Chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm
UBND tỉnh Hưng Yên vừa báo cáo Thanh tra Chính phủ việc thực hiện quy hoạch, xây dựng trung tâm thương mại, chuyển đổi chợ giai đoạn 2007 - 2017. Ảnh minh họa: Nguyễn Nhuần
Sau hơn 9 năm thực hiện các quy hoạch, mạng lưới hạ tầng thương mại chợ, trung tâm thương mại từng bước được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp theo quy hoạch, góp phần phục vụ sản xuất và đời sống, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu khảo sát của UBND tỉnh Hưng Yên, năm 2010, trên địa bàn có 99 chợ. Trong đó, 11 chợ hạng 1; 14 chợ hạng 2 và 68 chợ hạng 3, 6 chợ chưa được phân loại (gồm 4 chợ tạm và 2 chợ đang xây dựng). Đến hết tháng 12/2017, số chợ trên địa bàn tỉnh hiện có là 107 chợ trong đó 11 chợ hạng 1; 11 chợ hạng 2 và 85 chợ hạng 3. Số chợ được chuyển đổi sang doanh nghiệp quản lý và kinh doanh khai thác là 11 chợ.
Năm 2017, có thêm 4 dự án về chợ được chấp thuận chủ trương đầu tư: Đầu tư xây dựng kinh doanh chợ Hiến Nam; đầu tư xây dựng cải tạo chợ Đường Cái; đầu tư xây dựng, sở hữu và kinh doanh chợ truyền thống kết hợp trung tâm thương mại Tiên Lữ; chợ nông sản Văn Giang và khu thương mại dịch vụ.
Mặc dù vậy, theo UBND tỉnh Hưng Yên, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn chưa có cơ sở kinh doanh thương mại đạt tiêu chuẩn là trung tâm thương mại.
Việc thực hiện quy hoạch, xây dựng trung tâm thương mại, chuyển đổi chợ giai đoạn 2007 - 2017 của Hưng Yên còn nhiều tồn tại, khó khăn: Kết cấu hạ tầng thương mại chưa được quan tâm đầu tư, nhất là các chợ dân sinh quy mô nhỏ, cơ sở vật chất thiếu, xuống cấp, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ tổ, ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp quản lý kinh doanh khai thác trên địa bàn tỉnh còn chậm.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, mạng lưới chợ của tỉnh hầu hết là chợ truyền thống có diện tích nhỏ, do thời gian trước đây quản lý không tốt dẫn đến hình thành các khu dân cư bao quanh chợ nên khó mở rộng mặt bằng khi doanh nghiệp đề xuất đầu tư vào kinh doanh khai thác chợ. Trong khi đó, mạng lưới chợ của tỉnh hầu hết là chợ ở địa bàn nông thôn quy mô nhỏ, khả năng sinh lời thấp, vì vậy khó huy động vốn từ các doanh nghiệp đầu tư cho các chợ này.
Đề án Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 20/3/2012 đã xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các nguồn lực xã hội hóa chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ tổ, ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý chợ.
Đến hết tháng 12/2017, trên địa bàn tỉnh có 11 doanh nghiệp quản lý chợ; 1 mô hình kinh doanh hợp tác xã (chợ Xuân Quan, Văn Giang) quản lý kinh doanh và khai thác; có 4 dự án đầu tư kinh doanh chợ và 6 dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, nâng cấp, cải tạo trên nền chợ cũ hoặc xây mới; các chợ còn lại quản lý theo hình thức ban quản lý hoặc khoán cho tổ chức hoặc cá nhân quản lý.
Đối với loại hình tổ chức quản lý là doanh nghiệp, hợp tác xã có nhiều ưu điểm là tổ chức quản lý và kinh doanh chợ theo Luật Doanh nghiệp, hợp tác xã nên việc quản lý kinh doanh trong chợ rất tốt về tổ chức xắp xếp các hộ kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác quản lý tài chính theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, với loại hình tổ chức là ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ chỉ phù hợp với các chợ dân sinh họp theo phiên, theo giờ, những chợ có quy mô nhỏ ở nông thôn. Với mô hình quản lý này có nhược điểm là việc duy tu, nâng cấp công trình trong chợ rất hạn chế nên các công trình trong chợ xuống cấp, công tác quản lý chợ thiếu tính chuyên nghiệp.
Đặc biệt, do trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, hầu hết là chợ hạng 3 ở địa bàn nông thôn, nhiều chợ họp không thường xuyên hoặc theo phiên, các chợ có quy mô, diện tích, bán kính phục vụ nhỏ vì vậy khả năng sinh lời thấp. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm.
Phương Anh (Thanh Tra)
Theo cafeland.vn