Bình Thuận: Ai bảo kê khai thác đất trái phép tại huyện Bắc Bình?
Việc khai thác đất trái phép diễn ra ngang nhiên suốt thời gian dài biến khu vực Tấn Mài, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình tan hoang, nham nhở. Chính quyền xã và huyện dù không xử lý ngăn chặn dứt điểm vấn nạn trên nhưng vẫn tiếp tục thống nhất làm đơn xin phép được “tận thu khoáng sản đất sỏi”.
Khung cảnh tại vùng đất thuộc dự án trang trại thanh long của Công ty Hồng Ân
Một vùng tan hoang vì nạn khai thác đất trái phép
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản Hồng Ân (Công ty Hồng Ân) phản ánh, vừa qua sau khi được Công an tỉnh Bình Thuận bàn giao hiện trạng nhà máy và trang trại thanh long (xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình), công ty kiểm tra thì phát hiện phần đất thuộc diện tích đất 87ha của Dự án đầu tư “Trang trại thanh long” (được UBND tỉnh Bình Thuận cấp “Giấy chứng nhận đầu tư” số: 48121000607 ngày 11/10/2010), bị biến dạng nghiêm trọng.
Cụ thể, ngày 9/6, Công ty Hồng Ân phát hiện có hai hố đất diện tích rộng khoảng 2ha, hình thành bởi hành vi khai thác đất trái phép diễn ra thời gian dài. Thời điểm đó, công ty phát hiện một xe ben và một xe máy xúc từ bên ngoài di chuyển vào vùng đất dự án của công ty.
Lãnh đạo công ty thông báo với Công an xã Hải Ninh. Nửa giờ sau, một cán bộ công an xã đến hiện trường, đi cùng có 2 người được cho là chiến sỹ Công an huyện Bắc Bình. Tuy nhiên, nhóm chiến sỹ công an sau đó rời đi mà không hề lập biên bản xác minh sự việc.
Ngày 12/6, lãnh đạo Công ty Hồng Ân đi kiểm tra thì phát hiện đất của dự án bị đào múc đường ranh với mục đích bao chiếm đất, diện tích ước tính lên đến hơn 5ha, trong đó có 2 hố đất như đã nói. Ngoài ra, đại diện công ty cũng cho rằng, đất dự án đã bị lấn chiếm diện tích hơn 2ha.
Trưa cùng ngày, lãnh đạo công ty trình báo chủ tịch UBND xã Hải Ninh, yêu cầu ngăn chặn xử lý. Chiều cùng ngày, một vị Phó Chủ tịch UBND xã và công chức địa chính xã đến hiện trường, tuy nhiên vì lý do diện tích đất bị khai thác, lấn chiếm không phải là đất được cấp QSDĐ cho Công ty Hồng Ân nên họ không lập biên bản.
Quan điểm của Công ty Hồng Ân, diện tích đất bị huỷ hoại, lấn chiếm thuộc 87ha của dự án đã được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư. Đây đồng thời là một phần vật chứng của vụ án hình sự “cưỡng đoạt tài sản” xảy ra ngày 29/01/2016, vốn đã được Công an tỉnh Bình Thuận khởi tố để điều tra.
Chiều ngày 19/6, nhóm phóng viên đến hiện trường ghi nhận những thông tin được phản ánh. Kết quả thực địa, giữa một vùng đất bằng phẳng rộng lớn của dự án, hiện lên khung cảnh tan hoang nham nhở như một đại công trường.
Diện tích đất bị khai thác, chỉ tính riêng trong dự án trang trại thanh long, ước tính lên đến vài chục nghìn mét vuông. Rõ nét nhất là 2 hố đất mà Công ty Hồng Ân phản ánh, có những vị trí có độ sâu từ 2m đến 3m, khối lượng đất bị lấy đi ước tính lên đến hàng nghìn mét khối.
Chưa hết, bên ngoài đất dự án, rải rác nhiều hố đất rộng thênh thang, nhiều chỗ bị đào sâu hoắm đã thành ao chỉ sau một cơn mưa. Dễ dàng hình dung được, vùng đất này chẳng những bị tận diệt vì mất lớp đất bề mặt mà còn tạo nên những cái bẫy từ các hầm hố, một cái hụt chân cũng dẫn đến nguy cơ chết người.
Điều đáng nói, việc khai thác đất diễn ra nhiều năm ròng, có tổ chức và quy mô lớn, bằng các phương tiện khai thác chuyên dụng. Đất khai thác được chuyển đến san lấp những thửa đất nông nghiệp vị trí mặt đường giao thông, mục đích phân lô bán nền.
Có lẽ vì lợi nhuận khủng thu được từ việc bán đất, với giá mỗi xe đất trên dưới 500.000 đồng, giá sỏi còn cao hơn, đến thời điểm này, việc khai thác đất vẫn cứ diễn ra, ngang nhiên giữa ban ngày, dù ai cũng biết việc trục lợi tài nguyên này là hành vi trái pháp luật.
Chủ tịch huyện cho phép khai thác?
Sáng ngày 20/6, ông Võ Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, diện tích đất bị khai thác, nơi có 2 hố rộng chừng 2ha, theo như phản ánh của Công ty Hồng Ân là đất thuộc sự quản lý của UBND xã Hải Ninh. Còn những hố đất lân cận là thuộc đất cấp cho hộ nghèo dùng để sản xuất nông nghiệp.
Đơn vị khai thác đất chủ yếu tại đây là Công ty TNHH Quảng Bình (trụ sở tại thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình), chẳng những khai thác trái phép phần đất của xã đang quản lý, đất thuộc sở hữu (đã được cấp QSDĐ) của Công ty Hồng Ân, doanh nghiệp này còn khai thác cả đất Nhà nước cấp cho hộ nghèo.
Theo ông Long, Công ty Quảng Bình nhiều lần bị phát hiện, xử phạt, thậm chí bị yêu cầu khôi phục hiện trạng, san lấp những hố đất gây ra trên đất dự án Công ty Hồng Ân. Tuy nhiên thực tế ghi nhận, đơn vị này vừa không chịu thực hiện khắc phục vừa tiếp tục mở rộng việc khai thác đất ra khu vực xung quanh.
Ông Long khẳng định, ở đây trước giờ không ai cho phép việc khai thác đất. Tuy nhiên sau đó ông Long cũng nói: “Mình tạo điều kiện thôi, chứ cho phép thì ai dám cho”. Như vậy, lãnh đạo xã Hải Ninh vừa khẳng định việc khai thác đất là trái phép, vừa cho rằng chính quyền xã Hải Ninh và huyện Bắc Bình đã thống nhất cho doanh nghiệp “tận thu đất sỏi”, bản chất cũng nhằm mục đích khai thác đất.
Được biết, đầu năm 2018, UBND huyện Bắc Bình có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận (Sở TN&MT), đề nghị cho ý kiến, chủ trương để địa phương tận thu khoáng sản đất sỏi từ việc đào ao của người dân để làm dự án giao thông nông thôn. Huyện vừa gửi đơn, doanh nghiệp vừa tiến hành khai thác đất với lý do “đào ao”, mặc dù vị trí “đào ao” có chỗ nằm giữa rừng.
Ông Phan Văn Tính – Trưởng phòng TN&MT huyện Bắc Bình tỏ ra bất ngờ với những hình ảnh phóng viên cung cấp. Về hành vi khai thác đất, ông Tính khẳng định: “Làm gì có chuyện mà cho phép được. Nó chủ yếu là lén lút hết. Không có ai cho phép hết”.
Về công văn của huyện xin được tận thu khoáng sản, ông Tính cho rằng đến nay tỉnh Bình Thuận vẫn chưa cho phép. Còn về thực hiện công tác quản lý đất đai khoáng sản, ông Tính cho biết huyện đã giao xã Hải Ninh quản lý. Trong những lần họp, đại diện xã đều báo cáo rằng tình hình ổn định, bình thường.
Trong khi đó, ông Lê Văn Long – Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình thì tỏ vẻ bình thản trước những gì đang diễn ra, dù diện tích đất bị tàn phá lên đến hàng chục nghìn mét vuông. Điều khiến ông Long bận tâm là ông đã ký 2 công văn gửi Sở TN&MT xin khai thác khoáng sản nhưng chưa được đồng ý. Việc “xin đất” nói trên, theo ông Long là có chỉ đạo, tác động của Bí thư Huyện uỷ Bắc Bình.
Ông Long nói với phóng viên: “Cái này (ý nói việc khai thác đất sỏi-PV) là anh xin nhỏ nhỏ thôi đó, mà không biết vì sao trên đó (ý nói hiện trường khai thác đất ở xã Hải Ninh-PV)… Thôi thì anh nói thật với em chuyện đó là cái chuyện địa phương làm sai như thế nhưng cũng vì phục vụ địa phương công dân của mình ấy mà”. Vừa thừa nhận việc “bật đèn xanh” cho hành vi khai thác đất tại xã Hải Ninh, ông Long vừa đề nghị phóng viên: “Em cũng coi nghiên cứu, tính toán”.
Nói về biện pháp “sửa sai”, ông Long đề nghị cán bộ cấp dưới: “Mình nhắc lại Sở TN&MT cho ổng có chủ trương cho mình”. Còn những nơi đang khai thác, ông Long nói: “Xem thử nó ảnh hưởng môi trường lớn thì cho dừng lại”. Đối với biện pháp khôi phục hiện trạng ban đầu, ông Long nói: “khó lắm”.
Đến đây, bạn đọc đã có câu trả lời vì sao các đối tượng khai thác đất trái phép, điển hình là Công ty Quảng Bình lại lộng hành, tha hồ thu lợi từ hành vi khai thác đất tại xã Hải Ninh suốt nhiều năm qua.
Nhóm PV (Pháp luật VN)
Theo cafeland.vn