử lý khắc phục các nội dung Cục Giám định nêu, tuy nhiên nhiều nội dung khắc phục chưa triệt để.
Để giải quyết sự cố, sau khi tiếp nhận công trình 2/2017, Ban QLDA ĐTXD công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội tiếp tục cho rà soát và báo cáo Cục Giám định đưa ra các biện pháp để xử lý tồn tại để xác định nguyên nhân kiểm tra, tính toán lại và đưa ra các giải pháp xử lý đối với kết cấu công trình 27 tầng cần bổ sung cột thép. Sau khi được TP đồng ý, cột C3 đã được Sở Xây dựng thẩm duyệt thiết kế bản vẽ thi công.
Theo tính toán sau khi cột C3 đưa vào thì khả năng chịu lực công trình được đảm bảo. Ban QLDA cũng chủ động thuê đơn vị tư vấn kiểm định độc lập để giám sát lại đơn vị thẩm tra, tư vấn thiết kế. Coi như 1 bộ phận của BQL để đánh giá lại kết cấu. Đơn vị này đã lấy mẫu thí nghiệm để báo cáo với Cục Giám định. Sau khi lắp cột sẽ tiến hành chất tải, thử tải, mời các đơn vị kiểm tra.
Đối với hệ vách kính mặt ngoài công trình, Cục Giám định đánh giá không đủ tiêu chuẩn 05. 30/5, TP đã tổ chức cuộc họp đã chỉ đạo bằng văn bản.
Vách kính mặt ngoài tòa nhà không đạt quy chuẩn theo theo đánh giá của Cục Giám định.
Theo ông Phong, một số tồn tại TP đã cho chỉ đạo rõ nhưng chưa giải quyết dứt điểm được. “Ví dụ vách kính không đảm bảo tiêu chuẩn 05. Hệ kết cấu dầm, sàn vẫn phải tính toán theo dõi từng nội dung rất phức tạp. Ngoài ra, dự án cho 8 Sở ngành với 1.600 người làm việc. Việc kết nối hạ tầng bãi đỗ xe cũng rất khó khăn. Đầu tư văn phòng hạng A thì việc sử dụng nước uống tại vòi như thế nào, xử lý nước thải ra sao…
Cùng đó, TP dự tính đưa cả tầng 4, tầng 5 làm Trung tâm điều hành của Ban chỉ đạo CNTT TP sau này trở thành Trung tâm điều hành thành phố thông minh…, do đó việc kết nối hạ tầng phức tạp. Vì thế, thế tiến độ TP chỉ đạo tháng 6/2018 tòa 27 tầng đưa vào sử dụng nhưng theo tính toán phải đến tháng 12/2018 cũng khó có thể xong, hồ sơ không có, công trình dừng thi công”.
Lãnh đạo Ban QLDA ĐTXD công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố Hà Nội khẳng định: “Trong quá trình làm dự án đã để xảy ra sơ suất từ đơn vị thiết kế, đơn vị thẩm tra đến chủ đầu tư cũ phải Ban QLDA ĐTXD cũng có phần trách nhiệm từ khi tiếp nhận dự án”, ông Phong nói./.
Đỗ Hưng (VOV)
Theo cafeland.vn