Cần “đòn bẩy” cho bất động sản xanh
(PLO)- Theo thống kê, hiện cả nước mới chỉ có khoảng 60 dự án được công nhận là công trình xanh.
Tại tọa đàm “Bất động sản xanh: Trào lưu hay xu thế?” do Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức ngày 20-9 tại TP.HCM, Giáo sư Đặng Hùng Võ , Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tư tưởng phát triển xanh đã trở thành một xu thế tất yếu ở các nước phát triển trên thế giới. Hàng loạt các giải pháp và tiêu chuẩn về công trình xanh đã được ghi nhận rất cụ thể để dần tiến đến tái tạo năng lượng ngay tại chỗ ở, hạn chế dùng năng lượng sản xuất.
Như ở Singapore, ngay cả nhà ở xã hội cũng yêu cầu phải đáp ứng một tỷ lệ xanh nhất định theo như quy định. Thế nhưng ở Việt Nam, bất động sản xanh vẫn còn ở dạng trào lưu nhất thời. Hiện ở Việt Nam đã hình thành một số dự án với triết lý phát triển xanh khá kiên định như Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM hay Ecopark ở Hà Nội. Các đơn vị này đã lựa chọn khu đất hợp lý về giá trị để có đầu tư xanh hợp lý, phát triển hạ tầng kết nối để nâng cao giá trị.
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần hỗ trợ các điều kiện, có các tiêu chí để bất động sản xanh phát triển
“Đây là điều rất tốt, song xét kỹ thì những dự án này cũng mới chỉ đảm bảo diện tích cây xanh mặt nước, mang đến môi trường xanh cho người dân, còn những yếu tố khác về năng lượng, sử dụng nguồn nước thì chưa thể gọi là đạt chuẩn”, ông Võ nói và cho biết thêm, số lượng công trình xanh ở Việt Nam còn hạn chế vì các tiêu chí bất động sản xanh gần như chưa có. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư nhiều hơn làm giá thành cao hơn cũng gây áp lực lên cả nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Là một doanh nghiệp trực tiếp phát triển các dự án bất động sản xanh, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Corporation cho biết, làm công trình xanh chi phí ban đầu tăng thêm khoảng 10% để thỏa mãn các tiêu chí đặt ra (tiêu chuẩn của LEED) nhưng tiết kiệm về lâu dài. Trong đó, hiệu quả giảm 30% sử dụng nước và tối thiểu 20% năng lượng.
Bà Mẫu cho rằng để đẩy mạnh việc phát triển các công trình xanh tại Việt Nam, cần có những ưu đãi về vốn vay đối với các doanh nghiệp phát triển nguồn nguyên liệu, để có nguyên liệu ở trong nước, từ đó doanh nghiệp có thể dùng vật liệu ở trong nước, giảm chi phí cho quá trình vận chuyển. Về phía khách hàng và người tiêu dùng, có thể ưu đãi đóng thuế thu nhập thấp nếu họ mua bất động sản xanh thay vì sản phẩm bình thường. Cũng cần ưu đãi phần nào thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản xanh.
Hiện nay công trình bất động sản xanh còn ít được quan tâm.
Bà Lê Thị Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đồi Xanh Nha Trang cũng cho rằng muốn làm bất động sản xanh, doanh nghiệp cần có quỹ đất lớn, phải bỏ chi phí đầu tư nhiều hơn nên Chính phủ cần có những ưu đãi về thuế sử dụng đất và thuế thu nhập doanh nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn làm.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc thay đổi tư duy của các nhà đầu tư về phân tích chi phí đầu tư và lợi ích trên cơ sở dài hạn thì cần những hỗ trợ về mặt chính sách để thúc đẩy phát triển công trình xanh. Trong đó có việc hình thành các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể về bất động sản xanh.
Trước mắt cần có 1 chương trình về cách thức phát triển bất động sản xanh, cần đưa ra những chính sách ưu tiên hỗ trợ, bù đắp lại chi phí cho các chủ đầu tư dự án xanh như có thể miễn một số loại thuế. Bước dài hơn nữa thì còn rất nhiều việc phải làm.
QUANG HUY
Chia sẻ