Bất động sản 24h: Bấp bênh với chung cư mini không "sổ đỏ"
- Vẽ “khu dân cư ảo” phá nát quy hoạch, trục lợi tiền tỉ; Đất nền vùng ven, “Sóng” đi cùng với rủi ro; Vì sao chung cư mini ở Hà Nội không được cấp “sổ đỏ”?... là những thông tin nhà đất nổi bật trong 24h qua.
Hình minh họa
Đất nền vùng ven: “Sóng” đi cùng với rủi ro
Tại buổi báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM vừa diễn ra vào ngày 5/4, DKRA Việt Nam cho rằng đất nền vùng ven sẽ là phân khúc tạo sóng trong năm 2018, tuy nhiên cơn sốt này sẽ có những tác động nguy hiểm nếu cứ tiếp tục kéo dài và mức tăng không được kiểm soát.
Theo ghi nhận của doanh nghiệp này, quý đầu năm 2018 có khoảng 970 nền cung cấp ra thị trường từ 5 dự án, bằng 44% so với nguồn cung của quý trước và bằng 106% so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ tiêu thụ đạ̣t khoảng 83%. Khu Đông tiếp tục dẫn đầu khi chiếm đến 52% nguồn cung và 62% lượng tiêu thị của toàn thị trường. Đáng chú ý, tỷ lệ tiêu thụ đất nền phân lô của riêng khu vực này đạt tới 100%. Giá đất tăng 5%-10% so với quý trước, riêng khu vực Quận 2 giá đất tăng 15%-20% so với quý trước... xem thêm
Thắc thỏm với nhà xây dựng tạm
Nhà ở thuộc quy hoạch “treo” chỉ được cấp phép tạm, phải cam kết tháo dỡ không bồi thường, không được hoàn công cấp giấy.
Năm 2016, ông Ngô Văn Thực mua được căn nhà 68 m2 ở hẻm 49 Trần Văn Đang, quận 3, TP.HCM với giá hơn 5 tỉ đồng. Theo thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nhà thuộc “lộ giới tuyến Bắc Nam dự phóng 60 m theo quyết định phê duyệt năm 1999 của TP”. Muốn xây lại nhà, ông Thực xin phép xây dựng và được hướng dẫn phải đến UBND phường làm cam kết tháo dỡ nhà không đòi bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch để nộp kèm hồ sơ. Theo GPXD “cải tạo sửa chữa có thời hạn” do UBND quận 3 cấp cho ông Thực, nhà được xây thêm tầng hai, ba. Trong GPXD nói rõ “chủ đầu tư phải tự phá bỏ công trình, không được đòi bồi thường phần công trình xây dựng theo GPXD có thời hạn khi Nhà nước thực hiện quy hoạch theo thời gian ghi trong giấy phép”... xem thêm
Vẽ “khu dân cư ảo” phá nát quy hoạch, trục lợi tiền tỉ
Mua đất nông nghiệp, sau đó san ủi, phân lô tách thửa, nhiều công ty bất động sản (BĐS) tại Gia Lai đã tự vẽ ra “khu dân cư”.
Đô thị quá tải, đất đai khan hiếm, các Cty BĐS “tinh ý” nhận ra nhu cầu lớn về đất ở. Với tiềm lực kinh tế dồi dào, họ cho người đi mua đất nông nghiệp giá rẻ - chủ yếu là đất rẫy càphê - rồi san làm mặt bằng. Các Cty này “khôn khéo” kéo điện, ủi đường cấp phối, rồi đổ bêtông xây viền phân lô. Một lô tương ứng 5m chiều ngang, dài 25m. Điểm bất thường, các “dự án” bán đất mang danh nghĩa Cty BĐS, tuy nhiên, khi người dân mua đất, công chứng sang nhượng lại là giao dịch giữa cá nhân với cá nhân. T - cò đất chuyên nghiệp, cộng tác cho 2 Cty BĐS lớn nhất, nhì Gia Lai là M.N và H.G.K - liên tục rỉ tai tôi: “Đất trung tâm thành phố còn đâu nữa. Tiền tỉ cũng không mua nổi. Bây giờ, các vùng ngoại ô như khu vực xã Chư Á, phường Thắng Lợi (TP.Pleiku), người ta đang quy hoạch “khu dân cư”. Cậu ra đấy, mới mua được đất, rồi kêu gọi bạn bè ra mua, ở cho đông vui”... xem thêm
Vì sao chung cư mini ở Hà Nội không được cấp “sổ đỏ”?
Hiện nay, tại thành phố Hà Nội có hàng nghìn căn hộ chung cư mini chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Ông Nguyễn Thành mua căn hộ Chung cư mini 603 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội với giá 950 triệu đồng và chuyển về ở từ tháng 3/2017. Theo lời hứa của chủ đầu tư, sau 1 năm căn hộ 47m2 của ông sẽ được tách “sổ hồng”. Tuy nhiên, đến nay gia đình ông vẫn phải tiếp tục chờ đợi và chưa biết đến bao giờ mới có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Đây là một ngôi nhà nằm trong hẻm sâu, đường vào chưa đến 2m... xem thêm
Chuyện ngược đời ở chung cư Văn Phú Victoria: Cư dân ‘khóc ròng’ vì ban quản trị
Thành lập được ban quản trị nhà chung cư đã khó nhưng khi chung cư đã có ban quản trị (BQT) thì không hẳn đã hết tranh chấp. Thường người dân phải phải đấu tranh với chủ đầu tư để đòi quyền lợi thì ở không ít chung cư lại có chuyện ngược đời, người dân phải đấu tranh với chính BQT do mình tín nhiệm bầu ra.
Anh Tạ Hồng Phong - cư tại tòa V2 khu chung cư Văn Phú Victoria, một trong những cư dân mới đây đã ký vào lá đơn đề nghị khẩn cấp gửi tới các cơ quan chức năng cho biết, từ khi thành lập và được chủ đầu tư bàn giao hơn 41 tỷ đồng phí bảo trì, ban quản trị không công khai minh bạch việc quản lý, sử dụng số tiền nói trên, cũng như các nguồn thu từ việc khai thác quảng cáo, dịch vụ xung quanh tòa nhà. Bên cạnh đó, theo phản ánh, BQT còn tự ý quyết về việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành mà không lấy ý kiến cư dân... xem thêm
Nguyên Huy (TH)
Theo cafeland.vn