Bình Thuận mỏ cát lậu thách thức chính quyền: Tổ liên ngành của tỉnh bất ngờ kiểm tra
Sáng nay 28.6, tổ liên ngành kiểm tra khoáng sản trái phép đã bất ngờ kiểm tra mỏ cát lậu của ông Hồ Công Tồn, ở xã Sông Bình, H.Bắc Bình.
Bên trong mỏ cát lậu của ông Hồ Công Tồn. Ảnh: Quế Hà
Tổ liên ngành (do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập), ngoài cán bộ của Sở TNMT, còn có Phòng cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh), đại diện UBND H.Bắc Bình và chính quyền xã đã đến khu mỏ cát lậu của ông Hồ Công Tồn, yêu cầu mở cổng để vào bên trong kiểm tra thực địa.
Bên trong mỏ cát lậu, ngoài khối lượng cát còn nguyên, vừa khai thác chưa đem đi hết, tổ liên ngành ghi nhận diện tích cát đã bị lấy đi khỏi mỏ là rất lớn.
Tổ liên ngành đo vẽ hiện trạng sơ bộ sau đó tiến hành lập biên bản hiện trạng mỏ cát trái phép này dưới sự chứng kiến của ông Hồ Công Tồn.
Bên cạnh đó, những diện tích đã khai thác hết cát bề mặt đã được ông Hồ Công Tồn trồng hàng nghìn cây xoài (mới trồng, chỉ cao 50 cm) cũng được ghi vào biên bản.
Theo lãnh đạo Sở TNMT Bình Thuận, sau khi kết thúc kiểm tra của Tổ liên ngành, Sở TNMT sẽ có báo cáo cho UBND tỉnh xem xét xử lý tiếp vào đầu tuần tới.
Hồ nước rất lớn bên trong mỏ cát lậu để lọc cát. Ảnh: Quế Hà
Trồng xoài vào chỗ hết cát để "ăn" đường cao tốc ?
Theo đại diện chính quyền xã Sông Bình, việc ông Tồn trồng xoài là để “đón đầu” việc đền bù khi làm đường cao tốc (dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chạy qua xã Sông Bình dài tới 11,7 km - PV).
"Trước đây ông Tồn đã xây hàng rào mỏ cát lậu bao cả tim đường cao tốc, sau đó xã phát hiện báo lên huyện và đình chỉ. Nay ông Tồn xây ra vành đai kiên cố để đón đầu việc đền bù khi làm cao tốc" - cán bộ xã Sông Bình nói.
Diện tích đất đã khai thác hết cát, ông Hồ Công Tồn trồng xoài ken dày đặc. Ảnh: Quế Hà
Đây là "bản doanh" của ông Hồ Công Tồn, ngay cầu vượt đường sắt giáp ranh xã Sông Bình và Lương Sơn, cát khai thác chưa bán hết được ông Tồn tập kết về đây với hàng rào cắm chông thủy tinh rất chắc chắn. Ảnh: Quế Hà
“Không chỉ lấy đi hàng trăm nghìn mét khối cát trái phép, ông Hồ Công Tồn còn ngang nhiên đào đất để tự ý san lấp gần một hec-ta đất mặt bằng ngay ven đường QL28B (sát nhà máy gạch Trung Nguyên, khoảng 8.000 m2 x 1,5 m chiều sâu).
Vụ việc này UBND xã cũng từng lập biên bản và yêu cầu ông Tồn chấm dứt, nhưng hiện nay ông Tồn đã san lấp bằng phẳng khu đất rộng này.
Những vụ khai thác khoáng sản tại xã cứ kéo dài, đến nỗi Huyện ủy đã quyết định điều một cán bộ ở huyện về để thay Bí thư Đảng ủy xã; rồi mới đây huyện kỷ luật Chủ tịch UBND xã, rồi cho nghỉ, thay chủ tịch khác.
Thế nhưng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép của ông Hồ Công Tồn vẫn không thể chấm dứt” - một cán bộ UBND xã Sông Bình cho Thanh Niên biết.
“Hiện nay Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp về mỏ cát lậu này. Lãnh đạo Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra tiến hành đo vẽ lại hiện trạng khu đất này để đánh giá trữ lượng cát đã lấy đi. Đồng thời chúng tôi sẽ xem xét để thu hồi lại sổ đỏ diện tích đất này vì đã sử dụng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật” - chủ tịch UBND H.Bắc Bình Lê Văn Long nói.
Quế Hà (Thanh niên)
Theo cafeland.vn