Bộ Xây dựng lưu ý Hà Nội cần tập trung giải quyết tranh chấp chung cư
Từ tháng 7/2018, Sở Xây dựng đã kiểm tra được 71/83 nhà chung cư có đơn khiếu kiện, tranh chấp, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 12 trường hợp. Dự báo, tranh chấp chung cư không giảm mà sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Người dân xuống đường phản đối chủ đầu tư chung cư Hòa Bình Green City, nhiều năm không làm sổ đỏ cho cư dân.
Sáng ngày 10/1, Sở Xây dựng tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ 2019 tại Hà Nội. Trong năm 2018 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp, tổ chức kiểm tra xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ tháng 7/2018, sau khi tập trung thực hiện đã kiểm tra được 71/83 nhà chung cư có đơn khiếu kiện, tranh chấp. Sở đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 12 trường hợp. Và để nâng cao hiệu quả quản lý, Sở đã dự thảo Chỉ thị của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà chung cư trên địa bàn” - ông Dũng cho biết.
Về việc thành lập Ban quản trị tại các chung cư thương mại, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay đã bầu được 492/745 ban quản trị (tăng 10% so với năm 2017). Hiện đã ban giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung cho 238/492 ban quản trị (tăng 20% so với 2017).
Với chung cư tái định cư, đã bầu được 82 ban quản trị của 92/155 nhà chung cư đủ điều kiện; có 44 nhà chung cư đã tổ chức hội nghị nhà chung cư lần 2 nhưng không thành công và đã chuyển UBND phường đứng ra tổ chức theo quy định.
Sở cũng đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho 49/82 ban quản trị. Cùng với đó, Sở đã bố trí diện tích sinh hoạt công cộng cho 47/74 nhà chung cư theo thiết kế không có diện tích sinh hoạt.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá cao những kết quả Sở Xây dựng Hà Nội đã đạt được trong năm 2018. Đồng thời lưu ý về vấn đề quản lý nhà chung cư. Theo ông Hùng, với sự phát triển của chung cư như hiện nay, cùng nhiều vấn đề pháp lý chưa theo kịp với sự phát triển này. Do đó, tranh chấp chung cư sẽ bùng phát, sẽ có khiếu kiện… Lãnh đạo Bộ Xây dựng dẫn chứng về một dự án có tiếng trên đường Trần Duy Hưng, người dân khiếu kiện khắp nơi, thậm chí tìm gặp bằng được lãnh đạo Bộ Xây dựng, cầm điện thoại quay từng “ngóc ngách” tại cơ quan… “Cần phải xem xét những vấn đề nào thuộc mức độ quản lý nhà nước, vấn đề nào là quan hệ giữa Chủ đầu tư với khách hàng”, ông Hùng lưu ý.
Hoàn thành trồng 1 triệu cây xanh sớm hơn kế hoạch
Về chỉ tiêu cấp nước sạch: Tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung khu vực 12 quận nội thành (quy mô dân số khoảng 3,46 triệu người) đạt hơn 1.000.000m3/ngày đêm, tăng khoảng 75.000m3/ngày đêm so với năm 2017. Tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước đạt gần 100%. Tại khu vực nông thôn (17 huyện và thị xã Sơn Tây) với quy mô dân số khoảng 4,28 triệu người, hết năm 2018, một số dự án phát triển mạng cấp nước hoàn thành cấp nước cho gần 2,4 triệu người, nâng tỷ lệ số người dân được cấp nước tại khu vực nông thôn đạt khoảng 55,5%, vượt 0,5% so với kế hoạch.
Chỉ tiêu xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt 60,5%, đã có 24/43 cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải, đạt 100% kế hoạch thành phố giao. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển không để rác tồn đọng trong ngày, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên 12 quận nội thành và thị xã Sơn Tây đạt khoảng 98%, tại khu vực nông thôn đạt khoảng 88%. Toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt thu gom đều được xử lý theo đúng quy định. Đặc biệt, Hà Nội đã hoàn thành chương trình trồng 1 triệu cây xanh sớm hơn 2 năm so với kế hoạch.
Trần Hoàng (Tiền Phong)
Theo cafeland.vn