Chủ tịch Hà Nội: ‘Không có chuyện điều chỉnh quy hoạch theo ý nhà đầu tư’
Trả lời chất vấn của cử tri, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng không có chuyện Hà Nội điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, điều chỉnh quy hoạch theo ý nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung. ẢNH V.H
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp Hội đồng nhân dân TP lần thứ 9, cử tri Nguyễn Văn Cảo (phường Hàng Bồ) đã chất vấn Chủ tịch UBND TP về việc quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ, thường xuyên thay đổi, bổ sung; tình trạng xây nhiều nhà cao tầng nhưng không mở thêm được đường mới, ít hạ tầng trường học, bệnh viện, mẫu giáo... dẫn đến xung đột, quá tải, tạo ra xáo trộn, ngột ngạt về mặt xã hội.
Để giải quyết vấn đề này, sau đó TP đã phải có giải pháp tình thế như xén vỉa hè, chặt hạ cây xanh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và môi trường của nhân dân.
Cử tri cũng nêu tình trạng bất cập khi TP cho xây dựng các tổ hợp chung cư nhiều tầng ở khu vực chật hẹp, đông dân cư, nhà đầu tư lại xây dựng không đúng với quy định, chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, để lại những hệ quả cho người dân và TP gánh chịu.
Cử tri đề nghị TP cần làm tốt hơn công tác quy hoạch với tầm nhìn xa hơn, không để nhà đầu tư can thiệp, phá vỡ quy hoạch.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định "chúng tôi không điều chỉnh một quy hoạch nào theo lợi ích nhóm hay theo yêu cầu của nhà đầu tư cả”.
Theo ông Chung, việc Hà Nội cắt xén vỉa hè là để tối ưu hóa các tuyến đường giao thông, theo tư vấn của các chuyên gia giao thông cả của Việt Nam và JICA (Nhật Bản).
Chủ tịch TP cũng cho rằng đây là cách các nước vẫn làm, khi mật độ giao thông còn ít và nguồn vốn đầu tư chưa cho phép, sẽ để dải phân cách giữa lớn, sau đó mật độ tăng lên thì xén để đỡ ùn tắc, chứ “không phải không có tầm nhìn hay không thực hiện nghiêm quy hoạch”.
“Ngay như đường Láng, các chuyên gia đã khảo sát rất kỹ, khi TP quyết định đưa đường dành cho người đi bộ vào sát sông Tô Lịch, người lấn chiếm vỉa hè không ngồi được nữa, dải phân cách giữa cũng không gửi xe, cắt tóc được nữa, TP cho trồng hoa, cây xanh vào đấy là đẹp ngay”, ông Chung ví dụ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch TP Hà Nội cũng giải thích về việc ngân sách TP không đáp ứng được yêu cầu đầu tư, chỉ được khoảng 15% tổng nhu cầu, dẫn đến hạ tầng thiếu và tắc nghẽn.
“Xây nhà cao tầng là một xu hướng, mà là xu hướng tất yếu các nước đang làm. Nó cũng hoàn toàn đúng với kế hoạch phát triển đô thị mà Thủ tướng đã phê duyệt. Nhưng nhà đầu tư chỉ làm phía trong hàng rào, còn ngoài hàng rào là TP phải đầu tư mà nguồn lực có hạn nên đang vênh nhau. TP đã phát hiện vấn đề này và đang cố gắng đấu nối các hạ tầng còn khập khiễng để giảm ùn tắc”, theo ông Chung.
Lý giải về việc điều chỉnh quy hoạch, ông Chung cho rằng do trong thực tiễn có những bất cập, để phục vụ cho cuộc sống, trong quá trình quản lý, “chứ không phải do yêu cầu nhà đầu tư”.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 đã chỉ tra thực trạng có điều chỉnh quy hoạch theo ý nhà đầu tư, trong đó có các dự án của Hà Nội. Tại báo cáo này, dự án 8B Lê Trực (Q.Ba Đình, Hà Nội) được dẫn ra như một ví dụ điển hình của việc xây dựng sai giấy phép, không giật cấp để tăng diện tích sàn xây dựng; tự ý tăng chiều cao các tầng. Ngoài ra, một số khu vực như Đầm Bông, Đầm Sòi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng được nêu tên khi quy hoạch xác định là đất cây xanh nhưng hiện tồn tại các khu dân cư. Nhiều dự án đô thị tại Hà Nội triển khai chậm tiến độ do một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, trì hoãn bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để chờ khi có điều kiện mới thực hiện hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, như dự án xây dựng Trường mầm non Vạn Xuân (P.Định Công, quận Hoàng Mai), dự án Phòng khám đa khoa và khu chăm sóc sức khỏe người già tại lô đất CC1.III.11.4 thuộc khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, dự án khu tổ hợp dịch vụ văn phòng bán đảo Linh Đàm tại lô CC2 (mảnh A) tại khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (P.Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai). Điểm đáng lo ngại, theo báo cáo giám sát, là việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện theo đề xuất của nhà đầu tư đã làm thay đổi lớn so với quy hoạch ban đầu, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích người dân như một số dự án của TP.Hà Nội. Điển hình là dự án Tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng tại lô HH1, HH2, HH3 và HH4 lô CC6 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, điều chỉnh chỉ tiêu mật độ xây dựng từ 24,6% lên gần 40%, tầng cao trung bình từ 20,33 tầng lên tối đa 40 tầng; đã biến Linh Đàm từ một “khu đô thị kiểu mẫu” thành nơi rất nhiều người dân phải rút chạy để tránh quá tải cả về hạ tầng, điện nước và trường lớp cho con em đi học. Nêu ví dụ là Hà Nội, báo cáo cho biết, việc xây dựng công trình cao tầng có xu hướng co cụm tập trung vào khu vực trung tâm các đô thị tại TP này, khiến tỷ trọng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lên tới 80%. |
Vũ Hân (Thanh Niên)
Theo cafeland.vn