Cấp thiết trang bị phương tiện PCCC hiện đại
Sau sự cố hỏa hoạn tại chung cư Carina, an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho các tòa nhà cao tầng đang là vấn đề nóng. Đó là sự thiếu kiểm tra, kiểm soát của đơn vị vận hành; buông lỏng quản lý nhà chung cư; các phương tiện chữa cháy không đáp ứng…
Nhằm khắc phục tình trạng này, TPHCM và Hà Nội đã ban hành chỉ thị để tăng cường việc PCCC. Tất nhiên, câu chuyện đối phó với bà hỏa cho dù có chuẩn bị tới đâu đi nữa cũng không bao giờ thừa.
Do vậy, điều đang được dư luận thắc mắc nhiều nhất là tại sao tầm với của thang chữa cháy hạn chế, nhưng lại cấp phép xây dựng cho những tòa nhà có chiều cao gấp nhiều lần? Nếu hỏa hoạn xảy ra sẽ ứng phó như thế nào?
Mới đây, tại cuộc họp với các cơ quan chức năng, thông tin về thang PCCC được các cơ quan chức năng công bố, khả năng đảm bảo của thang là tới tầng 18 của tòa nhà, thêm điều kiện là đường vào cứu hỏa rộng rãi, có sân bãi…
Còn nếu những cao ốc khoét lõm, vấn đề chữa cháy sẽ rất khó khăn! Theo quy định hiện nay, thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh, thành như TPHCM là thẩm định thiết kế đối với tòa nhà có quy mô dưới 25 tầng, chiều cao không quá 75m.
Trường hợp quy mô và chiều cao lớn hơn thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Xây dựng. Mặc dù quy chuẩn về PCCC yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt, việc thiết kế, vận hành theo đúng tiêu chuẩn, nhưng trên thực tế kiểm tra lại phát hiện nhiều lỗ hổng.
Đặc biệt, cách nay 2 năm trong một hội thảo về PCCC, lãnh đạo Cảnh sát PCCC TPHCM đề xuất giải pháp trước mắt là điều chỉnh lại vài quy chuẩn, tiêu chuẩn về yêu cầu PCCC đối với một số công trình nhà ở chung cư. Lâu nay, đối với tòa nhà cao hơn 23 tầng, phải xây dựng lối thoát hiểm và thang máy dành riêng cho việc cứu nạn và chữa cháy.
Tuy nhiên, đối với công trình chung cư cao trên 100m, cần phải xây dựng các tầng lánh nạn, bãi đậu trực thăng để phục vụ công tác PCCC. Đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng cho rằng, mặc dù TP đã trang bị nhiều phương tiện hiện đại để chữa cháy nhà cao tầng như xe thang PCCC, nhưng trong thực tế nếu xảy ra cháy thì có thể tầm với sẽ thấp hơn, do khó tiếp cận mục tiêu.
Do đó, để thực hiện tốt công tác PCCC cho các tòa nhà cao tầng nên trang bị máy bay trực thăng chữa cháy và các phương tiện chữa cháy hiện đại cho Sở Cảnh sát PCCC.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng lại cho biết, do chưa có tiêu chuẩn về bãi đáp trực thăng cho chung cư nên chủ đầu tư phải áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài. Hơn thế, việc xây bãi đáp chỉ dùng để cứu nạn, cứu hộ, còn việc chữa cháy rất khó khăn.
Từ các thông tin của cơ quan chức năng quanh câu chuyện PCCC và việc cấp phép tràn lan xây dựng các tòa nhà cao trên 30 tầng, có thể thấy việc trang bị thêm thiết bị hiện đại cho PCCC là việc cấp thiết! Không thể cứ cấp phép xây 30 - 50 tầng cho các cao ốc, nhưng khi xảy ra sự cố, thang PCCC không với tới, máy bay trực thăng PCCC chưa có.
Một giải pháp đang được đề cập là cần thường xuyên trang bị kỹ năng PCCC và nâng cao ý thức cho cư dân sinh sống trong các nhà cao tầng, đặc biệt kiểm soát chặt trách nhiệm của đơn vị xây dựng và quản lý, vận hành nhà cao tầng trong PCCC. Đó là kinh nghiệm xương máu sau sự cố Carina.
TPHCM phát triển hết sức năng động, đất chật người đông, dân số đã lên 13 triệu người, dù muốn hay không, nhà cao tầng buộc phải là lựa chọn số một trong an cư cũng như làm việc.
Hiện nay, TPHCM xuất hiện nhiều tòa nhà chọc trời, cái sau cao hơn cái trước. Trước đây, tòa nhà Bitexco 68 tầng là một biểu tượng, thì nay tòa nhà The Landmark 81 tầng đang hoàn thiện.
Do đó, việc nâng cấp trong quy chuẩn PCCC là cực kỳ cần thiết và cấp bách, mua sắm các trang thiết bị tối tân dành cho cảnh sát PCCC phải là ưu tiên hàng đầu. Bởi, với mong muốn phòng chống đạt hiệu quả cao thì ngoài sự chủ động của con người, còn cần phải có sự hỗ trợ của các công cụ hiện đại.
Lương Thiện (SGGP)
Theo cafeland.vn