Bịt kẽ hở dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước qua dự án BT
Chính phủ đang dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án xây dựng - chuyển giao (BT). Theo PGS-TS Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành V (Kiểm toán Nhà nước), cần phải sớm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để bịt các kẽ hở dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước qua dự án BT.
PGS-TS Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành V (Kiểm toán Nhà nước).
Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt dự án BT có tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, nhưng cũng có nhiều ý kiến ghi nhận hiệu quả mà hình thức đầu tư này đem lại. Ông nhận xét gì về hình thức này?
BT là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhà đầu tư sẽ được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án khác.
Nói một cách nôm na, Nhà nước cần công trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh, nhưng không có tiền, nên phải đánh đổi bằng quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư.
Hình thức BT là kênh huy động hiệu quả nguồn lực tài chính, kinh nghiệm, công nghệ, thiết bị, máy móc của các nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng BT khá thành công, góp phần làm thay đổi hạ tầng.
Tại Việt Nam, trong điều kiện đầu tư từ ngân sách nhà nước rất hạn chế, nếu không áp dụng BT, thì nhiều dự án cấp bách, nhiều kết cấu hạ tầng cấp thiết nhằm phục vụ an sinh xã hội khó có thể triển khai được.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều dự án BT đã phát huy hiệu quả, còn có không ít dự án đang là biểu tượng của sự lãng phí như Bảo tàng Hà Nội, Dự án Xử lý nước thải Yên Sở… Chưa kể hàng loạt dự án BT khác gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, đặc biệt là thất thoát, lãng phí về đất đai.
Ông có cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước trong hợp đồng BT chủ yếu là do chỉ định thầu?
Theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) thì việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu.
Do được phép chỉ định thầu nên hầu hết dự án BT đều không thực hiện đấu thầu rộng rãi. Để tránh không phải đấu thầu rộng rãi, chủ đầu tư là các bộ, ngành, địa phương ban hành nhiều quy định ngặt nghèo nhằm loại bỏ các nhà đầu tư ngay từ vòng nộp hồ sơ.
Do được đề xuất dự án và không có đối thủ cạnh tranh nên nhiều dự án tính tổng mức đầu tư ở mức “trên trời” bằng việc tăng khối lượng công trình, áp dụng sai đơn giá vật liệu xây dựng, tăng định mức, tăng giá trang thiết bị, đặc biệt là trang thiết bị nhập khẩu mà trong nước không có…
Thất thoát lớn nữa trong dự án BT chính là việc Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất không qua đấu giá, mà tính theo giá do UBND cấp tỉnh công bố thường không sát với giá thị trường, thậm chí thấp rất xa so với thị trường tại thời điểm thanh toán cho nhà đầu tư.
Chưa kể, khi nhắm đến mảnh đất nào sẽ được thanh toán cho dự án, nhà đầu tư đều biết chắc giá trị đất ở đó sẽ tăng lên rất nhiều ngay sau khi họ đầu tư, trong khi giá trị đất nhận thanh toán cho dự án mà họ đầu tư đã được “chốt” từ trước.
Về đất đai thanh toán cho dự án BT, Nhà nước còn thất thoát trong trường hợp nào nữa, thưa ông?
Theo Quyết định 23/2015/QĐ-TTg quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT thì thời điểm thanh toán dự án BT bằng quỹ đất là thời điểm UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần được triển khai đồng thời hoặc sau khi hoàn thành dự án BT và giá trị đất đem thanh toán không thay đổi kể từ ngày UBND cấp tỉnh xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Đây là kẽ hở vì không nhà đầu tư nào lại nhận quỹ đất thanh toán khi dự án BT hoàn thành, mà đều nhận thanh toán ngay khi triển khai dự án.
Quỹ đất thanh toán đã nhận, nhà đầu tư triển khai dự án của mình, thường là xây dựng chung cư, đô thị mới, trung tâm thương mại, thậm chí “phân lô, bán nền” với giá gấp nhiều lần giá đất nhận thanh toán cho dự án BT, nhưng dự án BT phải đến 3 - 4 năm sau, thậm chí lâu hơn mới hoàn thành và bàn giao cho Nhà nước với muôn vàn nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân muôn thuở là tiến độ giải phóng mặt bằng chậm.
Giá đất sau 3 - 4 năm kể từ khi nhà đầu tư nhận thanh toán cho đến khi bàn giao dự án BT cho Nhà nước trong điều kiện bình thường đã tăng rất nhiều, chứ chưa nói tăng do chính dự án BT đem lại. Phần chênh lệch này, Nhà nước mất trắng và rơi toàn bộ vào túi nhà đầu tư.
Để bịt kẽ hở, tránh thất thoát tài sản nhà nước khi thanh toán cho dự án BT, theo ông, Nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán dự án BT cần phải đưa ra nguyên tắc gì?
Theo tôi, để tránh những thất thoát nói trên, cần quy định việc thanh toán dự án BT bằng tài sản công chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước cho phép và việc lựa chọn nhà đầu tư dự án BT theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Tài sản công thanh toán cho dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Giá trị dự án BT được xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan.
Việc giao tài sản (đất đai) để thanh toán cho dự án BT chỉ được thực hiện khi có khối lượng xây dựng công trình dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng... Quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Mạnh Bôn (Baodautu)
Theo cafeland.vn