Chủ đầu tư địa ốc và những nỗi oan từ "trên trời rơi xuống"
Không chỉ tung tin đồn thất thiệt, thổi giá đất cao “ngất ngưởng” khiến cho thị trường địa ốc nhiễu loạn mà nhiều năm trở lại đây, cò đất còn sử dụng những chiêu trò tinh vi hơn để trục lợi tại các dự án chung cư khiến không ít chủ đầu tư phải "chịu trận", thậm chí vướng vào vòng lao lý.
Mạo danh chủ đầu tư rao bán dự án khi chưa đủ điều kiện
Ảnh minh họa (Thu Hà)
Thời gian vừa qua, có không ít trường hợp người mua nhà, đất do không tìm hiểu kỹ thông tin đã sập bẫy của môi giới và cò đất, tiền đã trao nhưng nhà, đất chưa thấy đâu. Đằng sau sự việc này không chỉ có khách hàng bị thiệt mà chính các chủ đầu tư (CĐT) cũng bị ảnh hưởng lớn vì bị dư luận kết tội như rao bán dự án khi chưa đủ điều kiện theo quy định…
Vụ việc chủ đầu tư kêu cứu chính quyền vì dự án gần 270 ha bị bán trộm là câu chuyện hy hữu, gây xôn xao dư luận xảy ra ở Long An hồi tháng 7/2018 vừa qua. Theo đó, vụ việc liên quan đến dự án Khu thương mại, biệt thự và chung cư cao cấp Thái Sơn Long Hậu (Long Hậu, Cần Giuộc, Long An) của Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An.
CĐT này cho biết, thời điểm đó, nhiều trang web và mạng xã hội đã đưa thông tin không chính xác về dự án, gây hoang mang cho khách hàng. Một số thông tin đăng tải có nội dung như "Bán đất nền dự án T&T Thái Sơn Long Hậu, giá chỉ từ 700 triệu đồng/nền",…
Thậm chí còn có hiện tượng một số đơn vị môi giới nhà đất, cá nhân môi giới tự do đã tổ chức phát tờ rơi, dẫn dụ và nhận tiền đặt cọc khách hàng.
Đáng nói, CĐT này khẳng định dự án trên vẫn đang trong giai đoạn triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng nên chưa triển khai bán hàng và chưa chính thức rao bán trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào.
Trước tình trạng trên, Công ty Thái Sơn Long An đã có văn bản báo cáo Sở Xây dựng tỉnh Long An, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hay gần đây nhất, CĐT hai tòa NƠXH NO2 và NO3 thuộc dự án EcoHome 3 tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã phải gửi công văn kêu cứu cơ quan chức năng về tình trạng cò đất xuất hiện rầm rộ, nhận đặt cọc, thu phí làm hồ sơ với mức phí khoảng 40 triệu đồng,… tại dự án.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư này còn gửi công văn đến phường và quận nơi có dự án để đề nghị hỗ trợ tuyên truyền để phòng ngừa việc lợi dụng chính sách về NƠXH để trục lợi, thu tiền sai quy định tại dự án, gây ảnh hưởng đến uy tín của CĐT.
Các thông tin mời chào xuất hiện tràn lan trước khi nhà ở xã hội Ecohome 3 mở bán.
Trong công văn gửi các cơ quan, CĐT nêu rõ: "Hiện chủ đầu tư đang triển khai xây dựng công trình và thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ mua/thuê NƠXH NO2, NO3 theo đúng quy định hiện hành.
Chủ đầu tư không ủy quyền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thực hiện việc hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ mua NƠXH NO2, NO3, cũng như không ký với bất kỳ đơn vị nào để phân phối NƠXH. Chủ đầu tư không thu phí, chỉ hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ tại một địa điểm duy nhất: Tầng 1 tòa E1B, Khu NƠXH EcoHome 1, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội".
Nhái thương hiệu "ông lớn" để bán hàng
Một trong những chiêu thức mới nhất mà một số đơn vị kinh doanh BĐS nhỏ lẻ hiện nay sử dụng đó là mạo danh các thương hiệu uy tín lớn trên thị trường để bán hàng.
Có nhiều "đại gia" bất động sản như Phú Mỹ Hưng, Him Lam Land, GP Invest, Nam Long,… cũng từng rơi vào tình cảnh "dở khóc dở cười" khi bị mạo danh để bán dự án. Các DN này sau đó đã phải lên tiếng để đòi lại quyền lợi cho mình.
Cụ thể, trường hợp xảy ra vào năm 2018, trên mạng Internet có tên miền tranganresidence.com đăng giới thiệu các thông tin và hình ảnh quảng cáo về Dự án Tràng An Residence (149 Trường Chinh) do Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Petrolimex làm Chủ đầu tư.
Tuy nhiên, các hình ảnh được đăng tải trên website này thực chất là những hình ảnh của Dự án Tràng An Complex của Tập đoàn GP Invest và chủ sở hữu website đang sử dụng trái phép những hình ảnh của Dự án Tràng An Complex vào mục đích quảng cáo cho Dự án Tràng An Residence, 149 Trường Chinh.
Trả lời báo chí, đại diện Tập đoàn GP Invest cho biết, việc sử dụng trái phép hình ảnh để quảng cáo là việc làm vi phạm quy định pháp luật và thể hiện sự lừa dối, coi thường khách hàng. Đặc biệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh, thương hiệu của CĐT và dự án.
Hay như tháng 6/2018 vừa qua, Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) cũng đã phát hiện một doanh nghiệp môi giới nhỏ nhái thương hiệu Dự án khu dân cư Him Lam Chợ Lớn tại quận 6 TP HCM. Đặc biệt, trên giao diện của trang quảng cáo này lại để hình Dự án Him Lam Phú An tại quận 9 mà Him Lam Land là chủ đầu tư và đang mở bán.
Cò tự vẽ dự án "trên trời"
Theo giới chuyên gia, các vấn đề thường hay xảy ra tranh chấp nhất giữa chủ đầu tư và cư dân là sai khác giữa các tiện ích mà cư dân được nghe quảng cáo khi mua nhà với thực tế khi nhận nhà.
Nguyên nhân là do hầu hết các dự án đều được bán thông qua các đơn vị phân phối, môi giới mà các đơn vị phân phối chỉ có mục tiêu là bán được hàng nên thường tung hô dự án lên tới trời nhằm câu kéo khách hàng, còn chuyện khách hàng phản ứng thế nào sau khi nhận nhà lại là chuyện của khách hàng và CĐT. Do đó, nhiều trường hợp CĐT cũng "bị vạ".
Trên thực tế, trường hợp cò đất mạo danh CĐT, quảng cáo và tự thêm tiện ích để thu tiền người mua nhà xảy ra rất phổ biến.
Chẳng hạn, dự án không có các tiện ích như công viên, bể bơi,… cũng như không có các khuyến mãi như tặng nội thất, chiết khấu % nhưng đã được cò đất tự ý vẽ thêm để nhằm thu hút người mua, từ đó trục lợi. Đáng ngại hơn, khi khách hành phát hiện ra mình bị lừa thì không ai khác, chủ đầu tư chính là người "chịu trận".
Cụ thể, hồi năm ngoái, Công ty Sơn Kim Land cũng từng rơi phải trường hợp như trên bởi thông tin về dự án khu dân cư ven sông tại Thủ Thiêm ngang nhiên bị quảng cáo rầm rộ trên mạng internet.
Cùng với đó là các gói khuyến mãi "bánh vẽ" như người mua nào đặt cọc giữ chỗ sớm sẽ nhận được nhiều phần thưởng rất có giá trị như xe hơi, điện thoại iPhone X, xe máy SH i150cc,... Thậm chí, giá bán được quảng cáo còn thấp hơn nhiều so với mức dự kiến của chủ đầu tư…
Nhiều DN "chết" vì thủ tục hành chính
Giới chuyên gia cho rằng, một trong những điểm nghẽn gây ảnh hưởng lớn tới thị trường bất động sản (BĐS) chính là thủ tục hành chính (TTHC).
Báo cáo tình hình giao dịch BĐS quý I/2019 của Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARs) cho biết, 3 tháng đầu năm 2019 nguồn cung nhà ở TP HCM khan hiếm mạnh, tổng nguồn cung toàn thị trường nhà ở chỉ đạt 3.482 căn.
Lý giải về tình trạng này, VARs cho biết, từ cuối năm 2018 đến nay, TP HCM đẩy mạnh việc rà soát lại quá trình giao đất, giao dự án nên trong giai đoạn này có rất ít nguồn hàng mới được đưa vào thị trường.
Thực tế, có thể thấy, TTHC quá rườm rà là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường BĐS. Thậm chí, nhiều DN BĐS biết sai nhưng vẫn không thể làm khác hoặc "cố tình" bàn giao nhà khi chưa nghiệm thu PCCC chỉ vì "bất lực" với TTHC...
Mới đây, tại Hội nghị Lãnh đạo TP HCM gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp, một số DN có mặt cho rằng, tiến độ triển khai thủ tục pháp lý tại các dự án quá chậm và đang làm khó các DN.
Tại Hội nghị, CEO CTCP Đầu tư Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) cho biết, Quốc Cường Gia Lai đang có 12 dự án bị ách tắc với tổng diện tích 150 ha.
Trong đó, 3.000 m2 đất ở tại huyện Nhà Bè đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 11/2017 nhưng khi trình đến UBND TP để xin chấp thuận chủ trương đầu tư thì chuyên viên của UBND TP gửi về vì Sở Xây dựng ghi là "cơ bản hoàn thành" chứ không phải là "hoàn thành". Do đó, QCG lại phải xin duyệt lại quy hoạch 1/2000 bổ sung trong khi đã được duyệt quy hoạch1/500…
Ngoài ra, một vấn đề cũng gây rất nhiều bức xúc cho các CĐT địa ốc hiện nay đó là sự chậm trễ trong thủ tục hành chính, đặc biệt là công tác nghiệm thu PCCC của các cơ quan Nhà nước.
Có không ít DN phải thẳng thắn thừa nhận họ đã bàn giao nhà cả chục năm nay mà vẫn chưa thể hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu PCCC do thủ tục lằng nhằng, hồ sơ bị trả về nhiều lần và mỗi lần hoàn thiện phải chờ đợi rất lâu…
"Cuộc chiến" chung cư: CĐT cũng bị yêu sách vô lý
Ảnh minh họa (Nguồn:Tiền Phong)
Có thể nói, năm 2018 là một năm bùng nổ tranh chấp chung cư với "nạn" băng rôn xuất hiện khắp nơi. Hầu hết, mục đích của cư dân trong việc xuống đường căng băng rôn là để đòi quyền lợi và phản đối CĐT. Tuy nhiên, khách quan mà nói, không thể khẳng định 100% các trường hợp tranh chấp này đều do lỗi của CĐT.
Cách đây không lâu, chia sẻ với báo chí, CĐT một dự án ở Hà Nội cho biết, khi dự án của ông vừa tiến hành bàn giao nhà cho khách, cũng vấp phải sự phản đối của các cư dân. Điều đáng nói có những cư dân sau khi chủ đầu tư giải thích đã thông cảm, nhưng sau đó bị lôi kéo, kích động lại tham gia biểu tình, căng băng rôn phản đối tiếp.
Sau đó, phía CĐT có làm việc với vị khách hàng được cư dân cử làm đại diện. Vị này ban đầu rất quyết liệt đòi các quyền lợi cho cư dân. Nhưng sau khi chủ đầu tư xuống nước, anh ta lại yêu cầu trả nhà và khi chủ đầu tư nói sẽ mua lại với giá hợp đồng, thì anh ta không đồng ý, tiếp tục dọa sẽ đấu tranh.
"Khách hàng này đã yêu cầu CĐT mua lại nhưng theo giá thị trường căn hộ của anh ấy. Nhưng vì muốn yên chuyện, nên chúng tôi đành phải đồng ý", vị đại diện CĐT này cho biết.
Tương tự, chia sẻ với báo chí, Giám đốc đối ngoại một dự án khác ở Hà Nội cũng cho biết : "Dự án của công ty tôi vừa đi vào hoạt động, có một nhóm người tự xưng là cư dân đến đấu tranh, sau đó đưa ra yêu sách đòi được bán lại nhà cho chủ đầu tư với giá cao.
Chúng tôi không đồng ý thì họ quay ra đòi được giảm phí, miễn phí chỗ gửi xe và được là một thành viên của ban quản trị".
Cũng một trường hợp khác tại Hà Nội, CĐT một dự án lớn từng bức xúc và phải lên tiếng vì bị vướng phải yêu sách vô lý của một số cư dân.
Chia sẻ với báo chí, CĐT này cho biết: "Có một nhóm cư dân không chịu đóng phí quản lý, vận hành, rải truyền đơn, viết bài trên Facebook yêu cầu cư dân không đóng phí quản lý nhưng mặt khác vẫn đòi hỏi chủ đầu tư phải cung cấp dịch vụ năm sao"…
Thực tế cho thấy, tranh chấp chung cư nổ ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân có thể bắt nguồn từ cả CĐT lẫn cư dân. Có những cư dân hiểu biết nhưng cũng có cư dân vì muốn trục lợi mà cố tình gây khó dễ và làm méo mó uy tín của CĐT cũng như dự án. Do đó, cần phải có cái nhìn khách quan hơn để đảm bảo quyền và lợi ích cho cả cư dân và CĐT.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính minh bạch thông tin cho thị trường BĐS nói chung, các doanh nghiệp BĐS cần tự nâng cao hình ảnh, thương hiệu và có các biện pháp bảo vệ thông tin dự án,… Ngoài ra, khách hàng cũng cần tỉnh táo trước những thông tin quảng cáo thiếu căn cứ để tránh rơi vào tình cảnh "tiền mất tật mang".
Thu Hà (Vietnambiz)
Theo cafeland.vn