Chây ỳ giao quỹ bảo trì chung cư: Đến lúc cần biện pháp
Thời gian qua có không ít chủ đầu tư cố tình chây ỳ, chậm chuyển trả quỹ bảo trì nhằm tận dụng dòng vốn vào mục đích khác. Đây cũng là nguyên nhân gây bùng phát tranh chấp, khiếu nại kéo dài xảy ra tại hàng chục chung cư trên địa bàn Hà Nội hiện nay và nhằm giải quyết triệt để cần có biện pháp kiên quyết hơn.
Ban quản trị chung cư Starcity Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, Thanh Xuân) được thành lập từ giữa tháng 10-2017. Thế nhưng, chờ đợi mãi vẫn chưa được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại VNECO Hà Nội chuyển trả hơn 30 tỷ đồng quỹ bảo trì. Cực chẳng đã, giữa tháng 3-2018, Ban quản trị đã phải gửi đơn cầu cứu chính quyền các cấp; đồng thời nhiều lần tập trung căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện trách nhiệm theo quy định. Bà Đinh Thị Cẩm Vân - thành viên Ban quản trị tòa nhà cho biết: Nhờ cơ quan chức năng vào cuộc, đến nay phí bảo trì đã được chủ đầu tư chuyển trả; song mới nhỏ giọt chưa đến 10% tổng kinh phí.
Tương tự, cư dân tại Dự án chung cư The Pride (phường La Khê, Hà Đông) cũng vô cùng bức xúc khi chuyển về sinh sống ổn định đã 3 năm nay song chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát vẫn cố tình trì hoãn việc thành lập Ban quản trị.
Tình trạng cư dân “tố” chủ đầu tư chây ỳ bàn giao quỹ bảo trì cũng xảy ra tại chung cư CT3 Trung Văn (phường Trung Văn, Nam Từ Liêm). Sự việc đẩy đến đỉnh điểm khi hai bên không tìm được tiếng nói chung, Ban quản trị đơn nguyên 1 và 3 tòa nhà CT3 đã chính thức đệ đơn lên Tòa án nhân dân quận Tây Hồ - nơi chủ đầu tư đặt trụ sở làm việc.
Điển hình nhất của tình trạng tranh chấp chung cư liên quan đến phí bảo trì phải kể đến chung cư cao cấp Keangnam (phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm). Sau 6 năm kiên trì đấu tranh, chủ đầu tư mới hoàn trả hết 120 tỷ đồng quỹ cho ban quản trị.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn Hà Nội hiện có 688 cụm, tòa nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, mới có 418 tòa nhà thành lập được ban quản trị. Và cũng chỉ có 184 chung cư đã được bàn giao quỹ bảo trì phần sở hữu chung cho ban quản trị; trong đó 11 chung cư mới bàn giao một phần quỹ bảo trì. Hiện có 82 chung cư đang có tranh chấp, khiếu nại.
Thực trạng nhiều chủ đầu tư vi phạm quy định hiện hành về vấn đề trên vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Và mặc dù đã có quy định, song cho đến nay chưa có một chủ đầu tư nào bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Không thể thiếu cơ quan chức năng
|
Chung cư cao cấp Keangnam (phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm), sau 6 năm chủ đầu tư mới trả hết quỹ bảo trì cho ban quản trị. Ảnh: Thái Hiền |
Ông Trần Ngọc Minh - Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Tranh chấp, khiếu nại phát sinh tại các nhà chung cư chủ yếu xoay quanh việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị, bàn giao kinh phí và sử dụng quỹ bảo trì, gây hậu quả trên nhiều mặt. Trong khi đó, vai trò quản lý của chính quyền địa phương ở một số nơi chưa tốt, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa được sát sao.
Trước sự bùng phát ngày càng nhiều tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư trên địa bàn Hà Nội, đầu năm 2018, Sở Xây dựng đã thành lập đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó "ưu tiên" kiểm tra các chung cư có tranh chấp trước.
Ngày 18-6-2018, UBND TP Hà Nội cũng có Công văn 2744/UBND-ĐT yêu cầu các quận, huyện kiểm tra, đôn đốc, xử lý theo quy định những chủ đầu tư chậm triển khai, không thực hiện việc thành lập ban quản trị. Trường hợp chủ đầu tư “om” hay bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì, hồ sơ nhà chung cư…, UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện căn cứ thẩm quyền và quy định pháp luật xử lý hành vi vi phạm; đồng thời lập danh sách theo dõi để báo cáo UBND thành phố xem xét năng lực nhà đầu tư khi giải quyết đề xuất đầu tư các dự án khác trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo, UBND các quận, huyện đã tổ chức tập huấn cho các ban quản trị nhà chung cư và lên kế hoạch kiểm tra, xử lý các vi phạm của chủ đầu tư.
Nói về kết quả kiểm tra thời gian vừa qua, ông Trần Ngọc Minh cho biết, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND thành phố ban hành các văn bản yêu cầu chủ đầu tư thực hiện bàn giao theo quy định. Đến nay, đã có các chung cư 250 Minh Khai (Hai Bà Trưng), Hemisco Phúc La (Hà Đông), Keangnam (Nam Từ Liêm) thực hiện bàn giao xong quỹ bảo trì. Sở Xây dựng đang tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư của các chung cư: CT1, CT3 Khu đô thị Trung Văn, C14 - Bắc Hà (Nam Từ Liêm), CT5AB, CT4 Văn Khê (Hà Đông)... thực hiện bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị. “Trường hợp chủ đầu tư cố tình không thực hiện, Sở Xây dựng sẽ báo cáo UBND thành phố ra quyết định cưỡng chế theo quy định pháp luật” - ông Minh khẳng định.
Theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở: Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn, ban quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao. Sau thời hạn 7 ngày kể từ khi UBND cấp tỉnh, thành phố có quyết định yêu cầu bàn giao quỹ bảo trì mà chủ đầu tư vẫn không chấp hành thì sẽ cưỡng chế qua tài khoản của chủ đầu tư. Sau 3 ngày, tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản sẽ cưỡng chế, chuyển tiền của chủ đầu tư cho ban quản trị chung cư. Nếu phương án cưỡng chế qua tài khoản không thành, UBND tỉnh, thành phố sẽ cưỡng chế qua tài sản. |
Dạ Khánh (Hà Nội Mới)
Theo cafeland.vn