Chuyên gia: Có thể tính đến đổi đất khác loại giá trị cao hơn cho dân Long Thành
- Muốn đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành cần phải giải quyết được hai vấn đề mấu chốt là vốn và tiến độ giải phóng mặt bằng
Đó là chia sẻ của GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường tại hội thảo “Đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành” do báo Tiền Phong tổ chức tại TP.HCM.
GS Đặng Hùng Võ tại hội thảo
Theo Giáo sư Võ, dự án sân bay Long Thành đang triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng. Điều kiện khu vực này khá thuận lợi khi gần 85% là đất nông nghiệp, 15% đất phi nông nghiệp. Dành tiền xây khu tái định cư khoảng 10% (24.000 tỷ đồng). Chi phí đầu tư cho tái định cư không cao sẽ giúp sớm hoàn thành nơi ở mới cho người dân chuyển đến.
Ông Võ cũng cho rằng, tỉnh Đồng Nai làm khá tốt trong hoàn cảnh việc giải tỏa mặt bằng khá khó khăn, kinh phí bồi thường tái định cư khá thấp chứ không cao như ở các thành phố lớn.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng gợi ý thêm “việc bồi thường có thể tính đến đổi đất khác loại giá trị cao hơn. Thay đổi tư duy bồi thường bằng tiền, làm hài lòng giá trị thu hồi đất đối với dân, đó cũng là một trong những mấu chốt để đẩy nhanh tiến độ xây sân bay Long Thành. Mô hình này Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng rất thành công. Hai quốc gia này cho rằng người có đất thì nên góp vào dự án. Sau đó nhận lại đất phi nông nghiệp với tỷ lệ hợp lý về giá đất”, ông Võ nói.
Theo các chuyên gia, hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM đang quá tải, tình trạng kẹt xe cả trên trời lẫn dưới đất diễn ra trầm trọng.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ là một bước đệm to lớn đối với sự phát triển của lĩnh vực hàng không, nhất là theo dự báo Việt Nam sẽ là 1 trong 5 khu vực có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong một thập kỷ tới.
Trên thực tế việc thực hiện giải phóng mặt bằng được triển khai từ chủ trương, dần đến triển khai chi tiết, được dành một nguồn vốn nhất định của nhà nước và được nghị quyết Quốc hội đã thông qua.
Cũng theo ông Đông, hiện dự án có nguồn vốn khoảng 23 nghìn tỷ. Tuy nhiên, việc sân bay Long Thành được xây dựng vẫn đang đứng trước những thách thức cực kỳ lớn, trong đó việc giải phóng mặt bằng không phải lúc nào cũng là một công tác dễ dàng.
“Chúng ta sẽ phải trả lời câu hỏi về huy động nguồn lực từ vốn nhà nước, thành phần tư nhân tham gia. Giải quyết bài toán về cơ chế chính sách, lựa chọn nhà đầu tư. Thu hút nguồn vốn phải được thực hiện bằng nhiều hình thức, vốn trong nước hoặc là nguồn vay. Trong tình trạng trần nợ công như hiện nay thì việc vay vốn sẽ phải gặp những khó khăn nhất định”, ông Đông trình bày.
Tại hội thảo, TS Lương Hoài Nam, Nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airline cho rằng trong bao năm qua các cơ quan vẫn đang “loay hoay” với dự án này vì chưa rõ mô hình đầu tư.
“Một dự án đầu tư chỉ thực sự bắt đầu khi mà các yếu tố sau được làm rõ: ai xuống tiền, xuống tiền với tư cách nào? Bao nhiêu tiền? Xuống tiền khi nào và xuống tiền cho những hạng mục đầu tư nào? Khi rõ những vấn đề này và có đủ hành lang pháp lý thì dòng tiền chuyển dịch thì dự án mới bắt đầu”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng nói thêm rằng, hiện nay cách thức triển khai dự án hiện nay giống như đang đầu tư công chứ không phải theo đầu tư công – tư (PPP).
“Dự án sẽ được đầu tư theo phương thức PPP nào chưa rõ. Đó là điểm mà chúng ta cần làm rõ đầu tiên, nếu chưa làm rõ được điểm này thì chưa thể triển khai dự án này. Kể cả vừa rồi chúng ta tổ chức thi thiết kế kiến trúc, đã chọn thiết kế hình hoa sen do nhà thiết kế của Hàn Quốc đề xuất. Thế nhưng với mô hình đầu tư công – tư tới đây nếu có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân trong nước hay nước ngoài chắc gì họ đã ủng hộ phương án mô hình Hoa Sen”, ông Nam thẳng thắn.
Trả lời những thắc mắc trên, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục phó quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng hình thức đầu tư “là bài toán rất khó cần phải làm”. Theo ông quy định về hình thức đầu tư PPP hiện chỉ có ở cấp Nghị định, trong khi nhu cầu vốn từ tư nhân rất cao.
Ông Tuấn cho biết thêm, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp các bộ ngành để trình Chính phủ hồ sơ dự luật về PPP, tuy nhiên nếu thuận lợi cũng phải đến quý 1/2020 mới có thể trình ra Quốc hội.
Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải, Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong nghiên cứu khả thi dự án phải trả lời được những câu hỏi: Nguồn lực lấy từ đâu? Phần nào của tư nhân, phần nào của nhà nước? Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải cũng nhấn mạnh rằng cần có luật PPP để xác định vai trò của các chủ thể tham gia, vì hạ tầng sân bay không chỉ khai thác trong 5, 10 năm mà lên tới vài chục năm.
Diệu Trang
Theo cafeland.vn