Cò đất đồng loạt rút khỏi Phú Quốc
Không còn cảnh cò đất tấp nập chạy xe dắt khách đi xem đất. Những sàn giao dịch bất động sản sôi động ngày nào giờ vắng ngắt.
Cũng giống Vân Đồn và Bắc Vân Phong, các giao dịch đất đai tại Phú Quốc trở nên trầm lắng hẳn sau khi Quốc hội thống nhất lùi thời điểm xem xét dự án luật đặc khu đến tháng 10-2018. Điều này khiến giới cò đất buồn ra mặt, trong khi không ít cư dân ở Phú Quốc thở phào.
Nhiều người vui
Ông Năm Thường, ở ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, khi nghe hỏi về tình hình mua bán bất động sản (BĐS) tại huyện đảo này đã phì cười, cho biết: “Hết sốt rồi, chợ chiều rồi. Cò vạc gì giờ bay về đất liền hết ráo”. Nhóm phụ nữ lớn tuổi mà chúng tôi tiếp xúc ở xã Cửa Cạn (như cô Hằng, cô Hồng) cũng vui ra mặt: “Thấy tình hình đất đai trở lại bình thường, tụi tôi nhẹ người đi.
Trước đây, lúc đang nóng sốt, chúng tôi cứ lo ngay ngáy sợ bị thu hồi đất bất cứ lúc nào. Dù có thể có ngay một số tiền rất lớn nhưng ăn riết thì núi cũng lở, không còn kế sinh nhai bao nhiêu tiền rồi cũng sẽ hết”.
Nhớ giai đoạn đầu năm 2018, lúc đất đai đang nóng bỏng tay, đến làng chài này chúng tôi đã được nghe dân địa phương than thở, lo lắng nhiều. Bà con bảo rằng dù hiện các nghề nuôi cá bè, đánh cá bán cho du khách thu nhập chỉ vừa đủ, không dư dả chi nhưng họ sống rất thoải mái.
Họ lo sợ một ngày không cầm lòng được trước những món tiền bạc tỉ, chục tỉ rồi buông đất tha phương thì khó lường hậu quả về sau.
Một khu dân cư được phân lô bán nền, vốn được giới đầu cơ săn đón, giờ đìu hiu chả ai ngó ngàng.
Những tấm biển giao dịch bất động sản dần được gỡ xuống, bỏ xó. Ảnh: Trần Vũ
Cũng lắm kẻ buồn
Cơn sốt đất ở Phú Quốc hạ nhiệt cũng khiến không ít người thất vọng. Giới đầu cơ, lướt sóng thì đứng ngồi không yên vì đã trút hết vốn vào đầu cơ đất. Còn các “cò con”, nhân viên môi giới của các sàn giao dịch lại lo lắng về kế sinh nhai.
Chị Nở, nhân viên một công ty BĐS ở thị trấn Dương Tơ, Phú Quốc, cho hay: “Cả tháng qua tình hình đã không ổn. Khách thưa dần, nhiều người ngần ngại không dám mua vì nghe ngóng dự luật đặc khu. Giờ thì thị trường im ắng hoàn toàn. Nhiều đồng nghiệp tôi đã chuyển nghề khác”. Chị Nở vừa thuê được một căn nhà phố ở đường 30-4 và đặt mua 10 kg mắm đồng từ Cà Mau để nấu bún nước lèo bán, quyết bỏ nghề môi giới BĐS.
Còn anh Mười Hộ, ở thị xã Giá Rai, Bạc Liêu, than thở qua điện thoại: “Tôi về đất liền nửa tháng nay rồi, cài ông bạn lại Phú Quốc chờ tình hình dự luật. Giờ thông tin như vậy rồi, mai tôi kêu bạn rút về luôn cho đỡ tốn chi phí. Kẹt một đống vốn ngoài đó, giờ không biết chừng nào mới lấy lại được”.
Cuối năm 2017, theo phong trào, anh Mười Hộ và người bạn gom hết vốn trong nhà, vay thêm ngân hàng, ôm tiền ra Phú Quốc hy vọng lướt sóng vài vụ kiếm tiền mua nhà phố, sắm xe hơi đời mới. Ai dè…
Trong cả ngày 11-6, PV Pháp Luật TP.HCM đã rảo một vòng quanh đảo ngọc. Không còn cảnh cò đất tấp nập chạy xe dắt khách đi xem đất. Những căn nhà ngày nào còn là nơi giao dịch BĐS sôi động vẫn còn đó mà người vắng ngắt lạ thường. Những tấm biển bán đất còn tươi màu sơn đã được gỡ xuống, nằm một góc buồn tênh. Làm ăn kiểu ăn xổi ở thì có bao giờ bền được!
3 nguyên nhân khiến đất Phú Quốc hạ nhiệt Theo một chuyên gia BĐS, ngoài thông tin về dự luật đặc khu thì có hai tác động khác khiến thị trường BĐS Phú Quốc hạ nhiệt. Thứ nhất là việc UBND huyện Phú Quốc vào tháng 5 đã chỉ đạo Phòng TN&MT tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500 m2 trên địa bàn huyện. Thứ hai, từ tháng 4 Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thanh tra, làm rõ những sai phạm, thiếu sót trong quản lý sử dụng đất tại huyện này. |
Trần Vũ (PLTPHCM)
Theo cafeland.vn