Chi hàng trăm tỉ đồng để khắc phục hậu quả lấn biển
Trong khi đề xuất lấn vịnh còn đang được cân nhắc, thì tại Đà Nẵng đã có những công trình cải tạo thiên nhiên sai cách bước đầu để lại hậu quả không nhỏ.
Khu đô thị quốc tế Đa Phước đã lấn vịnh Đà Nẵng từ năm 2007. Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê, nhìn nhận khi mở đường Nguyễn Tất Thành đã không lưu ý đến cửa sông Phú Lộc, còn có tên gọi là Khe Thanh Khê cũ.
Vị trí dòng chảy này đổ ra vịnh Đà Nẵng không cố định, nhưng thiết kế đường Nguyễn Tất Thành đã chỉnh lưu dòng chảy, “nắn” dòng đổ ra cầu Phú Lộc hiện tại nên hằng năm đều bị bồi lấp. Để giải quyết, ngân sách chi hàng chục tỉ đồng kè chắn sóng phía biển mà mỹ quan không đạt.
Ở cuối vịnh Đà Nẵng đoạn chân đèo Hải Vân, ngân sách đang phải gánh hơn 140 tỉ đồng để làm dự án đê kè biển Liên Chiểu, vốn bị xâm thực từ 2013 khi công trình xây dựng, cải tạo Kho xăng dầu 83 tiến hành san lấp vịnh Đà Nẵng ra gần 100 m với tổng diện tích hơn 12.000 m2, thuộc tổ 4 và 5 P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu.
Ông Nguyễn Nhường, Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Liên Chiểu, nhận định khi chưa có bờ kè kho xăng dầu, nơi đây là bãi cát, ghềnh đá, giúp tiêu hao bớt năng lượng sóng.
Ông Trương Việt, Chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc, khẳng định việc san lấp đã “ép” dòng chảy đổ sang khu vực bờ biển có nhà dân gây nên tình trạng xâm thực mỗi khi thủy triều dâng.
Khu đô thị quốc tế Đa Phước từ 2007 đã bắt đầu lấn vịnh Đà Nẵng, tổng quy mô bồi lấp 204 ha, kéo dài qua 2 quận Hải Châu và Thanh Khê với 4 phường Thuận Phước, Thanh Bình, Tam Thuận, Xuân Hà. Đến 2011, chủ đầu tư hoàn thành giai đoạn 1, hình thành Khu đô thị quốc tế Đa Phước 29 ha và The Sunrise Bay. Hiện nay Khu đô thị quốc tế Đa Phước 29 ha đã triển khai xây dựng xong phần thô.
Còn dự án The Sunrise Bay quy mô 175 ha đã san lấp được một phần và hiện đang tiếp tục bồi lấp bằng cát từ nơi khác chở đến. Còn nhớ sau cơn bão số 9 năm 2009 gây thiệt hại nặng nề cho tuyến đường Nguyễn Tất Thành dọc vịnh Đà Nẵng, đã có nhiều ý kiến cho rằng việc lấn vịnh làm Khu đô thị quốc tế Đa Phước khiến thiệt hại thêm nặng nề hơn.
Tuy nhiên, thời điểm này, Sở TN-MT TP.Đà Nẵng đã giao Chi cục Bảo vệ môi trường phản hồi thông tin. Theo đơn vị này, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được phê duyệt nhiều cấp, sự hình thành khu đô thị lấn biển không ảnh hưởng đến tự nhiên vì vị trí lấn biển nằm ở bãi bồi trước cửa vịnh Đà Nẵng, bên trong từ lâu đã có bờ kè ngăn dòng chảy từ sông Hàn ra biển nên không gây ảnh hưởng.
Tuy nhiên, khi đề xuất lấn biển của Thanh Khê được đưa ra, dư luận lại đặt vấn đề lo ngại về tác động của khu đô thị này khi lấn biển.
Nguyễn Tú (Thanh Niên)
Theo cafeland.vn