Cầu vượt phải "cấp cứu", chi 29 tỷ để giảm người
Vừa mới thông xe chưa được 48 tiếng, cầu vượt qua nút giao thông Mỹ Thủy đã phải rào đường để sửa hiện tượng sụt lún.
Tình trạng sụt lún trên đường dẫn lên cầu vượt qua nút giao thông Mỹ Thủy.
Như vậy cầu vượt nút giao thông Mỹ Thủy (Quận 2, TPHCM) vừa đóng góp thêm một “kỷ lục” mới cho ngành giao thông nước ta, đó là cầu vượt bị sụt lún nhanh tới mức chưa đầy 48 tiếng sau khi thông xe đã phải rào một phần đường lại để “cấp cứu”, sửa chữa gấp.
Đoạn sụt lún, trồi nhựa, gồ cao 20cm, kéo dài hơn 10m, nằm ở cả 2 làn ôtô ngay dốc lên cầu vượt Mỹ Thủy, theo hướng từ Quận 2 đi Quận 7 gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Vì thế ngay trong sáng 1/7, rất nhiều kỹ sư, công nhân cùng phương tiện, xe cơ giới… được tập kết ngay đầu cầu vượt trên đường Võ Chí Công để thi công khắc phục sự cố này.
Thật là khó tưởng tượng, “sự cố” xảy ra nhanh quá mức cho phép. Xe cộ vừa phấn khởi chạy trên con đường mới thông xe chưa đủ 48 giờ đã sụt lún, đường nứt nẻ ra phải rào lại một phần để sửa chữa. Đơn vị thi công thì giải thích: “vì chưa hoàn thiện cao độ đúng như thiết kế do quá trình thi công gặp khó khăn bởi mật độ xe cộ lưu thông đông đúc”.
Kỳ lạ thật. Nếu chưa hoàn thiện đúng độ cao như thiết kế thì tại sao không làm cho đúng chuẩn rồi hãy thông xe? Tại sao cho thông xe để rồi nhanh chóng rào lại sửa chữa, thời gian thi công mất 45 ngày? Liệu đó có phải sự thật hay chỉ là lý do đưa ra để ngụy biện cho việc chất lượng công trình kém, vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng ngay?
Công nhân, xe cơ giới... được tập kết để tiếp tục thi công cầu vượt nút giao thông Mỹ Thủy. Ảnh: Dân trí
Chuyện này ở nước ta cũng không lạ. Việc công trình vừa khánh thành đã hỏng, hoặc đưa vào sử dụng ít lâu thì hỏng đã trở thành “chuyện thường ngày”, vấn đề chỉ là công trình nào hỏng mau hơn mà thôi.
Một chuyện khác, cũng gây xôn xao không kém. Đó là chuyện tỉnh Thanh Hóa đã phải chi ra 29 tỷ đồng để tinh giản biên chế được 214 người. Theo đó, thông tin trên báo chí cho biết, trong đợt 2 năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định về việc phê duyệt số lượng tinh giản biên chế đối với 214 người, theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, của Chính phủ.
Trong đó, 51 người thuộc khối hành chính (cấp tỉnh 3 người; cấp huyện 8 người; cấp phường, xã 40 người); khối sự nghiệp công lập trong biên chế được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí là 159 người (cấp tỉnh 13 người, cấp huyện 146 người); khối đảng, đoàn thể 4 người.
Trong đó, dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế cho 198 người nghỉ hưu trước tuổi là hơn 26,6 tỷ đồng; kinh phí cho thôi việc ngay đối với 16 người là gần 2,3 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện được trích từ nguồn cải cách tiền lương trong dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2018 và một phần của năm 2017 chuyển sang.
Như vậy là để tinh giản biên chế cũng không dễ, rất tốn kém tiền ngân sách, bởi chỉ để giảm được 214 cán bộ công chức, ngân sách để trả lương cho toàn tỉnh bị thiệt hại 29 tỷ đồng.
Ai được hưởng lợi nhất từ việc biên chế phình to và ngân sách phải chi trả tiền để xử lý hậu quả của việc này?
Đó chính là những vị cán bộ có chức quyền đã phóng tay ký nhận người vào biên chế mà chẳng cần biết quỹ lương ốm yếu ra sao. Bởi nhiều vụ việc bị phát giác đã cho thấy, việc nhận người như thế đều có khoản tiền “lót tay” gọi là “tiền chạy việc”. Tiền đó sẽ vào túi ai, câu hỏi không khó trả lời.
Và cuối cùng người dân “thiệt đơn thiệt kép”. Bởi người dân phải đóng thuế để có tiền ngân sách chi trả lương cho cán bộ công chức, khi biên chế phình to, họ lại mất thêm tiền để giải quyết hậu quả.
Mi An (Báo Đất Việt)
Theo cafeland.vn