Bình quân 1 năm nước Mỹ chỉ xây dựng 1,5 triệu căn nhà mới
- Thông tin này được bà Nguyễn Liễu, Đại sứ Hiệp hội Môi giới bất động sản Quốc gia Hoa Kỳ (NAR)đưa ra tại Họp báo công bố thông tin Hội nghị Bất động sản quốc tế IREC 2018 mới đây.
Thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư đến từ các nước trên thế giới. Trong đó, thị trường ghi nhận sự hiện diện mang tính “áp đảo” của các nhà đầu tư châu Á, nổi bật như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông…
Giớichuyên gia cho rằng, có khá nhiều yếu tố để tạo nên sự khác biệt giữa mục tiêu cũng như phương thức đầu tư của các đơn vị nước ngoài, có thể kể đến như sự khác biệt văn hóa, khoảng cách địa lý, môi trường, chính sách đầu tư…
Bên lề buổi họp báo công bố thông tin Hội nghị IREC 2018, bà Nguyễn Liễu, Đại sứ NAR đã có những chia sẻ về sự khác biệt về môi trường đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ.
Bà Liễu cho biết, năm 2017, Việt Nam đầu tư hơn 3 tỉ USD vào bất động sản Mỹ. Trên thực tế, con số này có thể cao hơn bởi những người đầu tư tại Mỹ thường không sử dụng tên của mình mà dùng tên người thân, bạn bè sinh sống tại đó.
“Hơn nữa, với đặc thù đầu tư bằng tiền mặt của người Việt, quy trình để sở hữu một căn nhà tại Mỹ chưa đến 2 tuần. Khách hàng Việt Nam khi mua bất động sản tại Mỹ không cần ở đó, khi về nước sẽ được hỗ trợ cho thuê với lợi nhuận cho thuê cao hơn nhiều so với ở Việt Nam. Với những lợi thế đó, tôi cho rằng, xu hướng người Việt đầu tư bất động sản tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Liễu, Đại sứ NAR.
Đối với thị trường bất động sản Việt Nam, Đại sứ NAR cho rằng, cơ hội rất lớn nhưng rủi ro cũng cao hơn. “Có những yếu tố tôi nghĩ cần rõ ràng hơn, ví dụ như những con số đưa ra để nhà đầu tư nắm được giá bán giá mua như vậy là hợp lý hay chưa. Bởi bản tính của nhà đầu tư nước ngoài thường rất chi tiết, kỹ lưỡng, họ cần những con số đó để xem xét, phân tích thị trường thực tế, đảm bảo tính minh bạch của thị trường. Điều này thì hiện tại Việt Nam đang thiếu”, bà Liễu nói.
Về tốc độ đầu tư, theo Đại sứ NAR, đầu tư bất động sản tại Việt Nam rất nhanh, con số này có thể lớn hơn khi đầu tư ở Mỹ, bởi môi trường đầu tư ở Mỹ ổn định, an toàn nên khả năng thu hút sẽ cao hơn.
Bà Liễu cho biết: “Trước đây nhiều người đầu tư ở bờ Tây vì dân số người Việt ở đó rất đông. Nhưng 3 năm trở lại đây họ có xu hướng chuyển sang bờ Đông. Khi chúng tôi khảo sát thị trường thì được biết, họ bị thu hút bởi cảnh quan xanh, đẹp của khu vực này lúc trên máy bay nhìn xuống. Ở đây cũng có nhiều lợi thế, trường học là 1 trong những trường công giỏi nhất ở Mỹ, có 3 quận giàu nhất nước Mỹ, dân trí cao, giúp cho môi trường sống tốt hơn”.
Về thị phần đầu tư, theo Đại sứ NAR, ở Mỹ, thường chú trọng vào thị trường nhà ở sang tay, không phải các sản phẩm mới như ở Việt Nam. Bình quân mỗi năm nước Mỹ chỉ xây dựng khoảng 1,5 triệu căn nhà mới, trong khi thị trường nhà cũ ở rồi bán sang tay đến 5 triệu căn/năm. Và thị phần này được xem là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.
Ở Mỹ thường chú trọng vào thị trường nhà ở sang tay, mỗi năm chỉ xây dựng mới 1,5 triệu căn nhà.
Về chính sách đầu tư, bà Liễu cho rằng, ở Việt Nam mua nhà cần tiền mặt, ở Mỹ khách hàng sẽ chọn cách “mắc nợ” nhà băng. Đó là rào cản cho người nước ngoài muốn đầu tư bất động sản vào Việt Nam. Chưa kể, khi bỏ tiền đầu tư bất động sản, nhà đầu tư nào cũng có nhu cầu chuyển nhượng, mua bán và có thể mang tiền đó ra khỏi Việt Nam, nhưng pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc này. Đó là một rào cản lớn, không chỉ đối với Mỹ mà còn với nhiều nước khác.
Về quyền sở hữu, khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư bất động sản tại Việt Nam, quy định chỉ được thuê đất trong 50 năm sẽ phải trả lại. Còn ở Mỹ, người mua được sở hữu đất vĩnh viễn, cho đến khi bán đi thì người mua sau đó cũng tiếp tục được sở hữu vĩnh viễn. Bà Liễu cho biết đó là điều khác biệt rất lớn giữa chính sách đầu tư của 2 nước.
Một điểm khác biệt nữa giữa hai thị trường cũng được Đại sứ NAR chỉ ra đó là về cách thức tiếp cận sản phẩm bất động sản.
“Ở Việt Nam, khách hàng muốn mua bất động sản thường có quan niệm mua trực tiếp từ người bán sẽ được hưởng mức giá thấp hơn. Còn ở Mỹ, cách tốt nhất là qua một đầu mối trung gian, chính là môi giới. Những người làm nghề môi giới bất động sản ở Mỹ đòi hỏi kiến thức, trình độ cao, am hiểu về thị trường, nắm bắt được mặt bằng giá và biến động giá qua các thời kỳ. Hàng năm, các môi giới sẽ trải qua các lớp đào tạo để nâng cao chứng chỉ, thậm chí chỉ để giữ được chứng chỉ chứ không phải muốn nói gì với khách hàng thì nói. Những đòi hỏi này đối với môi giới bất động sản ở Việt Nam chưa được sát sao, môi giới đôi khi bị gắn với chữ “cò đất”, tức chưa chuyên nghiệp , cũng không đòi hỏi nhiều về chuyên môn”, bà Liễu chia sẻ.
Để cải thiện môi trường đầu tư cũng như thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại vào bất động sản Việt Nam, Đại sứ NAR cho rằng, cần có những cải thiện, cởi mở hơn về chính sách, xây dựng được hệ thống dữ liệu để đảm bảo tính minh bạch của thị trường. Đồng thời cần có sự đào tạo chuyên sâu và đòi hỏi cao hơn đối với những người hành nghề môi giới, giúp cho thị trường phát triển một cách lành mạnh, bền vững.
Tâm An
Theo cafeland.vn