Cháy chung cư, dân chỉ biết trông mong vào sự may rủi
Thiếu lối thoát hiểm, không có đường dành cho xe cứu hỏa, dụng cụ chữa cháy hỏng, không được diễn tập PCCC…là thực trạng tại nhiều chung cư cũ ở TPHCM.
Sinh sống trong căn hộ ở tầng 5 của chung cư Nguyễn Thị Nghĩa, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Hồng tỏ ra lo lắng về hiểm họa cháy nổ khi hệ thống phòng cháy chữa cháy ở đây không được đảm bảo. Chung cư chị ở cao 7 tầng, không có thang máy, chỉ có một cầu thang bộ là lối lên xuống hàng ngày và cũng là lối thoát hiểm duy nhất của cư dân.
Chị Hồng cũng cho biết, hệ thống phòng cháy chữa cháy thì cũ, hư hỏng, để đó cho có, không dùng được. Thêm vào đó, chung cư chỉ có lối thoát duy nhất ra ngoài ở tầng trệt nhưng nơi đây lại làm bãi giữ xe, chiếm hết lối đi. Hệ thống dây điện, cáp viễn thông chằng chịt từ tầng cao xuống bãi giữ xe là mối đe dọa cho hàng trăm hộ dân ở đây khi xảy ra sự cố cháy nổ.
Tương tự, nhiều chung cư khác trên địa bàn thành phố như: Chung cư Nguyễn Thái Bình (quận 1), Chung cư Bình Minh (quận Thủ Đức)... cũng không có hệ thống báo cháy tự động. Các hộp đựng dụng cụ chữa cháy hư hỏng, nhiều bình chữa cháy mini cũ, không còn sử dụng được.
Ban quản lý chung cư An Lạc kiểm tra trụ nước PCCC.
Mặc dù được xây mới hơn và đi vào hoạt động gần 10 năm nay, nhưng hiện tại các thiết bị phòng cháy chữa cháy ở tòa nhà chung cư An Lạc ở quận Bình Tân đã bị xuống cấp. Hệ thống ống dẫn cứu hỏa bị hư hỏng, hệ thống báo cháy đã cũ nên thường xuyên xảy ra tình trạng báo ảo, và đặc biệt không có lối vào cho xe cứu hỏa khi xảy ra sự cố.
Do vậy, hiện nay Ban quản lý chung cư An Lạc thường xuyên tổ chức kiểm tra các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và tập trung tuyên truyền các cư dân nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ.
“Lo ngại nhất là ý thức của cộng đồng cư dân, chúng tôi ở đây thì cũng có tuyên truyền nhưng không phải ai cũng được tiếp cận. Nhận thức của người dân là quan trọng nhất. Chúng tôi đã liên hệ với phường, quận, phòng cháy chữa cháy, đầu tháng tới chúng tôi sẽ tổ chức một buổi tập huấn, diễn tập cho cộng đồng cư dân mang tính chất tuyên truyền cho cộng đồng biết tầm quan trọng trong công tác phòng chống cháy nổ”- Anh Phan Văn Khiết, Trưởng Ban quản lý Khu chung cư An Lạc, Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Qua tìm hiểu thực tế tại Khu chung cư An Lạc cũng như nhiều chung cư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, hệ thống Phòng cháy chữa cháy chỉ mang tính hình thức. Các căn hộ cao tầng, dù được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy, nhưng khi xảy ra sự cố thì người dân không biết cách sử dụng hoặc thiết bị không sử dụng được. Do vậy, vấn đề tổ chức tập huấn và tuyên truyền cho người dân thành thạo cách sử dụng trang thiết bị phòng cháy chữa cháy khi có sự cố xảy ra là rất cần thiết.
Cháy chung cư Carina khiến người ta giật mình nghĩ tới công tác PCCC.
Kết quả kiểm tra của lực lượng phòng cháy chữa cháy trong thời gian gần đây cho thấy, hầu hết chung cư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều tồn tại nhiều thiếu sót như: các hộp gen kỹ thuật điện giữa các tầng chưa được xây kín để chống cháy lan ra khu vực xung quanh; thiết bị chiếu sáng có sự cố, biển chỉ dẫn thoát nạn tại hành lang bị hư hỏng; lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chung cư chưa được huấn luyện cấp lại giấy chứng nhận theo thông tư 66 của Bộ Công an; hệ thống báo cháy tại chung cư bị hư hỏng không hoạt động.
Đồng thời, các chung cư cũng chưa lập hồ sơ quản lý phòng cháy chữa cháy; ban hành nội quy không phù hợp với tính chất đặc biệt nguy hiểm đối với cháy nổ của chung cư; chưa tiến hành đo điện trở nối đất cho hệ thống chống sét theo quy định; bố trí sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông cản trở lối thoát hiểm...
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 120 vụ cháy, làm chết 15 người, bị thương 32 người. Trong đó đặc biệt nghiêm trọng là hỏa hoạn xảy ra ở chung cư Carina (phường 16, quận 8) khiến 13 người tử vong.
Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền về công tác phòng chống cháy nổ, nhưng số vụ cháy vẫn thường xuyên xảy ra và hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ngành chức năng phải nêu cao vai trò, trách nhiệm trong phòng chống cháy nổ. Đồng thời, các địa phương phải đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy” trên địa bàn.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Phải tăng cường thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư xây dựng. Chúng ta cũng phải thường xuyên kiểm tra giám sát các quá trình vận hành. Các chung cư cũng phải thường xuyên có cái diễn tập. Nếu không diễn tập được thì cũng phải có hướng dẫn phòng cháy chữa cháy cho bà con”.
Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ tại các chung cư, nhà cao tầng là do việc đảm bảo an toàn cháy nổ bị xem nhẹ. Đã vậy, khi xảy ra sự cố cháy, hầu hết người dân hoảng loạn, mất bình tĩnh, không có kinh nghiệm để ứng phó.
Để hạn chế thấp nhất những sự cố cháy nổ xảy ra, các ngành chức năng cần có những phương án xử lý mang tính răn đe đối với những tòa nhà cao tầng không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, siết chặt việc cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình, phải đảm bảo hệ thống chữa cháy đúng quy định.
Tiến Dũng- Vinh Quang (VOV)
Theo cafeland.vn