Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, trong đợt rà soát hơn 132.000ha đất nông nghiệp đã phát hiện 744ha đất có vi phạm xây dựng. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đánh giá, phân loại vi phạm để đề xuất biện pháp xử lý.
Đối với các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp nhỏ lẻ, xen kẹt nhưng chủ sử dụng đã tự chuyển mục đích sử dụng làm nhà ở, nếu phù hợp quy hoạch và không có tranh chấp sẽ tạo điều kiện cho chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tế tình trạng giải quyết diện tích đất xen kẹt vẫn đang diễn ra rất phức tạp, trong đó có vụ việc ở phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
10 năm ở ổn định không được nhận tiền đền bù
Do không có tiền mua đất thổ cư nên năm 2009, gia đình anh Trương Quang Nhường mua 80m2 đất nông nghiệp của hộ gia đình ông Nguyễn Mạnh Cường ở thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là tổ dân phố số 5, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm), Hà Nội với giá 320 triệu đồng. Diện tích đất này nằm trên thửa đất tiếp giáp với đất thổ cư.
Sau đó, vợ chồng anh xây trên đó một ngôi nhà cấp 4 và sinh sống ổn định từ đó đến nay. Quá trình xây dựng không gặp cản trở gì. Ngôi nhà hiện là nơi tá túc của đại gia đình gồm 2 cặp vợ chồng, các con và bố anh.
Năm 2017 quận Nam Từ Liêm có chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật để bán đấu giá quyền sử dụng đất. Nhân viên Ban quản lý dự án đến đo đạc, thống kê đất đai và tài sản trên đất. Anh Nhường đã đến UBND phường trình bày về trường hợp của gia đình mình.
Tuy nhiên, ngày 18-4 khi nhận được giấy mời đến trụ sở UBND phường họp với tư cách là đối tượng “đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa bàn giao mặt bằng trong chỉ giới giải phóng mặt bằng”, gia đình anh mới biết rằng, số tiền đền bù cho toàn bộ diện tích nhà đất mà gia đình anh đang ở đã được trả cho ông Nguyễn Mạnh Cường.
Trên chính mảnh đất thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Mạnh Cường còn có gia đình ông Lê Văn Sinh cũng xây nhà ở từ năm 2010. Vợ chồng ông Sinh mua đất của ông Cường diện tích 214m2 với giá 590 triệu đồng. Ông Sinh cho biết, đầu năm 2017 ông đã làm đơn đề nghị gửi tới Chủ tịch phường Phương Canh cùng với giấy tờ mua bán đất nhưng không được tiếp nhận đơn mà được hướng dẫn về gặp chủ đất (ông Nguyễn Mạnh Cường).
Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp của anh Nhường, ông Cường cũng đã lấy tiền đền bù giải phóng mặt bằng diện tích đất mà hiện gia đình ông Sinh đang ở. Anh Nhường và ông Sinh đã tìm gặp ông Cường để thỏa thuận số tiền đền bù nhưng không được. Theo phản ánh, ông Cường chỉ đồng trả cho mỗi gia đình một khoản tiền nhỏ (20 triệu đồng) so với số tiền được đền bù.
Bỏ tiền mua đất, xây nhà cả chục năm nay, hai gia đình hy vọng sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, đến nay không những không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà họ còn có nguy cơ mất trắng vì không được nhận đền bù giải phóng mặt bằng.
Ngôi nhà trên diện tích bị thu hồi đất của gia đình anh Nhường (x).
Chính quyền làm ngơ phản ánh?
Tìm hiểu thực tế, phóng viên thấy rằng, trước cửa ngôi nhà của gia đình anh Nhường và ông Sinh là con đường đang được hoàn thiện theo dự án xây dựng hạ tầng cơ sở để đấu giá quyền sử dụng đất. Hai ngôi nhà xây dựng trên đất nông nghiệp nằm tiếp giáp với khu dân cư.
Để có thông tin nhiều chiều, phóng viên đã liên lạc với Chủ tịch UBND phường Phương Canh và được trả lời rằng vấn đề này thuộc thẩm quyền giải quyết của quận. Ngày 22-5, phóng viên tiếp tục trao đổi với Chánh văn phòng UBND quận Nam Từ Liêm, chuyển giấy giới thiệu và nội dung đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến đơn thư kêu cứu. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi về vụ việc này.
Hà Nội vừa rà soát và phát hiện nhiều vi phạm trong sử dụng đất. Một số quận ven đô và huyện ngoại thành vẫn còn nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công như: Đông Anh, Hoài Đức, Hoàng Mai, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Thanh Trì…
Bởi thế, UBND TP đã ban hành Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 31-3-2017 nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề và đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở. Chủ trương của Hà Nội là tạo điều kiện cho các hộ dân chuyển đổi mục đích sử dụng làm nhà ở nếu phù hợp quy hoạch và không có tranh chấp.
Mới đây, trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 5-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tình trạng đất xen kẹt xảy ra nhiều ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đồng ý cho UNBND hai TP này thí điểm giải quyết đất xen kẹt. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đưa ra quan điểm của Bộ là, nếu đất xen kẹt đủ lớn, có thể quy hoạch để thực hiện các công trình công cộng phúc lợi xã hội thì Nhà nước sử dụng làm công trình phúc lợi.
Còn những mảnh đất xen kẹt chưa đủ lớn, nếu liền kề hộ dân nào thì tạo điều kiện cho hộ dân đó chuyển sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở và phải chịu trách nhiệm về tài chính, dĩ nhiên là phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất xây dựng đô thị ở địa phương.
Các hộ dân lo lắng trước nguy cơ trắng tay vì bị thu hồi đất
Đối chiếu chủ trương của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ trương của UBND TP Hà Nội, chúng tôi thấy rằng, UBND quận Nam Từ Liêm hoàn toàn có thể áp dụng để giải quyết nhu cầu nơi ở cho các hộ dân sống trên đất xen kẹt tại phường Phương Canh suốt 10 năm qua. Mặc dù việc mua bán của họ thời gian trước đây là trái phép, việc xây nhà trên đất sản xuất nông nghiệp cũng là không được phép. Nhưng, do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho vi phạm tồn tại kéo dài.
Hơn nữa, gia đình anh Nhường cũng đã có hộ khẩu tại quận Nam Từ Liêm, quá trình triển khai dự án, gia đình anh Nhường, ông Sinh đã trình báo về việc sinh sống trên diện tích đất bị thu hồi. Thế nhưng, khi thu hồi mặt bằng, quyền lợi của các hộ dân này không được xét đến. Điều đó có nghĩa là địa phương đã biết trước nguy cơ sẽ xảy ra tranh chấp mà không có biện pháp ngăn chặn.
Bởi vậy, UBND phường Phương Canh, UBND quận Nam Từ Liêm phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả do sự buông lỏng quản lý này.
Minh Phương (CAND)
Theo cafeland.vn