Cần hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh quy hoạch dự án
Có một thực tế hiện nay là việc cấp phép triển khai một dự án là rất khó khăn, nhưng để thay đổi, bổ sung quy hoạch dự án lại khá “thoáng”, khiến một số chủ đầu tư lợi dụng thay đổi quy hoạch, tăng mật độ xây dựng tràn lan, ảnh hưởng xấu đến bộ mặt đô thị.
Khó xin giấy phép triển khai…
Hiện nay, một dự án để được cấp phép phải đáp ứng rất nhiều quy định tại các văn bản pháp luật như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch đô thị… và vô số thông tư, nghị định đi kèm.
Cụ thể, để tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng cho dự án, trước hết doanh nghiệp cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ bao gồm một số giấy tờ, tài liệu như: Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng; Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư của chủ dự án đầu tư; Bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công các công trình xây dựng đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng…
Không ít lần các doanh nghiệp thẳng thắn nói rằng, thủ tục cấp phép dự án quá nhiêu khê, doanh nghiệp bị “hành” ở nhiểu cấp, việc cấp phép diễn ra rất mất thời gian, tiền bạc và công sức.
Theo quy định, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên, người nộp hồ sơ sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa Phòng Quản lý và cấp phép xây dựng thuộc Sở Xây dựng tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Xây dựng tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sẽ trả giấy phép xây dựng nếu hồ sơ hợp lệ hoặc ra văn bản từ chối cấp giấy phép xây dựng nếu hồ sơ không hợp lệ.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, không phải dự án nào cũng nhận được câu trả lời “đúng theo tiến độ”.
“Có những dự án khiến doanh nghiệp phải mất 3 năm mới hoàn tất được hồ sơ pháp lý, lúc này thì cơ hội thị trường đã qua từ lâu”, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết.
…Nhưng dễ sửa đổi
Theo quy định hiện hành, để thay đổi quy hoạch một dự án, chủ đầu tư chỉ cần trình đề án thay đổi quy hoạch lên cấp có thẩm quyền duyệt dự án đó và một vài cơ quan liên quan khác. Quá trình điều chỉnh quy hoạch đã lược bỏ nhiều bước so với khi duyệt quy hoạch như xem xét thay đổi đó có phù hợp với quy hoạch của vùng, địa phương, vượt qua đánh giá tác động về dân số, về môi trường, về giao thông…
Tận dụng “lỗ hổng” này, nhiều chủ đầu tư đã ra sức làm “đẹp” cho dự án sau đó xin điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng diện tích, bớt tiện ích để tối đa hóa lợi nhuận.
Đơn cử, việc điều chỉnh quy hoạch tại Chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, TP.HCM), do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư khiến những cư dân ở đây rất bức xúc.
Ban đầu, dự án được cấp phép xây dựng chỉ 232 căn hộ, nhưng sau đó chủ đầu tư chia nhỏ diện tích để tăng lên 289 căn, tức thêm 57 căn. Sau đó, chủ đầu tư chia nhỏ căn hộ lần hai thêm 49 căn hộ và cuối cùng, Công ty Khang Gia chia nhỏ thêm 71 căn nữa. Như vậy, sau 3 lần chia nhỏ, số căn hộ từ 232 căn đã lên đến 409 căn, có nghĩa là gần gấp đôi.
Tại hội nghị nhà chung cư diễn ra vào đầu tháng 5/2018, nhiều cư dân Chung cư Khang Gia Tân Hương cho rằng, chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế, tăng số lượng căn hộ gây ảnh hưởng đến hệ thống kỹ thuật hạ tầng chung cư như hệ thống chịu lực, tiêu thoát, thang máy, điện nước…, làm mất giá trị tòa nhà và làm ảnh hưởng vật chất của người đã mua căn hộ trước đó.
Tương tự, vụ việc xảy ra tại Chung cư Samland Riverview (quận Bình Thạnh, TP.HCM) do Công ty cổ phần Địa ốc Sacom (Samland) làm chủ đầu tư khiến cư dân mua nhà ở đó có cảm giác như bị lừa.
Khi tư vấn và ký hợp đồng mua bán, khách hàng được chủ đầu tư cam kết dùng tầng thượng chung cư làm khu vực tiện ích cho cư dân vui chơi giải trí như sân chơi trẻ em, tập gym, cà phê...
Tuy nhiên, sau một thời gian xây dựng, khu vui chơi giải trí đâu không thấy, thay vào đó là 3 căn hộ dạng penthouse mọc lên chiếm gần hết diện tích tầng thượng. Lối thoát hiểm chung cư ở khu vực tầng thượng cũng từ đó mà bị “xóa sổ”.
Nhìn nhận về “vấn nạn” điều chỉnh quy hoạch, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho rằng, tạo thuận lợi cho sự phát triển của các chủ đầu tư là đúng, nhưng nếu quá ưu ái quyền lợi của nhà đầu tư so với việc bảo vệ cảnh quan đô thị và tiện ích của người dân, thì quy hoạch chung sẽ càng ngày càng mất cân đối, không bảo đảm được sức tải của không gian đô thị.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, đây là một “lỗ hổng” về việc quản lý nhà nước. Do đó, cần có sự nghiên cứu sửa đổi để các quy định đảm bảo triển khai đúng quy hoạch dự án đã được phê duyệt, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh.
Việt Dũng (Báo Đầu tư Bất động sản)
Theo cafeland.vn