Bất động sản 24h: Thận trọng khi đầu tư "ăn theo" hạ tầng
- Đề xuất nới giới hạn vay của quỹ đầu tư bất động sản; Vì sao đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông lỗi hẹn; Tiền ít, nên mua căn hộ hay nhà đất giấy tờ tay tại TP.HCM... là những thông tin nhà đất nổi bật trong 24h qua.
Hình minh họa
Cẩn trọng đầu tư đón gió
Thời gian gần đây, lãnh đạo TPHCM liên tục họp với các bộ, ngành và địa phương lân cận để bàn chuyện đầu tư các dự án giao thông. Đặc biệt 2 dự án trọng điểm là cầu Cát Lái (nối TPHCM và Đồng Nai) và cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh) được nhà đầu tư rất quan tâm. Liệu việc đầu tư “đón gió” các dự án trên có dễ ăn như nhiều người kỳ vọng?
Lẽ thường tình, khi xuất hiện thông tin về hạ tầng, đặc biệt những dự án ảnh hưởng đến một địa phương, lập tức thị trường BĐS khu vực đó được đẩy giá lên ngay. Như sau khi thông tin lãnh đạo TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh họp bàn về 2 dự án nói trên, hàng loạt trang mạng môi giới BĐS liền cập nhật thông tin, đưa ra những tuyên bố chắc nịch: “Đảm bảo lời khi mua đất Nhơn Trạch”, "BĐS Tây Bắc trước cơ hội vàng”…xem thêm
Đề xuất nới giới hạn vay của quỹ đầu tư bất động sản
Đó là đề xuất được bà Dương Trần, đại diện VinaCapital đưa ra trong Trong Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, tại phiên hiến kế về diễn đàn Tài chính - Tín dụng với chủ đề khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội diễn ra hôm nay (2/5).
Với quy định, nhà đầu tư rót vốn 13-30% vào quỹ bất động sản mất 6 năm để chuyển nhượng. Thời gian được phép chuyển nhượng dài khiến các nhà đầu tư không mặn mà rót tiền vào quỹ này. Vị này cũng kiến nghị nên áp dụng thời gian hạn chế chuyển nhượng để kích thích nhà đầu tư và thời gian khoảng một năm là phù hợp...xem thêm
Ông chủ nội dần thâu tóm các khách sạn lớn
Trong lĩnh vực bất động sản du lịch, việc các ông chủ nội đang dần thâu tóm các khách sạn lớn thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) cho thấy, cuộc chơi đang từng bước được quân bình lại.
Gần đây, việc các chủ đầu tư bất động sản nội tìm cách mua lại các khách sạn lớn ở TP.HCM, Hà Nội và ở các địa phương khác tại những vị trí đắc địa, có giá trị lớn từ tay các doanh nghiệp ngoại đã khiến cho giới quan sát không khỏi bất ngờ. Bởi lẽ, từ trước đến giờ, cuộc chơi ấy gần như thuộc về các doanh nghiệp ngoại cầm trịch, nhưng nay chiều hướng đã có phần đổi khác...xem thêm
Tiền ít, nên mua căn hộ hay nhà đất giấy tờ tay tại TP.HCM?
Hiện nay, nhiều người muốn an cư lạc nghiệp tại TP.HCM nhưng không đủ tiền mua nhà đất có giấy tờ (sổ hồng) nên chuyển hướng sang mua nhà đất giấy tờ tay (mua bán thông qua phương thức lập vi bằng), căn hộ bình dân.
Đầu năm 2019, Sở Tư pháp TP.HCM có văn bản số 431/STP-BTP về việc phối hợp tuyên truyền hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại. Theo đó, lưu ý vi bằng không phải là văn bản công chứng, chứng thực; vi bằng không chứng nhận, không xác nhận tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch về nhà đất, không là cơ sở để thực hiện việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...xem thêm
Vì sao đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông lỗi hẹn?
Ngày 30-4, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) đã lên tiếng giải thích về việc dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chưa thể vận hành, khai thác vào tháng 4-2019 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Theo đó, dự án hiện chưa đủ điều kiện đưa vào vận hành thương mại do chưa được cấp chứng nhận an toàn hệ thống và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu. Theo quy định, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông trước khi đưa vào vận hành chính thức phải có đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, được thực hiện độc lập bởi Liên danh nhà thầu quốc tế Apave-Certifier-Tricc và được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật. Sau đó, dự án còn được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đánh giá tổng thể lần cuối...xem thêm
Hoàng An (TH)
Theo cafeland.vn