Bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu chững lại
- Mặc dù được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng, song phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu chững lại trong thời gian qua, một phần là do tâm lý của các nhà đầu tư trước những dự án chậm tiến độ.
Giới quan sát thị trường cho biết, từ giữa năm 2018, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ở một số thị trường truyền thống như Nha Trang, Đà Nẵng bắt đầu có xu hướng chững lại.
Theo một nghiên cứu của Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, nếu như trong năm 2017 giá phòng và công suất thuê phòng được ghi nhận tăng trưởng tại hầu hết các địa điểm trên cả nước, thì năm 2018 chỉ có một số khu vực như TP.HCM ghi nhận tăng trưởng, trong khi vài địa điểm ven biển khác như Đà Nẵng lại có dấu hiệu sụt giảm.
Trước đó, báo cáo toàn cảnh bất động sản nghỉ dưỡng năm 2018 của một doanh nghiệp bất động sản cũng chỉ ra một bức tranh với gam màu xám trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Đơn vị này cho hay, từ cuối năm 2017 thị trường biệt thự nghỉ dưỡng đã bắt đầu giảm nhiệt và đà giảm này tiếp tục kéo dài qua năm 2018.
Số liệu thống kê cho thấy, nguồn cung và tỷ lệ tiêu thụ của biệt thự nghỉ dưỡng trong năm 2018 bằng 52% và 54% so với năm 2017. Nguồn cung trên thị trường sơ cấp đến từ những dự án trước đó và tập trung vào các địa phươngnhư Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Quốc và Quảng Nam.
Theo ông Đính, năm 2019 có thể sẽ là một năm thách thức của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Riêng với phân khúc condotel, năm qua thị trường có khoảng 4.596 sản phẩm mới mở bán, bằng 31% so với năm 2017. Sức cầu khá thấp,ngoại trừ một số dự án nổi bật ở Khánh Hòa. Nguồn cung sơ cấp trên thị trường tập trung chủ yếu ở Khánh Hòa và Đà Nẵng, chiếm khoảng 86% toàn thị trường.
Lý giải về thực tế này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng thời gian qua, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có phần chậm lại do nhà đầu tư đang thiếu niềm tin ở một số dự án nên đang lưỡng lự trong quá trình giao dịch. Một số chủ đầu tư triển khai dự án không đúng tiến độ cam kết, chậm đưa dự án vào khai thác sử dụng do năng lực hạn chế. Việc chờ đợi quá lâu để quyết định “chốt” giao dịch cũng khiến cơ hội và hiệu quả đầu tư thấp đi.
Bên cạnh đó, thị trường đang vấp phải vấn đề siết tín dụng 2019, khiến cho nguồn vay để đầu tư sụt giảm. Trước đây, các nhà đầu tư đa số phải dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư. Bây giờ, chính sách siết tín dụng khiến lãi suất tăng, khả năng vay để đầu tư không còn cũng là nguyên nhân làm giảm sức nóng đầu tư vào phân khúc này.
Mặc dù vậy, ông Đính vẫn khẳng định đây là phân khúc đầu tư hấp dẫn, đầy tiềm năng ở thời điểm hiện tại. Lý do bởi số lượng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng trên cả nước, bao gồm đã hoàn thành, đang thực hiện và đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện hiện nay mới chỉ đáp ứng một phẩn nhỏ nhu cầu căn hộ lưu trú cho khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Vì vậy, việc đầu tư vào loại hình bất động sản nghỉ dưỡng còn nhiều tiềm năng phát triển và sinh lợi tốt.
Ngoài ra, giá bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng phát triển du lịch.
Theo ông Đính, các khu vực có lợi thế về du lịch và hệ thống giao thông thuận tiện, đặc biệt có kết nối bằng đường hàng không như Phú Quốc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh tiếp tục được đánh giá là các khu vực có tiềm năng phát triển mạnh về bất động sản nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, một số khu vực có tiềm năng phát triển khác nhưThanh Hóa, Quảng Bình, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Thuận, Vũng Tàu,… cũng đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trên cả nước.
Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh, cùng với thực tế triển khai dự án, năng lực chu đầu tư và chính sách siết chặt tín dụng thì năm 2019 có thể sẽ là một năm thách thức của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khi hàng loạt dự án được đưa vào vận hành.
Tâm An
Theo cafeland.vn