Chính quyền mạnh tay với sốt đất
Chỉ trong vòng hơn 1 năm, giá đất Vân Đồn (Quảng Ninh) đã lên đến đỉnh điểm, hàng trăm cò đất có máu mặt tìm mọi cách “bơm” tiền để thổi giá đất lên cao. Người người mua đất, nhà nhà buôn đất. Họ bị quay cuồng trong cơn “sốt” đất đặc khu, người dân bỏ nghề truyền thống để đi cò đất, cán bộ chính quyền bất chấp luật pháp cố ý làm trái để “phù phép” chuyển đổi đất.
Đất rừng cũng được chuyển đổi để làm dự án đón lõng đặc khu. Ảnh: H.D.
Qua một cuộc thanh kiểm tra, hàng chục cán bộ từ huyện đến xã đều dính đến sai phạm về lĩnh vực quản lý đất đai, thậm chí có người còn bị cách chức, điều chuyển công tác. Hàng loạt sai phạm về đất đai bị phát lộ, giới đầu cơ luôn tìm mọi cách để hợp thức hóa và biến những mảnh đất cằn cỗi trở thành những mảnh đất vàng cho một tương lai đặc khu không xa.
Cuối tháng 11/2017, Tiền Phong có dịp quay trở lại Vân Đồn, đây cũng là lúc đỉnh điểm của cơn sốt đất đang hoành hành nơi đây. Đi đến đâu người ta cũng chỉ nói đến chuyện đất, từ đầu ngõ ra đến đường lớn đều có mặt của giới đầu cơ hoặc những ngư dân chất phác phút chốc biến thành cò đất.
Cả Vân Đồn như bị hút vào từ trường của đồng tiền, nhiều người bán tất cả mọi thứ để đi buôn đất. Những vườn đào cổ hàng nghìn gốc nổi tiếng bao đời phút chốc xơ xác, tiêu điều để thay thế cho việc phân lô, chia thửa.
Không chỉ người dân Vân Đồn mà cả chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng không khỏi ngỡ ngàng trước cơn “bão giá” đất đổ bộ vào Vân Đồn nhanh chóng và mạnh mẽ đến vậy. Hàng loạt văn bản chỉ đạo được phía UBND tỉnh phát đi nhằm chấn chỉnh tình trạng loạn giá đất ở Vân Đồn. Hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra đổ dồn về Vân Đồn và cơn sốt đất tạm thời được hạ nhiệt.
Bẵng đi một thời gian, đến tháng 3/2018, giá đất Vân Đồn một lần nữa lại “nhảy múa”. Những cuộc giao dịch chớp nhoáng, những thỏa thuận ngầm trao tay hàng trăm tỷ đồng cho những khu đất được ỉm đi trước đó. Giới đầu cơ lần này dường như thận trọng hơn, họ tìm về các xã đảo để mua những mảnh đất được cho là nằm trong quy hoạch để chờ ngày đặc khu được bấm nút.
Táo bạo hơn, những hòn đảo nằm trong vịnh Bái Tử Long còn được rao bán với giá hơn 500 triệu đồng/ha. Khó hiểu hơn, họ còn lách luật, hợp thức hóa quyền sử dụng đất trên các đảo. Có những hòn đảo được bán đi với giá 100 tỷ đồng cho những đại gia “thừa tiền”, thích chơi ngông.
Không chỉ đất thổ cư, đất trồng cây, vườn tạp, những cánh rừng trồng, thậm chí rừng đặc dụng cũng bị băm nát để biến thành đất xây dựng. Những dự án ì ạch hàng chục năm bỗng chốc hồi sinh một cách kỳ lạ để đầu tư xây dựng. Không phải vì xây dựng theo đề án mà để giành đất đón đầu đặc khu.
Đứng trước cơn bão giá đất Vân Đồn lần 2, ngày 3/5/2018, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đích thân đi thị sát Vân Đồn. Ông Đọc khẳng định sẽ cho tạm dừng mọi giao dịch đất đai để kiểm soát “cơn sốt” đất Vân Đồn. Đây được cho là một động thái đóng băng thị trường bất động sản để kiểm soát tình hình.
“Tạm dừng tất cả các giao dịch chuyển nhượng, tách thửa, việc giao đất cho các tổ chức. Đồng thời, dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là từ đất nông nghiệp, đất rừng, đất thủy sản sang đất khác như đất ở, đất thương mại dịch vụ, thậm chí cả đất rừng. Đối với các trường hợp đặc biệt, địa phương phải báo cáo huyện, tỉnh để có hướng xử lý từng trường hợp”, ông Đọc nói.
Tại buổi làm việc với UBND huyện Vân Đồn, ông Nguyễn Văn Đọc cũng nhấn mạnh: “Dư luận rất quan tâm tới một số thông tin liên quan đến việc quản lý, chuyển đổi mục đích đất rừng không đúng tại huyện Vân Đồn. Về việc này, tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra tất cả các dự án nằm trong diện trên. Nếu phát hiện lợi dụng công tác, công chức cấp xã, các phòng ban của huyện trục lợi, tiếp tay, thậm chí cán bộ tỉnh cũng sẽ bị xử lý nghiêm, tuyệt đối không có vùng cấm”. |
Hoàng Dương (Tiền Phong)
Theo cafeland.vn