Chao đảo trong cơn sóng đất đặc khu
– Thông tin ba khu vực Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong được quy hoạch thành đặc khu kinh tế là nguyên nhân chính khiến giá đất tại đây liên tục biến động. Trong những tháng đầu năm 2018, cơn sốt đất lên đến đỉnh điểm, khiến thị trường chao đảo.
Những tháng đầu năm 2018, cơn sốt đất bùng phát mạnh tại những khu vực dự kiến xây dựng đặc khu kinh tế
Từ thực địa… đến nghị trường Quốc hội
Với nhiều lợi thế tiềm năng, Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) từ lâu đã nằm trong kế hoạch xây dựng thành các đặc khu kinh tế của Việt Nam. Và cũng từ đây, mỗi khi có thông tin về đặc khu thì ngay lập tức giá đất tại những khu vực này nhảy múa.
Những tháng đầu năm 2018, trong khi Quốc hội vẫn đang bàn thảo dự Luật đặc khu thì “cơn cuồng phong” mua bán đất thực sự đã càn quét Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong.
Tại đảo ngọc Phú Quốc, cơn sốt đất biến động đến mức khó tưởng tượng. Dòng người đầu tư tấp nập đổ về khiến giá đất liên tục thay đổi theo từng ngày, thậm chí từng giờ.
Giá đất được đẩy lên cao ngất ngưởng, đến nỗi người dân địa phương cũng không thể tin nổi. Một người dân Phú Quốc cho biết, miếng đất mua cách đây 3 năm với giá 800 triệu đồng, nay đã có người muốn mua với giá 18 tỉ đồng.
Những ngày cao điểm, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Quốc phải đón tiếp hàng trăm người, chủ yếu đến thực hiện các thủ tục về đất đai như mua bán, sang nhượng.
Giá đất Phú Quốc tăng cao đã khiến cho tình trạng tự ý phân lô bán nền bùng phát. Một số đối tượng còn chiếm dụng đất rừng, đất nông nghiệp để bán kiếm lời. Thậm chí, tình trạng “giang hồ” xuất hiện, kiếm lời từ bảo kê đất đai cũng xuất hiện tại hòn đảo thanh bình này.
Tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong giá đất cũng biến động liên tục tạo thành đợt sốt nóng tương tự Phú Quốc.
Để ngăn chặn tình trạng các đầu nậu thao túng gia đất, chính quyền các địa phương Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong buộc phải ban hành các văn bản cấm chuyển nhượng, phân lô bán nền tạm thời.
Cơn sốt đất tại các địa phương sẽ trở thành đặc khu cũng hâm nóng nghị trường trong kỳ họp thứ 5- Quốc hội khoá XIV vừa qua.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về vấn đề sốt đất 3 nơi đang dự kiến sẽ là đặc khu, bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, một khi có nhiều người kỳ vọng, đổ xô vào đầu tư thì sốt đất là đương nhiên.
Theo Bộ trưởng Hà, ở Vân Đồn, Phú Quốc hay Bắc Vân Phong, dù đã có chỉ thị hành chính nhưng người dân vẫn giao dịch ngầm. Việc UBND 3 địa phương trên ra chỉ thị dừng chuyển nhượng đất đai là đúng, song nội dung chỉ thị lại không phù hợp pháp luật.
Bộ trưởng Hà cho rằng, muốn quản lý khả thi phải có cơ chế, quy chế đặc biệt, như ban hành Nghị quyết của Quốc hội, có quy định mang tính đặc thù quản lý đất đai, rộng hơn phải có quy định trong Luật Đất đai.
Lùi thời hạn, nhà đầu tư tháo chạy
Mặc dù được chờ đợi, nhưng dự thảo Luật đặc khu vẫn còn nhiều tranh cãi. Trong đó, quy định về thời hạn cho thuê đất lên đến 99 năm được quan tâm hơn cả.
Cụ thể, Khoản 1, Điều 32 về quản lý và sử dụng tại đặc khu được quy định trong dự thảo luật: thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư. Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Tranh luận lại nội dung này, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể đại diện cho thế hệ 100 năm nữa không?”
Theo ông Quốc, nói đến đặc khu, đừng bỏ quên 2 yếu tố, thứ nhất là thử nghiệm, thứ hai là chính trị. “Chỉ có nhà đầu tư, đầu cơ bất động sản mới cần thời hạn 99 năm”, ông Quốc nói và đề nghị cần đặc biệt thận trọng.
Do vẫn còn nhiều điểm cần nghiên cứu nên tại kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội đã thống nhất lùi thời hạn thông qua Luật đặc khu. Quyết định này đã ngay lập tức tác động đến cơn biến động giá đất tại Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong.
Thị trường ở những khu vực này đã nhanh chóng hạ nhiệt, bắt đầu xuất hiện tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ của các nhà đầu tư. Hoạt động, môi giới bất động sản cũng không còn sôi động như lúc trước.
Theo một chuyên gia bất động sản, việc các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các đặc khu là điều dễ hiểu khi dự thảo luật đặc khu chưa được thông qua. Phần lớn những người đầu tư này đều là nhà đầu tư lướt sóng nên họ sẽ không muốn chôn vốn lâu dài. Trong số đó có không ít người dùng nguồn vốn từ vay ngân hàng nên buộc phải thoát hàng để tránh gánh nặng lãi suất.
Vị chuyên gia này cho rằng, thị trường hạ nhiệt là điều tốt cho người dân tại các khu vực đó và thị trường bất động sản.
“Bất động sản sẽ trở về đúng với giá trị thật của nó. Không còn hiện tượng sốt ảo, bong bóng nữa. Tình hình an ninh trật tự liên quan đến đất đai cũng không còn phức tạp như trước đây”, chuyên gia này cho biết.
Lúc 8h30 ngày 29/6 tới, Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand sẽ tổ chức Hội thảo “Sốt bất động sản – Cơ hội và rủi ro” tại Royal Hotel Saigon – 133 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia: PGS, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao, CBRE Việt Nam Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng Từ năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản đã phục hồi mạnh mẽ. Giá nhà đất và thanh khoản đều tăng mạnh. Tại TP.HCM, cơn sốt bất động sản diễn ra khắp nơi và lan ra các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cơn sốt còn lan đến các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Định, Quảng Ngãi và đặc biệt là 3 khu vực được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế: Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong. Năm 2018, theo chu kỳ phát triển của thị trường trong quá khứ thì đây chính là năm thị trường bất động sản Việt Nam đạt đỉnh. Không chỉ ở những nơi có quy hoạch hay được đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, trên thực tế giá đất nhiều nơi đã có mức tăng đột biến. Những dấu hiệu đó cho thấy, có thể bong bóng bất động sản dường như đã hình thành. Tại Hội thảo “Sốt bất động sản – Cơ hội và rủi ro”, các chuyên gia sẽ đưa ra những phân tích, đánh giá một cách toàn diện về bối cảnh kinh tế, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới từ đó chỉ ra những rủi ro và cơ hội khi thị trường đang biến động không ngừng. Hội thảo được tổ chức với sự đồng hành của Công ty cổ phần dịch vụ bất động sản Danh Khôi Việt (DKRV) và Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Corp). |
Trần Phong
Theo cafeland.vn